Nhiều người đã nạp thẻ cào, đóng cước qua tin nhắn đến chủ sở hữu trang web để rồi không biết đòi tiền ở đâu khi trang web đột ngột ngưng hoạt động.
Tiền gửi cho web có đòi được không ?
Mới đây, ngày 28.9 tại TP.HCM, Đoàn thanh tra Liên ngành gồm Thanh tra Bộ TT-TT phối hợp Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) - Bộ Công an, đã xử lý hai công ty Bách Triệu Phát và Pine Multimedia Technologies bởi hành vi cung cấp phim không có bản quyền tại website hayhaytv.vn. Hiện tại, người dùng không thể truy cập webstie này.
Anh Quang T. hôm qua cho biết: “Tôi vừa nạp gói cước 100.000 đồng, giờ vào website này thấy ghi dòng chữ: “HayHayTV đang bảo trì. Xin các bạn vui lòng trở lại sau. Xin lỗi vì sự bất tiện này!”. Thế là đành chịu mất tiền chứ biết liên lạc với ai để đòi lại bây giờ, khi trang web chẳng còn một thông tin nào khác”.
Hiện tại có hàng chục trang chiếu phim trên mạng internet miễn phí lẫn thu phí với đủ mọi loại giá. Các website được nhiều người vào xem phim nhất có thể kể: phimmoi, xemphimso, phim 3, phim 4, phim 7, phim 14, HD V, HD O, Vivo, Pub, Phim Clip... Muốn xem phim “chất lượng cao, tốc độ nhanh” hoặc phim mới, người dùng sẽ phải đăng ký một tài khoản rồi nạp tiền vào tài khoản. Giá cước xem phim cũng đa dạng với đủ gói: 1 ngày/1 phim thì 2.000 đồng, 1 tuần 10.000 đồng, 1 tháng 19.000 - 40.000 đồng. Có website yêu cầu nạp thẻ cào cho số điện thoại công khai trên web với tùy mệnh giá, hoặc trừ qua tài khoản thẻ ATM trong nước, thẻ tín dụng... để xem phim.
Xem phim trên web tiện lợi thật, nhưng người xem có nguy cơ mất tiền rất lớn khi hầu hết các trang web hiện nay đều chiếu phim không có bản quyền, có thể bị cơ quan chức năng xử phạt và buộc ngưng cung cấp dịch vụ.
Nhà nhập khẩu phim “than trời”
Về việc phim chưa chiếu hoặc đang chiếu rạp bị đăng trái phép trên các kênh online, ông Nguyễn Hoàng Hải - Quản lý phát hành phim Công ty CJ CGV VN - cho biết: “Hành vi trên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của CGV cũng như cam kết của CGV với chủ phim trong hợp đồng phát hành phim và hơn hết, đây là hành vi vi phạm pháp luật”. Hầu hết các bộ phim chiếu rạp hiện nay đều bị vi phạm bản quyền trên các kênh online, có phim bị đăng trái phép ngay trước, trong hoặc sau thời điểm khởi chiếu, chẳng hạn Fast & Furious 7, dù VN nằm trong nhóm các thị trường đầu tiên công chiếu bộ phim nhưng vẫn có các link trái phép đăng tải phim đúng ngày khởi chiếu.
Đại diện nhà nhập khẩu, phát hành phim ngoại tại VN là Galaxy cho biết: “Mặc dù bị thiệt hại nặng nề khi các trang web công khai chiếu phim chúng tôi mua độc quyền phát hành tại thị trường rạp chiếu VN, nhưng thú thật với phim ngoại thì chúng tôi không thể xử lý nổi, vì họ lập máy chủ ở nước ngoài. Riêng phim VN thì chúng tôi có hợp tác với YouTube để xóa ngay phim vi phạm khi họ đăng tải, còn các trang web khác chúng tôi sẽ gửi công văn yêu cầu gỡ bỏ, nếu không thì kiện ra tòa”.
Một số kênh truyền hình cũng cho biết dù phim họ mua và phát độc quyền trên kênh của mình nhưng vẫn bị các trang mạng “luộc”. Cụ thể, với SCTV, tất cả các phim TVB được phát đều được cấp bản quyền, trong chương trình hợp tác dài lâu giữa SCTV - TVB kể từ 2015. Tuy nhiên, theo một cán bộ Phòng Kiểm toán pháp chế của SCTV: “Khá nhiều phim bị nhiều trang mạng, trong đó có những website tên tuổi, sử dụng trái phép. Điển hình là phim Võ Tắc Thiên”.
Hiện nay, D.I.D Group là đơn vị độc quyền mua và phát sóng phim truyền hình và các chương trình giải trí của đài truyền hình KBS (Hàn Quốc) tại VN, các phim từ nhiều đài truyền hình khác của Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines... Đơn vị này cũng có đội ngũ giám sát, theo dõi các vi phạm bản quyền, và đã phát hiện hàng loạt vi phạm của các trang web cá nhân, đặc biệt là những trang web của các đơn vị có “tên tuổi” đang kinh doanh và thu tiền từ việc khai thác các nội dung phim, chương trình do họ sở hữu bản quyền.
Đại diện D.I.D Group bức xúc: “Cụ thể là các trang: HDviet, hayhaytv, phim14, phim3s... Chúng tôi đã gửi văn bản thông báo và yêu cầu các đơn vị này chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, đồng thời thông báo đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý. Tuy nhiên, tất cả các trang web này đều “phớt lờ” và cố tình tiếp tục vi phạm. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng cần có nhiều biện pháp xử lý kiên quyết và thích đáng hơn nữa như: xử lý hình sự, tăng mức bồi thường vi phạm, buộc đóng cửa vĩnh viễn và tịch thu giấy phép các đơn vị vi phạm, để các hình thức vi phạm bản quyền được xử lý triệt để”.