Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Tôi không ngờ Đắk Nông đẹp một cách quyến rũ đến vậy!

Thứ ba - 20/10/2015 22:20 - Đã xem: 904
Nhạc sĩ Nguyễn Cường là một trong những nhạc sĩ có nhiều sáng tác về vùng đất Tây Nguyên, được đông đảo công chúng biết đến, gọi trìu mến là “nhạc sĩ của núi rừng”. Nhân dịp ông đến công tác tại Đắk Nông, phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với nhạc sĩ Nguyễn Cường về “cái duyên” của ông đối với Tây Nguyên.

Hơn 30 năm gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên và cho ra đời hàng chục tác phẩm âm nhạc mang nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc nơi đây, vậy theo nhạc sĩ  đó có phải là “cơ  duyên” hay không?

Thực tình mà nói, tôi “bén duyên” với Tây Nguyên hoàn toàn bất ngờ và nó như một “cơ duyên” đã định sẵn. Năm 1965, sau khi tốt nghiệp trung cấp âm nhạc chuyên ngành violoncell, tôi được phân công về làm nhạc công cho Đoàn ca múa Tây Nguyên lúc đó đóng ở Hà Nội.

Mãi đến năm 1980, sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành sáng tác, khi được Đoàn ca múa Đắk Lắk mời về sáng tác, tôi quyết định đến với Tây Nguyên. Ngay từ buổi đầu tiên, chính cái nắng, cái gió, đất đỏ bazan nơi đây đã cuốn lấy tâm hồn tôi và dấy lên trong tôi những cảm xúc lạ kỳ.  Tại đây, những nghệ nhân nổi tiếng như Y Nhớ, Y Zơn (người Ê đê) đã gieo vào lòng tôi những giai điệu dân ca đầy mê hoặc và tôi cũng đã tập làm quen, sống theo văn hóa của đồng bào Ê đê.

Tôi cảm nhận được rằng, đằng sau sự mộc mạc, hoang dã, chân thành của vùng đất, con người nơi đây chính là một nền văn hóa đậm bản sắc mà không phải nơi nào cũng có được. Tôi đã ở đây ròng rã 8 tháng trời để tìm hiểu sáng tác, đôi lúc cũng nhớ nhà, nhớ góc phố Hàng Bạc, nhưng những tiếng cồng, tiếng chiêng và những phận đời của núi rừng Tây Nguyên như níu tâm hồn tôi.

Cũng thời gian này, tôi gặp và làm quen với ca sĩ Y Moan (danh ca người Ê đê) và Y Moan đã đưa tôi đi khắp núi rừng Tây Nguyên, càng đi tôi càng thấy gắn bó với mảnh đất này. Các bài hát như “Đôi mắt Pleiku”, “Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột”, “Thênh thênh Ook ơi”, “Ly cà phê Ban Mê”, “Em muốn sống bên anh trọn đời”… cũng ra đời từ đó.

Người ta hay đùa rằng, nhạc sĩ Nguyễn Cường rất “ưu ái” đối với Tây Nguyên và mỗi tác phẩm ra đời đều gắn liền với các kỷ niệm riêng biệt. Vậy, kỷ niệm nào sâu sắc nhất mà nhạc sĩ nhớ mãi?.

Tác phẩm đầu tay của tôi viết về Tây Nguyên là ca khúc “H’Jen lên rẫy”, đây là bài hát để lại cho tôi nhiều kỷ niệm nhất. Đó là một buổi chiều mùa hè, sau khi gác lại công việc, tôi một mình thong dong đi bộ trên con đường đất đỏ. Giữa cái bạt ngàn xanh mướt của cao su, cà phê, màu đỏ của đất bazan trên con đường trải dài hun hút, bỗng nhiên xuất hiện một cô bé khoảng 16 tuổi mặc trang phục truyền thống của người Ê đê, tóc đen buông xõa, vai mang gùi vừa đi vừa hát.

Lúc đó, nhớ đến mấy câu Y Moan từng dạy để giao tiếp với người Ê Đê, tôi hỏi cô bé: “Em đi đâu đấy”, nhưng cô bé tỏ ra không hiểu, ngơ ngác. Tôi muốn bắt chuyện lắm mà lại không rành tiếng dân tộc, nên đành liều hỏi: “Em có biết tiếng Kinh không”. Không ngờ cô bé trả lời bằng tiếng Kinh khá lưu loát, tôi mừng vô cùng.

Bóng dáng bé nhỏ của em như đung đưa theo những cơn gió đại ngàn. Con đường đất đỏ, màu xanh cỏ cây, mặt trời đỏ rực, những hình ảnh ấy khiến tâm hồn tôi rạo rực. Âm nhạc bật ra và nhảy nhót trong đầu. Tối đó, tôi viết một mạch xong bài “H’Jen lên rẫy”. Sau này, bài hát được Đoàn ca múa nhạc Đắk Lắk chọn làm tiết mục đi thi văn nghệ toàn quốc.

Được biết, đây là lần đầu tiên nhạc sĩ đến Đắk Nông và nhạc sĩ có thể cho biết cảm nhận của mình về con người, vùng đất nơi đây như thế nào?

Trước đây, khi chưa thành lập tỉnh thì tôi chỉ biết Đắk Nông là một huyện nghèo của tỉnh Đắk Lắk. Sau khi Đắk Nông được thành lập thì tôi chưa có dịp đặt chân đến. Vì vậy, có thể nói, đây là lần đầu tiên tôi đến Đắk Nông và thực sự ngỡ ngàng bởi nó vượt xa ngoài sự tưởng tượng của tôi. Những ngọn đồi nối tiếp, xen kẽ nhau, không gian lại trong lành, khoáng đạt, không ồn ào, sôi động như Hà Nội- nơi tôi đang sống. Tôi không ngờ Đắk Nông lại đẹp một cách quyến rũ và phát triển đến như vậy. So với các tỉnh thành khác thì Đắk Nông là một tỉnh trẻ có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch.

Tôi đã đi khắp các tỉnh Tây Nguyên và được nghe, được thấy đồng bào các dân tộc thiểu số đánh cồng chiêng, hát dân ca dân vũ, nhưng tôi thấy cách diễn tấu cồng chiêng của người M’nông rất độc đáo, riêng biệt. Đây chính là nguồn cảm hứng bất tận để giới nhạc sĩ như tôi có thể sáng tác những tác phẩm âm nhạc đặc sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa của Đắk Nông.

Trong chuyến đi ngắn ngủi này, tôi đã sáng tác được hai ca khúc mới dành riêng cho Đắk Nông là “Cao nguyên mến thương” và “Mai anh về”. Đây là hai ca khúc đang được Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đắk Nông dàn dựng để tham gia Cuộc thi nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc- năm 2015 tổ chức  tại TP. Vũng Tàu (Bà Rịa- Vũng Tàu) sắp tới đây.

Sau chuyến đi thực tế ở Đắk Nông, nhạc sĩ có dự định nào cho việc sáng tác của mình sắp tới?

Dự định trong tương lai thì nhiều và nó phụ thuộc vào các bài hát mà tôi đã sáng tác. Đến với Đắk Nông lần này, tôi xem đây như một cái duyên giữa tôi và Đắk Nông. Bởi tôi đang chuẩn bị cho ra đời tuyển tập ca nhạc “Đến với Tây Nguyên”, gồm nhiều bài hát mang chất liệu văn hóa của các dân tộc Ê đê, Gia Rai, Ba Na. Tôi dự định sẽ viết thêm nhiều ca khúc dành riêng cho Đắk Nông để tuyển tập âm nhạc thêm phong phú, đặc sắc, lôi cuốn công chúng yêu âm nhạc.

Xin chân thành cảm ơn nhạc sĩ!

Mỹ Hằng thực hiện

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây