Theo báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư Quảng Ngãi, năm 2012, trên địa bàn tỉnh có 11 dự án mà nhà thầu tạm ứng tổng cộng 42,6 tỉ đồng. Trong đó, có dự án khi nghiệm thu cho thấy đã thanh toán vượt khối lượng thi công thực tế 3,25 tỉ đồng. Chỉ tính tại 4 huyện miền núi Sơn Hà, Ba Tơ, Tây Trà và Trà Bồng, có 8 nhà thầu nợ tạm ứng năm 2009 là 31,8 tỉ đồng, năm 2010: 46,4 tỉ đồng...
Nhà thầu bặt tăm
Ông Lê Thanh Phương, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Tơ, cho biết đây là dự án nằm trong gói thầu số 8, thuộc công trình đường Ba Tơ - Ba Lế, dự kiến hoàn thành tháng 12-2010 nhưng nhà thầu đã bỏ, không thi công. “Để công trình thi công nhanh, UBND huyện đã cho nhà thầu - Công ty Hưng Phát - ứng trước 4,24 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi ứng tiền, công ty này vẫn chây ì, bất chấp sự hối thúc của huyện” - ông Phương lo ngại.
Không riêng gì Ba Tơ, hàng loạt dự án ở Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Hà... cũng đã ứng hàng chục tỉ đồng nhưng nhà thầu vẫn bỏ mặc công trình. Huyện Tây Trà có 3 dự án, với số tiền nhà thầu tạm ứng là 21,4 tỉ đồng. Trong đó, đường Trà Phong - Trà Ka ứng trước 11,6 tỉ đồng, đường Trà Phong - Gò Rô - Trà Bung: 9,59 tỉ đồng, Trường Phổ thông Trà Phong II: 215 triệu đồng. Đến nay, các dự án này chậm tiến độ từ 11 đến 13 tháng nhưng nhà thầu vẫn bặt tăm.
Tại huyện Sơn Hà, dự án đường Giá Gối - Mô Nít dù tạm ứng 2,9 tỉ đồng trong tổng vốn 5,5 tỉ đồng giá trị hợp đồng nhưng nhà thầu mới thực hiện được 27% rồi ngừng thi công. Huyện Trà Bồng có 2 dự án ứng trước 4,03 tỉ đồng là đường Trà Phú - Trà Giang và đường Trà Giang - Trà Thủy. Thế nhưng, dù 2 công trình này đã chậm tiến độ từ 13 đến 16 tháng nhưng hiện nhà thầu vẫn thi công cầm chừng...
Phải nhờ công an, tòa án
Ông Lê Hàn Phong, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, cho biết vì nhà thầu chây ì nên huyện đã xử phạt nhiều lần và yêu cầu hoàn tất công trình, trả lại tiền tạm ứng nhưng họ vẫn luôn né tránh. Do vậy, huyện đã chuyển hồ sơ cho cơ quan công an xem xét xử lý nợ tạm ứng hơn 3,7 tỉ đồng của Công ty Hưng Phát và Xí nghiệp Thắng Lợi.
“Ứng vốn mà không thi công là có dấu hiệu vi phạm hình sự về việc lợi dụng uy tín chiếm đoạt tài sản. Do đó, không những yêu cầu xử lý nghiêm, thu hồi vốn cho ngân sách mà huyện còn đòi hỏi phải trả đúng giá trị công trình tại thời điểm trúng thầu. Ví dụ, với dự án Trường Mầm non Ba Tiêu, dù nhà thầu trả lại tiền tạm ứng 150 triệu đồng nhưng huyện không đồng ý. Bởi thời gian đó, số tiền trên làm được một phòng học thì giờ phải trả đúng giá làm phòng học ấy” - ông Phong phân tích.
Ông Đặng Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, cho biết: “Hiện gói thầu số 3 dự án đường Giá Gối - Mô Nít do Công ty Thiên Vũ thực hiện đã ngừng thi công. Thấy nhà thầu có dấu hiệu chiếm dụng vốn, huyện đã nhiều lần làm việc nhưng không có kết quả. Huyện đã khởi kiện ra tòa yêu cầu nhà thầu trả số tiền tạm ứng chưa thu hồi là 2,12 tỉ đồng, đồng thời bồi thường thiệt hại 2,5 tỉ đồng. Chúng tôi sẽ theo vụ việc đến cùng”.
Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư Quảng Ngãi, sở dĩ nguồn vốn đầu tư bị chiếm dụng là do năng lực nhà thầu quá yếu nhưng lại được giao nhiều công trình cùng thời điểm, dẫn đến dàn trải nguồn lực tài chính nên mất khả năng thực hiện gói thầu. Ông Trần Văn Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Quảng Ngãi, cho rằng trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư. Chủ đầu tư cho tạm ứng nhiều vốn nhưng không yêu cầu bảo lãnh tín dụng, dẫn đến việc nhà thầu sử dụng số tiền này đi làm việc khác. Điều đó gây mất lòng tin và ảnh hưởng đến đời sống người dân vùng dự án, làm tăng tổng mức đầu tư, thất thoát vốn, không phát huy được hiệu quả của dự án. Ông Nhân cho biết các huyện đã ứng vốn phải khắc phục triệt để trong năm 2013. Sở cũng sẽ không cho điều chỉnh giá bởi đây là lỗi của nhà thầu. |