Philippines đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế

Thứ năm - 24/01/2013 19:33 - Đã xem: 1050
Philippines đã đưa tranh chấp chủ quyền tại biển Đông với Trung Quốc ra tòa án Liên Hiệp Quốc, theo Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario vào hôm nay, 22.1.


(
Tàu hải giám Trung Quốc xuất hiện tại bãi cạn Scarborough - Ảnh: Reuters)

“Philippines đã tận dụng gần như toàn bộ mọi con đường chính trị và ngoại giao để đạt được một thỏa thuận thương lượng hòa bình trong các tranh chấp trên biển với Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng các vụ phân xử sẽ mang lại giải pháp lâu bền cho tranh chấp này”, theo hãng AFP trích phát biểu của ông del Rosario trong cuộc họp báo.

Ông del Rosario nói Manila đã triệu tập đại sứ Trung Quốc Mã Khắc Thanh đến để thông báo về quyết định đưa Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về luật Biển, vốn được thành lập dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) mà cả hai nước đều ký kết.

Đây là một động thái mang tính bước ngoặt của Philippines trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại biển Đông.

Từ trước đến nay, Trung Quốc vốn luôn đòi hỏi giải quyết song phương các tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng và chống lại việc đưa tranh chấp ra phân xử tại tòa án quốc tế.

Trong đơn đệ trình lên tòa án, Philippines nói cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc (đường lưỡi bò) tại biển Đông là phi pháp, theo ông del Rosario.

Thông báo cho biết Philippines muốn tòa án quốc tế tuyên bố “đường chín đoạn” của Trung Quốc là phi lý.

Manila cũng yêu cầu Trung Quốc “ngưng những hoạt động phi pháp vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Philippines theo UNCLOS 1982”, theo ông del Rosario.

Philippines khẳng định lập trường của Trung Quốc đã dẫn đến cuộc đối đầu giữa hai nước tại bãi cạn Scarborough vào tháng 4.2012.

“Từ năm 1995, Philippines đã nhiều lần trao đổi quan điểm với Trung Quốc nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp. Cho đến tận hôm nay, vẫn chưa có bóng dáng của một giải pháp”, ông del Rosario nói.

Sơn Duân
 

VIỆT NAM CŨNG SỚM ĐỆ TRÌNH LHQ CHỦ QUYỀN BIỂN ĐÔNG ĐỐI VỚI 2 QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết hôm 22.1 Philippines đã trao công hàm cho Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Mã Khắc Thanh, thông báo cho Bắc Kinh về quyết định đưa tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại biển Đông ra Tòa án Quốc tế của Liên Hợp Quốc. Ông Del Rosario nói, Philippines "đã cạn kiệt tất cả các giải pháp chính trị và ngoại giao nhằm giải quyết thông qua đàm phán hòa bình với Trung Quốc". Đây là việc làm hết sức cần thiết để xác định chủ quyền của quốc gia. Vì vậy Bộ ngoại giao nước ta cũng nên sớm đệ trình Liên hiệp quốc chủ quyền biển đông đối với 2 quần đảo Hoàng sa và Trường sa thuộc chủ quyền của nước ta.
Chúng ta đã biết trong thời gian vừa qua Trung quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế để thực hiện ý đồ của mình, liên tục đẩy mạnh yêu sách bản đồ “đường lưỡi bò”. Mục đích của Trung Quốc là chiếm hết các đảo, chiếm “diện tích lớn nhất” và “nhiều quyền lợi nhất” có thể trên các vùng biển đông. Thực hiện đúng ý đồ của mình, tuyên bố thành lập thành phố Tam sa bao gồm cả huyện đảo Hoàng sa và Trường sa thuộc chủ quyền của nước ta. Trung Quốc ngang nhiên tổ chức chào thầu 9 lô dầu khí thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việc làm trên của phía Trung Quốc là bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Đối với quần đảo Hoàng sa, Trường sa, chúng ta đã có nhiều chứng cứ lịch sử xác định rõ chủ quyền không thể chối cải được, đã đến lúc chúng ta phải bằng mọi giá ngăn chặn không để phía Trung quốc thực hiện ý định của họ, nếu không bảo vệ được thì toàn bộ diện tích vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế thuộc chủ quyền của nước ta trên 160.000km2 sẽ bị xâm phạm.
Ngày 21/6/2012, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Biển Việt Nam. Đây là một hoạt động lập pháp bình thường nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam. Do vậy, Bộ ngoại gia nước ta sớm đưa vụ việc trên báo cáo trước Đại hội đồng liên hiệp quốc, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè và các nước trên thế giới biết ủng hộ, nếu Trung quốc vẫn không chấp nhận thì tiếp tục đề nghị Tòa án quốc tế về Luật biển của Liên hiệp quốc đứng ra giải quyết tranh chấp.
Đề nghị Nhà nước ta cần có phương án về lực lượng và trang thiết bị cần thiết để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ngăn chặn không cho các đơn vị trúng thầu đến khai thác các lô dầu thuộc chủ quyền của nước ta và bảo vệ ngư dân của nước ta đánh cá trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền.

MINH TRÍ

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây