Lỗi không phải ở điểm số
| | Giáo viên còn nhận xét chung chung Ngày 28.1, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức sơ kết học kỳ 1 bậc tiểu học năm học 2014 - 2015. Theo báo cáo của ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc sở, kết quả thực hiện Thông tư 30 đổi mới hình thức đánh giá HS cho thấy việc khuyến khích phụ huynh tham gia đánh giá còn hạn chế. Nội dung nhận xét của GV còn chung chung, chưa theo mục tiêu của bài dạy. Các GV bộ môn vẫn chưa thành thục, chưa có kỹ năng đưa ra lời nhận xét cụ thể. B.THANH | | |
Tại diễn đàn “Chúng tôi yêu giáo dục tiểu học” trên trang mạng cá nhân, rất nhiều giáo viên (GV) đã chia sẻ những lo lắng, băn khoăn về cách đánh giá mới. GV phản ánh họ đã cực kỳ vất vả vì phải nhận xét hết 100% học sinh (HS) trong lớp đối với mỗi bài kiểm tra, mỗi trang học bạ, mỗi môn học. Một GV Trường tiểu học Kim Liên (Q.Đống Đa, Hà Nội) cho hay từ khi có Thông tư 30, GV phải tranh thủ mọi lúc mọi nơi để nhận xét, kể cả ngày nghỉ cuối tuần và ngày lễ cũng phải mang sổ về nhà để làm cho đủ.
Trên các diễn đàn, GV còn chia sẻ những mẫu nhận xét từng môn học của từng lớp để các GV khác nếu bận bịu thì sao chép lại cho... nhanh.
Một GV Trường tiểu học Kim Đồng (Hà Nội) nói rằng dù đã biết phải làm thế nào để tốt nhất cho HS, nghĩa là vừa nhận xét thật kỹ lưỡng từng bài làm vừa tăng cường trao đổi, trò chuyện nhưng khi sĩ số lớp học lên tới hơn 60 em thì GV cũng lực bất tòng tâm. Trước đây, GV chấm điểm bao giờ cũng kèm nhận xét, nghĩa là vừa có đánh giá định lượng, vừa định tính. “Quan trọng là hiệu quả của cách đánh giá chứ không phải chuyển từ hình thức này sang hình thức khác", GV này nói.
Đó là lý do vì sao nhiều GV lại chấp nhận cách làm đối phó để đủ hồ sơ, sổ sách.
Ông Nguyễn Hữu Hợp, Khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng bao năm nay nhà trường đánh giá HS bằng điểm (có một số môn học thì bằng nhận xét) và nhiều HS đã quen ước muốn được điểm 10. Ông Hợp nhận định: “Điểm 10 không có lỗi, vấn đề là chúng ta đối xử như thế nào, giúp HS nhìn điểm ấy như thế nào mới là quan trọng. Nay không còn điểm 10 nữa (trừ đánh giá định kỳ), HS có thể mất hứng thú học tập, nhưng nếu có chuyện đó, lỗi trước hết là của GV”. Ông Hợp nêu ví dụ, nếu GV chỉ nhận xét chung chung mà không chỉ ra lỗi sai của HS sẽ làm HS mất hứng thú học tập.
Lãnh đạo phải cởi mở, tránh hình thức
| | Tiếp thu ý kiến để có chỉ đạo phù hợp Ông Phạm Ngọc Định lưu ý việc viết nhận xét cũng vận dụng linh hoạt: Viết vào vở hoặc phiếu học tập, hoặc bài kiểm tra của HS sao cho thuận tiện trong việc phối hợp GV, HS và phụ huynh cùng đánh giá, rút kinh nghiệm, hướng đến sự tiến bộ của HS. Mẫu sổ theo dõi chất lượng giáo dục do Bộ hướng dẫn chỉ là gợi ý, không bắt buộc GV phải thực hiện theo mẫu đó; mặt khác GV có thể dùng sổ điện tử thay cho sổ bằng giấy. Ông Định cho hay Bộ vẫn lập các đoàn thường xuyên đi kiểm tra và hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể các tình huống phát sinh xung quanh việc thực hiện thông tư này. Thời gian tới, Bộ sẽ vẫn quan tâm tiếp thu tất cả các ý kiến góp ý để có những chỉ đạo phù hợp. | | |
Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, tinh thần của Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học rất mở, giao quyền chủ động cho nhà trường và các GV. Sổ theo dõi chất lượng thay cho sổ điểm trước đây cần được hiểu là sổ để thầy cô theo dõi tình hình học tập của HS. “Ghi không phải để đối phó cấp trên, chỉ cần các thầy cô hiểu và diễn giải được tình hình của bất kỳ em nào khi có ai đó hỏi là được. Chỉ khi nào thầy cô thấy thực sự việc đánh giá HS là vì sự tiến bộ của HS và việc đánh giá trở nên linh hoạt, nhẹ nhàng thì chất lượng giáo dục mới được nâng lên”, ông Tiến nói. Để làm được điều này, ông Tiến cho rằng điều cần nhất là lãnh đạo phòng, sở GD-ĐT cởi mở và tránh bệnh hình thức trong thực hiện. “Tôi tới nhiều trường tiểu học mới thấy không phải không có các GV muốn làm cho tốt. Nhưng phòng, sở không có văn bản thì cứ rập khuôn mà làm. Sổ nào cũng phải ghi thật đầy đủ, bài nào cũng nhận xét cho hết”, ông Tiến gút lại.
Đồng quan điểm, ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Bộ GD-ĐT, cho biết GV được quyền lựa chọn nhận xét bằng lời nói hoặc viết cho phù hợp. Mặt khác, để giúp HS kịp thời điều chỉnh cách học thì lời nói có tác dụng tốt hơn chữ viết. Vì vậy, GV nên sử dụng hình thức nhận xét bằng lời nói trực tiếp nhiều hơn hình thức nhận xét viết trong đánh giá thường xuyên.
Tuệ Nguyễn