|
Những khoản không được thu
Chiều 2.10, trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề thu chi các khoản ngoài quy định trong trường học, ông Bùi Hồng Quang, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD-ĐT, cho biết: Điều lệ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh ban hành từ năm 2011 có quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng thành viên trong ban đại diện, những khoản mà ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu, không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học.
Ông Bùi Hồng Quang |
Những khoản không thu như các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Không thể vì thiếu nên phải thu của phụ huynh
* Tuy nhiên, trên thực tế phụ huynh vẫn cứ phải nộp tiền cho các ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, của trường vì những khoản chi nói trên. Vì sao vậy, thưa ông?
- Tôi đang suy nghĩ theo hướng tốt là do ban đại diện cha mẹ học sinh chưa biết các quy định mà điều lệ đã ban hành. Ở đây, khoan hãy nói trách nhiệm của các ban đại diện cha mẹ học sinh, người đứng đầu các cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm đầu tiên đối với việc xảy ra ở cơ sở mình quản lý, cụ thể ở đây là các khoản thu góp trái quy định. Người đứng đầu đã không quán triệt các quy định hiện hành, không giám sát các quy định đó được thực hiện ra sao…
* Các địa phương, nhà trường vẫn nói rằng thiếu kinh phí cho các hoạt động thường xuyên nên phải thu thêm của phụ huynh?
- Việc phân bổ ngân sách cho giáo dục theo đầu dân số theo độ tuổi chứ không phải theo đầu học sinh. Các địa phương khi phân bổ ngân sách cho các trường có tiêu chí riêng nhưng về nguyên tắc phải đảm bảo tối đa là chi cho lương là 80% và 20% cho các hoạt động thường xuyên.
|
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều cơ sở giáo dục vẫn không đảm bảo cơ cấu chi đó mà đa phần là 90% hoặc hơn kinh phí chi thường xuyên dành để chi cho lương. Như vậy là thiếu hụt khoản chi các hoạt động thường xuyên.
Tôi không đồng ý với lập luận cho rằng vì thiếu nên phải thu của phụ huynh. Nguyên tắc là các địa phương phải đảm bảo chi ngân sách đủ và đúng theo cơ cấu chi mà Chính phủ đã quy định.
Ban đại diện phụ huynh không có trách nhiệm với khoản xã hội hóa
* Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh nêu rõ không được thu góp các khoản rất cụ thể như vậy nhưng Bộ lại có văn bản khác cho phép các cơ sở giáo dục được nhận đóng góp theo hình thức xã hội hóa. Vậy các văn bản của Bộ có mâu thuẫn với nhau không?
- Tôi cho rằng không mâu thuẫn. Điều lệ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh mục đích chính là quy định về quyền và trách nhiệm của tổ chức này. Do có nhiều ban đại diện thường làm quá trách nhiệm của mình, đứng ra thu góp các khoản phục vụ cho hoạt động dạy học nên Bộ đã phải quy định rõ vào điều lệ về việc ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu góp các khoản thu cụ thể nào.
Còn xã hội hóa thì là chủ trương chung của Chính phủ chứ không phải chỉ riêng giáo dục. Ý nghĩa rất lớn và minh bạch. Nhưng quy định của Bộ GD-ĐT về việc xã hội hóa nhằm hướng dẫn rõ việc tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân ra sao. Nếu là tiền thì phải chuyển vào tài khoản của nhà trường ở Kho bạc Nhà nước; hiện vật thì người đứng đầu cơ sở giáo dục phải đứng ra tiếp nhận... ban đại diện cha mẹ học sinh hoàn toàn không có trách nhiệm và nghĩa vụ thu góp các khoản xã hội hóa giáo dục như vậy.
* Các khoản thu từ phụ huynh theo danh nghĩa tự nguyện rất lớn, thậm chí có nơi tương đương với ngân sách nhà nước cấp cho các trường. Thế nhưng lâu nay không ai kiểm tra, giám sát hoặc tổng kết về nguồn tiền mà phụ huynh đóng góp cho đơn vị trường học đó cả?
- Có quy định rõ, mọi khoản thu - chi cụ thể phải được ghi chép và lưu trong sổ sách kế toán của nhà trường. Phải gửi vào tài khoản, chi tiêu xong phải chi quyết toán. Nhưng đúng là việc tiền có vào tài khoản không thì lại là vấn đề về việc kiểm soát của cơ quan quản lý.
Tôi nghĩ cơ quan quản lý ở các địa phương muốn làm nghiêm là hoàn toàn có thể làm được.
* Vi phạm về thu chi năm nào cũng nhắc và năm nào cũng xảy ra. Phải chăng vì việc xử lý chưa nghiêm? Trong quá trình thanh tra, Bộ có nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm hay không?
- Hằng năm Bộ vẫn thành lập đoàn thanh tra ở các địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ năm học, trong đó có nội dung thu chi đầu năm học. Bộ đã có những kiến nghị xử lý khi phát hiện vi phạm. Tuy nhiên, trách nhiệm xử lý là trách nhiệm của địa phương, Bộ không có thẩm quyền xử lý trực tiếp như cách chức một ông hiệu trưởng trường nào đó được.
Tôi cho rằng để không tái diễn tình trạng này thì phải kỷ luật nghiêm những người vi phạm, thu sai phải trả lại cho học sinh. Hiện tôi cũng không hiểu là giáo viên rồi hiệu trưởng các trường có bao nhiêu người hiểu được một cách đầy đủ về Điều lệ cha mẹ học sinh hay không. Hay là bản thân ban đại diện cha mẹ học sinh cũng không biết họ hoạt động theo quy định nào, được phép làm gì, không được làm gì.
Đề nghị UBND xử lý nghiêm Ngày 2.10, Bộ GD-ĐT đã có văn bản do Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng ký, gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục. Theo đó, Bộ GD-ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có hình thức xử lý nghiêm, kịp thời đối với hiệu trưởng những cơ sở giáo dục để xảy ra tiêu cực trong việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu góp hoặc ép buộc học sinh may (mua) quần áo đồng phục trái quy định. |
Tuệ Nguyễn
Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...