|
Làm thế nào để điều này không chỉ nằm trong sách vở khi mà thực tế buộc giáo dục VN phải thay đổi? PV Thanh Niên có cuộc trao đổi với PGS-TSKH Phan Dũng (ảnh), Giám đốc Trung tâm sáng tạo khoa học - kỹ thuật, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM - người đã có 40 năm làm việc trong lĩnh vực phương pháp luận sáng tạo (PPLST), xung quanh vấn đề này.
Phát huy tốt nhất sáng tạo phải bằng giáo dục
- Tôi cho cách đặt vấn đề trên là đúng, vì nhiều lẽ. Thứ nhất, sáng tạo là phẩm chất “người” nhất. Là con người, phải phát huy phẩm chất này thì mới thành người thực sự. Thứ hai, các nguyên nhân tạo ra mọi sự phát triển cuối cùng hầu như quy thành nguyên nhân duy nhất là sự sáng tạo của con người. Thứ ba, từ những năm 1990, các nước phát triển đã bắt đầu thời đại mới - thời đại sáng tạo (the age of creativity). VN tất yếu cũng phải tích cực chuẩn bị hội nhập nếu không muốn tụt hậu xa hơn nữa. Thứ tư, phát huy tốt nhất sáng tạo phải bằng giáo dục vì nói như J.Dewey, nhà triết học, tâm lý học và nhà cải cách giáo dục người Mỹ: “Giáo dục là phương pháp cải tạo xã hội chắc chắn nhất”.
|
* Vậy theo ông làm thế nào để phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân?
- Để phát huy tốt nhất khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, cần dạy và học sáng tạo cho tất cả mọi người. Dạy sáng tạo là dạy khoa học sáng tạo, PPLST. Người dạy là người được đào tạo một cách bài bản về lĩnh vực này. Thực tế cho thấy, từ lâu Mỹ, Nga và một số nước Tây Âu đã đào tạo những người dạy sáng tạo, kể cả cấp bằng cử nhân, thạc sĩ sáng tạo cho họ.
* Nhưng ở VN hiện nay chưa có trường ĐH nào đào tạo chính quy và bài bản những người dạy PPLST thì liệu chúng ta có làm được những điều như ông đã nêu?
- Theo tôi, đầu tiên chúng ta cần sử dụng và phát huy những gì có sẵn ngay tại VN. Sau đó, khi có điều kiện về mặt tài chính thì gửi người đi nước ngoài đào tạo về khoa học sáng tạo và PPLST. Hiện VN đã có những gì?
Khi ở Liên Xô, ngoài ngành vật lý thực nghiệm các chất bán dẫn do nhà nước cử đi đào tạo, xuất phát từ sự quan tâm và yêu thích cá nhân, tôi còn học thêm Học viện Sáng tạo sáng chế. Tôi tốt nghiệp cả hai trường năm 1973. Tại Học viện Sáng tạo sáng chế, tôi được học với GS Altshuller, cha đẻ của “Lý thuyết giải các bài toán sáng chế” (viết tắt và trở thành thuật ngữ quốc tế là TRIZ). TRIZ hiện nay được coi là trường phái mạnh nhất trong PPLST. Giáo trình PPLST của chúng tôi chính là TRIZ mở rộng. Khóa PPLST đầu tiên mở tại Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM vào năm 1977. Đến nay, chúng tôi đã thực hiện hơn 400 khóa PPLST với hơn 20.000 người đủ mọi thành phần kinh tế, xã hội. Ngoài ra, chúng tôi cũng hội nhập quốc tế ở mức cao như dạy PPLST, công bố các công trình, trình bày các báo cáo chính (keynote speaker) ở nước ngoài. Nhưng tất cả những điều này chúng tôi phải tự lực cánh sinh.
Thế giới đã đi quá xa dù chúng ta từng đi trước
* Giả sử ngay từ đầu ông được tạo điều kiện để làm việc chứ không phải tự lực cánh sinh trong suốt 40 năm qua thì ông và các đồng nghiệp sẽ làm những gì?
- Nếu được tạo điều kiện để làm việc thì trong 40 năm qua, chúng ta hoàn toàn có thể đào tạo được đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu về PPLST. Những người này là các thầy cô giảng dạy PPLST trong các trường học các cấp và VN trở thành một trong các cường quốc thế giới về lĩnh vực PPLST.
Chúng ta đánh mất một cơ hội mà đã từng có ưu thế lớn về mặt thời gian. Chúng tôi dạy PPLST TRIZ ở VN trước Mỹ 14 năm, Pháp 19 năm, Nhật 20 năm và Hàn Quốc hơn 20 năm. Còn bây giờ, tôi phải ngậm ngùi nói rằng họ đã vượt qua chúng ta.
* Trong hoàn cảnh hiện nay, theo ông cách nào để chúng ta trở lại dòng chảy chung của thế giới?
- Phải đầu tư cấp tốc, tập trung và đủ lớn cho khoa học sáng tạo và PPLST đã có sẵn ở VN. Còn những người được nhận đầu tư phải có những nỗ lực vượt bậc để hội nhập thành công thời đại sáng tạo cùng với thế giới.
Tôi mong những người có trách nhiệm nhận thức, đánh giá đúng vị trí, vai trò, và đầu tư cho khoa học sáng tạo và PPLST phát triển, ít ra, trong hệ thống GD-ĐT ở nước ta. Tiền đầu tư chỉ tương đương như đầu tư cho môn văn - tiếng Việt, nghĩa là rất rẻ so với đầu tư các môn khác như vật lý, hóa học, tin học.
Các bạn trẻ muốn tìm hiểu thông tin về khoa học sáng tạo và PPLST, có thể truy cập website http://cstc.vn
Đi tiên phong nhờ sáng tạo Nhờ TRIZ, nhiều công ty đã tăng sức cạnh tranh một cách đáng kể. Một trong những ví dụ dễ thấy là Công ty Samsung có được sự cạnh tranh ngang ngửa với Công ty Apple trong lĩnh vực điện tử nhờ chương trình huấn luyện TRIZ bắt buộc đối với các nhà quản lý và kỹ sư. Theo bà Karen Gadd của Trung tâm Oxford Creativity (Anh quốc), với 50 triệu dân nhưng vào năm 2012 Hàn Quốc có 95.000 bằng sáng chế đăng ký ở nước ngoài (đứng thứ 4 trên thế giới), trong khi đó vào năm này, Anh chỉ có 7.000. Bà Karen Gadd kể rằng một trong những kỹ sư của công ty này đã nói với bà: “Ở Hàn Quốc, chúng tôi đang kết thúc việc đi theo sau và bắt đầu sự tiên phong bằng TRIZ”. Còn Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ đưa TRIZ vào giảng dạy từ năm 1994. Từ năm 1999 đến 2012, có hơn 2.400 sinh viên của MIT được đào tạo TRIZ theo nhiều chương trình khác nhau. Trong số các luận văn tiến sĩ của viện này có sử dụng TRIZ, hơn 205 đạt bằng sáng chế của Mỹ. Trong khi đó từ năm 2006 - 2010, VN chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ (trung bình mỗi năm có 1 bằng sáng chế). Đến năm 2011, VN với dân số hơn 80 triệu dân nhưng không có bằng sáng chế nào được đăng ký. Con số này của một số nước trong khu vực như sau: Singapore: 647 bằng/4,8 triệu dân, Malaysia: 161/27,9 triệu, Thái Lan: 53/68,1 triệu, Philippines: 27/93,6 triệu, Indonesia: 7/232 triệu, Brunei: 1/0,407 triệu... |
Thùy Ngân (thực hiện)
Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...