Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, năm 2012, lần đầu tiên học sinh Việt Nam tham gia chương trình đánh giá PISA (2012) và xếp thứ 8 về khoa học, xếp thứ 17 về môn toán và thứ 19 về môn đọc hiểu trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, kết quả này đã gây bất ngờ cho cả thế giới chứ không riêng Việt Nam. Cụ thể, lĩnh vực toán học là lĩnh vực trọng tâm của kỳ thi PISA 2012, Việt Nam đứng thứ 17/65. So với điểm trung bình (Mean Score) là 494, học sinh Việt Nam đạt 511 điểm.
Như vậy, năng lực toán học của học sinh Việt Nam ở tốp cao hơn chuẩn năng lực của OECD. Điểm này cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển được OECD khảo sát như Áo, Australia, Đan Mạch, Pháp, Anh, Luxembourg, Na Uy, Mỹ, Thụy Điển, Hungary, Israel, Hy Lạp... Đối với kỹ năng đọc hiểu, Việt Nam đứng thứ 19/65, so với điểm trung bình là 496, Việt Nam đạt 508 điểm, cao hơn chuẩn năng lực của OECD.
Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học, theo bảng xếp hạng của OECD thì Việt Nam đứng thứ 8/65. So với điểm trung bình là 501, Việt Nam đạt 528 điểm, chỉ đứng sau các nước và vùng lãnh thổ theo thứ tự là Thượng Hải (Trung Quốc), Hồng Công (Trung Quốc), Singapore, Nhật Bản, Phần Lan, Estonia, Hàn Quốc.
Kết quả thi của Việt Nam khá cao trong bảng xếp hạng các nước trên thế giới tham gia kỳ thi PISA 2012, đứng trong tốp 20 nước có điểm chuẩn các lĩnh vực cao hơn điểm 500.
Theo Bộ GD-ĐT, khung kiến thức, kỹ năng trong bài thi PISA được thiết kế không phụ thuộc vào chương trình giáo dục của quốc gia nào, mà đó là khung năng lực chung của quốc tế. Điều đó chứng tỏ chương trình, sách giáo khoa của Việt Nam đã trang bị cho học sinh các kiến thức cơ bản, đáp ứng được các yêu cầu kiến thức, kỹ năng của OECD và quốc tế.
Nguồn SGGP