Người đa tài

Thứ bảy - 09/02/2013 16:29 - Đã xem: 1074
Trong giờ giải lao của một hội nghị về trí thức Việt kiều tổ chức ở TPHCM, từ phía hành lang, một giọng miền Nam thỉnh thoảng chen vài tiếng Quảng Nam rặt ri vang lên rổn rảng. Không lẫn vào ai khác, GS-TSKH Nguyễn Ðăng Hưng đang trả lời phỏng vấn báo giới. Nói mà cũng quyết liệt như làm, đó là "bản sắc" của ông.
Tôi hỏi nhiều người quen biết GS Nguyễn Ðăng Hưng, họ bảo "viết về ông ấy, phải cả quyển sách mới hết". Còn ông thì tự tóm tắt đời mình, cũng ngắn ngọn nhưng không kém phần "dữ dội".
 
GS Nguyễn Đăng Hưng (trái) trình diễn âm nhạc tại phòng trà ATB (TPHCM) trong đêm
ra mắt album Cuốn theo gió bay gồm 12 bài hát quốc tế do ông đặt lời
 
Sinh ra và lớn lên tại làng Bồ Mưng, xã Ðiện Thắng, huyện Ðiện Bàn - Quảng Nam, là cháu ngoại của bà Hương Nữ giàu nức tiếng ở địa phương thời trước (có câu "nhất Cai Nghi, nhì Hương Nữ" - dòng họ ông Cai Nghi cũng cực giàu tại huyện Duy Xuyên - Quảng Nam, là ông nội của thầy thuốc Bùi Kiến Tín nổi tiếng với thương hiệu dầu khuynh diệp "Bác sĩ Tín" quen thuộc ở Sài Gòn trước năm 1975).
 
Bởi chiến tranh, loạn lạc, năm Nguyễn Ðăng Hưng lên 7 tuổi thì mẹ mất. Bốn năm sau, người cha dắt díu mấy anh em Hưng vào Sài Gòn. Bởi theo cha đi kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Ðăng Hưng thất học một thời gian dài. Mấy tiếng "chiến tranh" và "nghèo khó" khi ấy trở thành nỗi ám ảnh triền miên.
 
Chỉ có học thật giỏi mới vươn lên được! Nghĩ thế, chàng thanh niên từng một thời đi đánh giày ấy lao vào học ngày học đêm, "nhảy" một năm hai lớp. Sáng học Trường Công lập Pétrus Ký (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong), tối học Trường Tư thục Phan Sào Nam (chỗ ấy bây giờ là Trường Ðại học Mở TPHCM). 18 tuổi, đỗ tú tài với điểm rất cao, Nguyễn Ðăng Hưng được chọn trao học bổng du học Bỉ.
 
GS Nguyễn Đăng Hưng (ảnh do nhân vật cung cấp)

Tốt nghiệp Ðại học Liège (Bỉ) chuyên ngành vật lý hàng không - không gian, Nguyễn Ðăng Hưng được giữ lại làm nghiên cứu sinh rồi từ đó "lên" mãi, đến chức danh cuối cùng là giáo sư thực thụ - Trưởng khoa Cơ học phá hủy và giảng dạy tại đây suốt 40 năm, gồm 24 năm về ngành hàng không - không gian và 16 năm về ngành xây dựng.

Bao nhiêu năm ở nước ngoài là bấy nhiêu thời gian ông đau đáu về đất nước với tâm nguyện đóng góp, phụng sự. Ông còn tham gia xuống đường phản đối Mỹ leo thang chiến tranh ở miền Nam. "Ngày ấy, tôi tự đặt cho mình một lời nguyền: Phải làm gì có ích cho thế hệ trẻ Việt Nam. Ðó là phải đào tạo người thầy, có thầy giỏi thì học trò sẽ giỏi, đấy chính là tương lai của đất nước" - ông chia sẻ.

Mùa hè năm 1977, GS Nguyễn Ðăng Hưng có cơ hội hiện thực hóa tâm nguyện của mình khi Ủy ban Khoa học Nhà nước Việt Nam mời ông về thỉnh giảng một tháng tại Hà Nội cho các nghiên cứu sinh nhiều ngành. Chuyến thỉnh giảng ấy giúp ông bắt nhịp với thực tế Việt Nam.
 
Những năm đầu 1990, đất nước nhộn nhịp mở cửa, GS Hưng về nước đều đặn hơn. Từ đó, ông lập kế hoạch xin tài trợ của Bỉ để giúp Việt Nam cải tiến việc giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học.
 
Bắt đầu bằng những dự án nhỏ, mỗi năm đưa một kỹ sư trẻ người Việt qua Bỉ học lấy bằng cao học rồi về Việt Nam chọn những sinh viên giỏi để trao học bổng tại chỗ, giao đề tài và tài liệu nghiên cứu khoa học. Trong gần 5 năm, chỉ có 4 thạc sĩ và 1 tiến sĩ tốt nghiệp, quá ít ỏi so với nhu cầu của đất nước.
 
Ông kể: "Từ năm 1994, tôi chuyển hướng bằng việc đề xuất một dự án dài hơi: "Chương trình du học tại chỗ", bắt đầu từ Trường Ðại học Bách khoa TPHCM (năm 1995), 3 năm sau triển khai ra Trường Ðại học Bách khoa Hà Nội. Ðây là dự án hợp tác hoàn toàn mới mẻ, chưa từng có tại Bỉ cũng như Việt Nam, tập trung đào tạo người thầy có chất lượng cao về ngành vật lý hàng không - không gian theo tiêu chuẩn châu Âu ngay tại Việt Nam".
 
Dự án kéo dài 12 năm, tổ chức được 20 khóa, có hơn 700 kỹ sư hay cử nhân trẻ Việt Nam theo học. Gần 350 học viên đã được Ðại học Liège cấp bằng thạc sĩ và khoảng 60 trong số này đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại các đại học danh tiếng nhất ở những nước phát triển.

Năm 2004, GS Nguyễn Ðăng Hưng cùng nhiều trí thức Việt kiều khác được Nhà nước ta tôn vinh công trạng. Ông chia sẻ về chuyện này: "Ðây là phần thưởng tinh thần cho tôi sau những năm dài cống hiến. Ðiều làm tôi hãnh diện nhất là thành quả của các học trò. Gần 60 học trò của chúng tôi đã trở thành tiến sĩ thực thụ, đại bộ phận đã về nước và đang giữ những vai trò trọng yếu tại các trường đại học ở Việt Nam. Thành công của học trò, đó là những tấm huy chương cho cuộc đời người thầy".

Vợ ở nhà làm "nội tướng". Bốn con và 8 cháu đã thành danh và đang học hành bài bản. Gia đình viên mãn. Danh vọng đủ đầy. Ấy vậy mà GS Nguyễn Ðăng Hưng nào chịu dừng chân! Ðã qua tuổi 70, ông vẫn say sưa với công việc, bận rộn như con thoi với các dự án trong và ngoài nước.

Và, tưởng "dân khoa học" khô như ngói, nào ngờ GS Hưng còn là một nghệ sĩ tài hoa. Ông yêu ca hát, sáng tác nhạc, đặt lời Việt cho các ca khúc quốc tế bất hủ; đặc biệt là làm thơ khá hay. Ðôi khi chỉ là những dòng lục bát ngọt ngào, tình tứ: "Thẹn thùa để úa cả lời/ Rung rinh mái tóc cho trời mưa ngâu/ Ngoài sân chưa hái buồng cau/ Ðợi anh hái mấy lá trầu mới bay" (Vào thu - đã được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc); có khi là những chiêm nghiệm sâu lắng về đời mình và thế cuộc: "Sách đời tôi dở chưa xong/ Bóng thời gian đã như dòng sông trôi/ Bảy mươi năm một quãng đời/ Bảy mươi năm một kiếp người đa mang" (Sách đời tôi dở chưa xong).

Với ông, thơ - nhạc là hương sắc của cuộc đời. Ông tìm thấy sự cân bằng và lẽ sống trong đó.

Dương Quang

Nguồn tin: Người Lao Động

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây