Không để sinh viên nghèo bỏ học

Thứ sáu - 22/02/2013 21:22 - Đã xem: 979
Đã có hơn 2,8 triệu học sinh, sinh viên nghèo vay hơn 43.000 tỉ đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để học tập
Tại hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HS-SV) được tổ chức ngày 21-2 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, ví von chương trình tín dụng cho HS-SV như những “chiếc phao cứu hộ” giúp hàng triệu HS-SV thuộc diện nghèo, hoàn cảnh khó khăn theo đuổi ước mơ học hành, lập nghiệp.
 
Chính sách hỗ trợ mang tính nhân văn này đã đóng góp tích cực, thúc đẩy phong trào học tập ở các địa phương nghèo, giúp một bộ phận nhân dân có thu nhập thấp được thụ hưởng sự bình đẳng về GD-ĐT và có công ăn việc làm.
 

Học phí ĐH, CĐ tăng là gánh nặng với các học sinh, sinh viên nghèo.
Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đang đóng học phí. Ảnh: TẤN THẠNH

Nợ quá hạn chỉ 0,47%

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội, cho biết đến ngày 31-12-2012, doanh số cho vay trên cả nước đạt 43.362 tỉ đồng, bình quân 7.227 tỉ đồng/ năm; tổng doanh số thu nợ đạt 7.776 tỉ đồng, trong đó năm 2010 là 949 tỉ đồng, năm 2011 là 2.044 tỉ đồng, năm 2012 đạt 4.385 tỉ đồng.
 
Cũng theo ông Lý, dư nợ đến hết năm 2012 là 35.802 tỉ đồng, trong đó nợ quá hạn là 167 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 0,47%. Sau 5 năm, chương trình đã cho hơn 2,8 triệu lượt HS-SV được vay vốn. Đến nay đang còn 1,9 triệu hộ đang vay vốn cho trên 2,3 triệu HS-SV đi học. Cũng theo Ngân hàng Chính sách Xã hội, tỉ lệ vay không đúng đối tượng chỉ có 2 trường hợp trên tổng số các hộ được vay vốn.

Khó trả nợ vì thất nghiệp

Tuy nhiên, chính sách vay vốn hiện nay cũng khiến không ít người băn khoăn. Ông Trần Minh Kỳ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết mỗi đầu năm học, vốn giải ngân rất chậm, chưa ổn định, gây khó khăn cho người vay vốn. Trong khi đó, SV ra trường rất khó xin được việc làm nên không có điều kiện trả nợ.
 
Ông Trần Minh Kỳ kiến nghị Chính phủ bổ sung chính sách gia hạn cho HS-SV ra trường nhưng chưa có điều kiện trả nợ, chưa tìm được việc làm mà gia đình vẫn thuộc diện hộ nghèo. Đồng thời, ban hành cơ chế quản lý chặt chẽ giữa nhà trường, nơi công tác của HS-SV sau khi ra trường, hộ gia đình và Ngân hàng Chính sách Xã hội để có kế hoạch thu hồi nợ.
 
Bà Nguyễn Kim Thúy cũng cho rằng vấn đề bức xúc trong xã hội hiện nay chính là việc làm của HS-SV. “Nhiều em tốt nghiệp ĐH, CĐ vài ba năm nhưng không tìm được việc làm. Thậm chí có SV tốt nghiệp xong ĐH lại quay về học nghề để xin vào làm việc tại một cơ sở sản xuất” - bà Thúy nói. Bà Thúy cũng nhấn mạnh đến việc tuyên truyền để thay đổi nhận thức của toàn xã hội về định hướng việc làm cho tất cả mọi người.
 
Ai cũng có ước muốn con mình học cao nhưng tất cả cùng vào ĐH dẫn tới tình trạng thừa thầy, thiếu thợ, quá nhiều HS-SV không tìm được việc sau khi có bằng ĐH trên tay. Ông Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết hiện tỉ lệ SV ra trường có việc làm ngay đối với trường công lập là khoảng 70%. Ngành GD-ĐT cũng đang rất nỗ lực để các em tốt nghiệp là có việc làm. Tuy nhiên, cơ cấu ngành nghề của chúng ta hiện “có vấn đề” nên phải tìm cách tháo gỡ.

Bảo đảm nguồn vốn vay

Giai đoạn 5 năm (2013 - 2017), dự kiến nguồn vốn chương trình khoảng 45.000 tỉ đồng. Theo ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tuy kinh tế khó khăn nhưng Nhà nước vẫn đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, cố gắng bảo đảm nguồn vốn, đảm  bảo hoạt động của chính sách tín dụng này. Chính phủ sẽ huy động trái phiếu, kêu gọi tổ chức tín dụng trích ứng 2% cho Ngân hàng Chính sách Xã hội. Nếu không đủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ đứng ra cấp đủ vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội.
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các cơ quan liên quan tính đến phương án gia hạn chậm trả nợ khi HS-SV ra trường chưa có việc làm. Ngân hàng Chính sách Xã hội cần tập trung rà soát, trao đổi với các địa phương gia hạn trả nợ đối với HS-SV sau khi ra trường nhưng chưa có việc làm để không gây sức ép đối với họ. Vấn đề này cần bàn kỹ, không gây sức ép quá đáng nhưng cũng phải tìm cách thu hồi nợ” - Phó Thủ tướng lưu ý.

Xem xét tăng mức vay

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Chính phủ quyết tâm tập trung huy động mọi nguồn vốn, không để bất kỳ một HS-SV nào phải bỏ học vì thiếu tiền”. Đồng thời, ông Nhân cho biết sẽ xem xét tăng mức vay theo lộ trình tăng học phí của Bộ GD-ĐT tùy thuộc vào từng ngành học.

YẾN ANH
 
ĐỀ NGHỊ BỘ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO & BỘ LAO ĐỘNG TBXH SỚM CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH GIẢI QUYẾT CHẾ ĐỘ MIỄM GIẢM HỌC PHÍ CHO SINH VIÊN TẠI CÁC TRƯỜNG ĐANG HỌC VÀ TẠO ĐIỀU KIỆN CHO SINH VIÊN NGHÈO VAY
Ngày 14/5/2010, Chính phủ ban hành Nghị định 49/2010/NĐ-CP về Quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015. Theo quy định mới, từ năm học 2010 trở đi, sinh viên thuộc diện miễn, giảm học phí vẫn phải đóng học phí cho trường, sau đó gia đình sẽ được địa phương hoàn trả lại khi có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ. Phòng lao động thương binh xã hội của các địa phương thực hiện việc chi trả này. Tuy nhiên, thời gian qua trong quá trình thực hiện có nhiều địa phương không có nguồn kịp thời để chỉ trả cho gia đình có con đi học thuộc đối tượng được hưởng, vì ngân sách trung ương chưa cấp kinh phí về kịp thời cho các địa phương để chi trả. Do thủ tục rất rườm rà, phòng lao động thương binh xã hội phải tổng hợp tất cả các đối tượng được hưởng có giấy xác nhận của các em sinh viên đang học ở trường nào đúng đối tượng không? Sau đó mới tổng hợp báo cáo về Sở tài chính và Sở lao động thương binh xã hội, các Sở tiếp tục tổng hợp báo cáo về các bộ ngành trung ương, sau đó các bộ ngành trung ương kiểm tra mới cấp kinh phí về cho địa phương, thì địa phương mới có nguồn để chi trả cho các đối tượng. Chúng ta đều biết ngay từ đầu năm học các sinh viên đều phải nộp học phí thì nhà trường mới cho các em học, do vậy phụ huynh phải lo nộp học phí ngay, tuy nhiên đối với gia đình có điều kiện về kinh tế thì không sao, nhưng đối với các gia đình gặp kinh tế khó khăn, các gia đình thuộc diện hộ nghèo, hộ chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số thì rất khó khăn về tài chính để nộp học phí cho các em. Nhiều gia đình phải vay nóng từ bên ngoài để có tiền cho các em đóng học phí để đi học, vì nghĩ rằng sẽ được nhà nước giải quyết kịp thời, mãi đến khi nhận được tiền hổ trợ gia đình phải xoay sở thêm để trả tiền lãi vay. Người dân có ý kiến rất nhiều về vấn đề này nhưng không được cơ quan nào xem xét giải quyết. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các em yên tâm đi học và gia đình không phải lo lắng nhiều có tiền để đóng học phí, nhà nước cần đơn giản cải cách thủ tục hành chính trong việc giải quyết chi trả học phí như hiện nay. Đề nghị Chính phủ, Bộ tài chính, Bộ lao động thương binh xã hội xem xét việc chi trả học phí giao về cho các trường đại học và cao đẳng. Các trường có nhiệm vụ tổng hợp số lượng sinh viên thuộc đối tượng miễn giảm học phí báo cáo về Bộ ngành liên quan để cấp kinh phí cho các trường. Sinh viên thuộc diện miễn giảm học phí có trách nhiệm xác nhân ở các địa phương nơi có hộ khẩu thường trú, để làm cơ sở cho nhà trường xem xét được miễn giảm học phí theo quy định. Đồng thời các Bộ tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên nghèo vay, để có điều kiện cho sinh viên trúng tuyển đi học hết thời gian học đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp.
MINH TRÍ

Nguồn tin: Người Lao Động

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây