“Tư lệnh” ngành giáo dục thừa nhận có yếu kém

Thứ năm - 12/06/2014 23:45 - Đã xem: 992
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 11.6 của Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận “nóng” với các câu hỏi về tình trạng hàng chục nghìn cử nhân thất nghiệp, tiêu cực trong thi cử, chạy theo thành tích, đề án đổi mới sách giáo khoa...
“34.000 tỉ đồng: Do anh em bị… khớp!”

Đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) tuy đã được Bộ trưởng Bộ GDĐT trả lời bằng văn bản, nhưng ông vẫn chất vấn rằng: Bộ trưởng không kiểm soát được tình hình khi đưa ra con số 34.000 tỉ đồng cho đề án đổi mới chương trình SGK. Nếu trong đề án không trình bày kinh phí thực hiện thì đó không chỉ là một sai sót, mà còn là một đề án chưa chuẩn xác nhưng đã trình ra UBTVQH?”. 

Bộ trưởng Luận thừa nhận “lỗi kỹ thuật” về số tiền “khổng lồ” được trình ra với UBTVQH: “Tôi khẳng định đề án không hề đề cập đến số tiền này. Do đi vắng, tôi giao cho một thứ trưởng đi họp, nhưng mong QH thông cảm cho, anh dự một cuộc họp trang nghiêm như vậy đã bị “khớp” nên đã vô tình nêu ra số tiền không có trong đề án”. 

Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi vị thứ trưởng đã lấy ở đâu số tiền khủng thế để báo cáo, thậm chí số tiền chi tiết đến từng phần mục?

72.000 cử nhân thất nghiệp: Thừa nhận yếu kém

Quan ngại về các trường đại học chủ yếu đào tạo các ngành nghề khoa học xã hội mà không tập trung vào đào tạo ngành nghề khoa học kỹ thuật, gây “méo mó” cung cầu thị trường lao động, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải thích về con số 72.000 cử nhân thất nghiệp. 

Bộ trưởng Luận thừa nhận: “Bộ GDĐT có trách nhiệm chính trong các yếu kém này! Có một khoảng thời gian dài, mô hình phát triển giáo dục ĐH chỉ chú trọng số lượng mà xem nhẹ chất lượng, quy trình mở trường, cấp phép thành lập ĐH chưa chú trọng đến nhu cầu thực tế của xã hội”.

Theo ông Luận, ngành giáo dục đã có nhiều giải pháp để cải thiện tình hình trên, như “siết” những ngành đã có quy mô đào tạo lớn, từ nay đến năm 2015 không thành lập thêm bất cứ trường ĐH nào, điều chỉnh cơ cấu 450 sinh viên/10.000 dân xuống còn 200 sinh viên... 

“Tôi xin nói rõ, việc làm là vấn đề của thị trường. Khi thị trường lao động hình thành, độ trễ giữa cung – cầu là thực tế khách quan. Bộ GDĐT có trách nhiệm phối hợp xử lý, cảnh báo cho xã hội ngành nào thiếu, thừa. Còn các bộ phận khác về cầu lao động, việc làm cần đưa ra các phương án để sẵn sàng cho thị trường lao động” – Bộ trưởng Luận cho biết.

Sẽ siết chặt nhiều khâu

Trước lo ngại của nhiều đại biểu tình trạng bỏ điểm sàn sẽ hạ thấp chất lượng đầu vào ĐH, ông Luận phân tích rõ, kỳ thi ĐH vẫn sẽ có điểm sàn nhưng với nhiều mức khác nhau, nhằm phân tầng ĐH thành các mức chất lượng khác nhau, từ đó giúp học sinh cân nhắc lựa chọn trường phù hợp. Điểm sàn không quyết định chỉ tiêu tuyển sinh, chỉ là giới hạn về chất lượng, nếu thấp hơn nữa thì không đủ yêu cầu đào tạo. 

Bộ trưởng Luận nêu rõ: “Chỉ tiêu tuyển sinh của từng trường đã thay đổi theo hướng bỏ cơ chế xin – cho mà căn cứ vào hai yếu tố: Số lượng giảng viên cơ hữu thực có của các cơ sở đào tạo và diện tích xây dựng phục vụ đào tạo mà nhà trường có. Xin bao nhiêu sinh viên sẽ phụ thuộc vào hai điều kiện này”.

Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) băn khoăn việc chọn đột phá từ khâu thi cử chỉ thay đổi phần ngọn, trong khi đổi mới chương trình, phương pháp dạy học mới là phần gốc. Ông Phạm Vũ Luận giải thích: “Giữa thi cử và dạy học có quan hệ tác động lẫn nhau. Trong quá trình triển khai dạy học và thi cử, có thể có những thay đổi của quá trình thi cử dẫn đến sự thay đổi của dạy và học. Con em chúng ta đang học theo cách của chúng ta với nhiều lạc hậu cần thay đổi, thì khi đi học nước ngoài với cách thi khác hẳn, các em vẫn thích ứng được”.
Với tình trạng học sinh không đọc thông viết thạo vẫn được lên cấp 2 khiến đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) lo ngại về chất lượng giáo dục thực sự, ông Luận quả quyết: “Chúng tôi thừa nhận có tình trạng này và đang nỗ lực giảm bệnh thành tích. Bậc tiểu học đã triển khai rộng rãi chương trình giảng dạy tiếng Việt mới trên phạm vi rộng. Với chương trình này, xin hứa với đại biểu Quốc hội là các cháu học hết lớp 1 có thể viết đúng chính tả, học hết lớp 2 có thể viết đúng câu và không tái mù!”.


CẦN PHẢI ĐÀO TẠO THEO NHU CẦU CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG
Việc Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm vũ Luận nhận trách nhiệm đào tạo tràn lan, cử nhân kể cả thạc sĩ bị thất nghiệp, đây là vấn đề cần báo động, cần sớm có giải pháp đồng bộ để giải quyết mang tính chiến lược lâu dài. Để triển khai tốt trong việc đào tạo cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bộ: Bộ GDĐT và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cần phải tính toán khả năng giữa cung và cầu, đó là một bên là nhu cầu đào tạo của người sử dụng lao động, bao gồm các các cơ quan hành chính sự nghiệp, các đơn vị doanh nghiệp kể cả nhà nước và tư nhân có nhu cầu cần tuyển dụng lao động hằng năm, từ đó mới có nhu cầu đào tạo cụ thể từng ngành nghề đối với các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và các trường dạy nghề. Từ trước đến nay chúng ta chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa cung và cầu trong việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, mặc dù cũng có một số ít trường đại học đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu của họ, nhưng chưa được nhân rộng phổ biến. Xuất phát từ đó, đề nghị hai bộ trên chỉ đạo cho các sở chuyên ngành ở các địa phương hằng năm tiến hành điều tra xác định nhu cầu lao động cần đào tạo ngành nghề thật cụ thể ở các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và ngoài khu công nghiệp, nhu cầu còn thiếu lao động của các cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp theo biên chế được giao hằng năm. Qua báo cáo của các địa phương hằng năm gửi cho hai bộ, trên cơ sở đó hai bộ chuyên ngành tổng hợp nhu cầu đào tạo của cả nước ngay từ đầu năm, hai bộ sẽ xem xét, quyết định chỉ tiêu đào tạo và giao cho các trường đào tạo chính quy - kể cả dạy nghề tuyển sinh, có như vậy sẽ hạn chế việc đào tạo tràn lan, cử nhân tốt nghiệp không có việc làm như các năm qua.
MINH TRÍ

Nguồn tin: Lao Động Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây