Đào tạo theo hệ thống tín chỉ: Người học là trọng tâm

Thứ ba - 10/06/2014 03:14 - Đã xem: 1081
Hệ thống tín chỉ đã được áp dụng vào việc đào tạo ở bậc đại học từ lâu trên thế giới, ở các trường đại học danh tiếng của các nước phương Tây. Hệ thống này cũng không phải là xa lạ đối với Việt Nam.

Những kinh nghiệm từ hệ thống giáo dục trên thế giới có thể nói là vô cùng quý giá cho việc xây dựng chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ (ĐTTHTTC) do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành (Quyết định 43/2007/QĐ-BGD&ĐT) mà hiện nay các trường Đại học ở Việt Nam đã áp dụng phổ biến.

Trường Đại học Tây Nguyên cũng đã chuyển đổi sang phương thức ĐTTHTTC. Theo thời gian, thực tế ngày càng biểu hiện rõ ưu điểm cơ bản của phương thức đào tạo này: Sinh viên ngày càng năng động, sáng tạo hơn và kết quả học tập đã tiến bộ hơn. Nhà trường đã tăng cơ hội lựa chọn môn học theo nhu cầu học tập của sinh viên. Điều này sẽ tiếp tục trao thêm nhiều cơ hội học tập và phát triển nghề nghiệp cho sinh viên.

Có thể nói, ĐTTHTTC hoàn toàn khác với đào tạo theo niên chế. Đào tạo theo niên chế dựa vào khả năng của nhà trường (số môn học, số lượng giảng viên, cơ sở vật chất…). ĐTTHTTC hoàn toàn dựa theo yêu cầu của người học.

Người học thực sự trở thành khách hàng của nhà trường, từ đó người học được thể hiện sự dân chủ trong giáo dục, họ được lựa chọn những học phần nào mà họ cảm thấy hứng thú hoặc phù hợp với năng khiếu, sở thích và định hướng nghề nghiệp của mình. Vì thế, một cơ sở đào tạo có năng lực đáp ứng nhu cầu xã hội, có sức thu hút là cơ sở có khả năng cung cấp càng nhiều môn học tự chọn càng tốt để việc chọn lựa càng phù hợp với người học.

Sinh viên Đại học Tây Nguyên ngày nay không còn xa lạ với việc tự hoạch định nội dung học tập và quản lý quá trình tự học của mình. Nhiều sinh viên đã biết năng động sử dụng hiệu quả thời gian tự học trong chương trình. Các giảng viên cũng đã tiến hành những biện pháp để kiểm tra đánh giá việc tự học và tự nghiên cứu của sinh viên theo hệ thống tín chỉ.

Trong quỹ thời gian học tập theo hệ thống tín chỉ, thời lượng dành cho tự học và tự nghiên cứu của sinh viên được ưu tiên nhiều hơn.

Với phương thức đào tạo mới, sinh viên đã tự quyết định tiến trình, nội dung và khối lượng học tập. Năng lực và điều kiện học tập (sức khỏe, tài chính, hoàn cảnh gia đình…) là khác nhau bởi vậy việc trao quyền quyết định cho sinh viên sẽ giúp họ vừa giải quyết được các vấn đề cá nhân, vừa có cơ hội học tập phù hợp.

Ngoài ra, việc nhà trường tổ chức lấy ý kiến sinh viên đánh giá về bài giảng của giảng viên cũng tạo cơ hội cho người học phát triển năng lực làm việc độc lập, tư duy phản biện và ý thức trách nhiệm với bản thân và cộng đồng.

Như vậy, ĐTTHTTC phát huy tính tích cực, năng động của người học, người học đóng vai trò là trọng tâm, từ đó mở ra những lộ trình mới cho người học để họ đi đến thành công trong sự nghiệp học tập của mình.

Nguyễn Thị Kim Hồng


Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây