Bộ trưởng GD-ĐT: 'Không có con số 34.000 tỉ đồng đổi mới sách giáo khoa'

Thứ tư - 23/04/2014 05:07 - Đã xem: 925
Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận khẳng định con số hơn 34.000 tỉ đồng để đổi mới chương trình và sách giáo khoa mới không có trong tờ trình và những hồ sơ liên quan mà Chính phủ trình sang Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Trong chương trình dân hỏi bộ trưởng trả lời phát sóng 19 giờ tối 20-4 trên đài truyền hình Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã bác bỏ con số 34.000 tỉ đồng trong dự thảo nghị quyết đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 vừa được trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 14-4 vừa qua.

Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận khẳng định con số hơn 34.000 tỉ đồng để đổi mới chương trình và sách giáo khoa mới không có trong tờ trình và những hồ sơ liên quan mà Chính phủ trình sang Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ảnh chụp màn hình
Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận khẳng định con số hơn 34.000 tỉ đồng để đổi mới chương trình và sách giáo khoa mới không có trong tờ trình và những hồ sơ liên quan mà Chính phủ trình sang Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ảnh chụp màn hình

Bộ trưởng Luận cho biết việc đưa ra con số ước tính 34.000 tỉ đồng là sự sơ suất rất đáng tiếc đã gây nên hiểu nhầm trong dư luận. “Bộ GD-ĐT xin nhận trách nhiệm về việc này” - ông Luận phát biểu và chia sẻ rằng con số 34.000 tỉ đó không có trong tờ trình và những hồ sơ liên quan mà Chính phủ trình sang Ủy ban thường vụ Quốc hội. Bộ trưởng cho rằng nếu cần phải có đến 34.000 tỉ để biên soạn chương trình và sách giáo khoa mới thì bản thân ông cũng không đồng tình vì lãng phí và phi lý.

Nguồn gốc con số hơn 34.000 tỉ đồng gây hiểu lầm là đến từ “…tổng hợp từ kết quả nghiên cứu của các nhóm chuyên gia khác nhau”.

Giải thích vì sao Bộ trưởng GĐ-ĐT không đích thân trình bày dự thảo nghị quyết trước Ủy Ban Thường vụ vào ngày 14-4, ông Luận cho biết: “Tôi phải đi công tác nước ngoài trên cương vị là chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước ASEAN…”.

Nói rõ hơn về dự thảo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015, Bộ trưởng Luận cho biết: “…việc trình lần này mới chỉ là công việc bước đầu xin chủ trương, còn sau đấy thì sẽ triển khai rất nhiều những công việc khác”.

“Bộ theo phân công sẽ xây dựng những đề án, các kế hoạch cụ thể. Ví dụ về chương trình mới và sách giáo khoa mới này thì lúc đó Bộ sẽ xây dựng đề án về biên soạn chương trình sách giáo khoa mới, trong đó sẽ nêu tất cả các công việc, các định mức, các quy định chi tiêu, rồi số tiền, các nguồn lực khác cần phải có…Đề án đó sẽ được công bố rộng rãi để xin ý kiến của công luận và của chuyên gia, xin ý kiến của hội đồng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực” – Bộ trưởng chia sẻ.

Trước đó, vào ngày 14-4, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã dự thảo nghị quyết đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 vừa được trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông Hiển lúc đó cho biết: “Để xây dựng chương trình và sách giáo khoa, dạy thử nghiệm và đại trà... sẽ cần 34.275 tỉ đồng. Đó là chưa kể tiền xây dựng cơ sở vật chất ở những trường chưa đủ điều kiện…”.

Con số này đã gây sốc cho các đại biểu cũng như công luận suốt những ngày gần đây.

T.Nguyễn ghi
 

ĐỀ NGHỊ BỘ GIÁO DỤC &ĐÀO TẠO CẦN XÂY DỰNG BỘ SÁCH GIÁO KHOA ĐIỆN TỬ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015, vào ngày 14-4, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã dự thảo nghị quyết đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 được trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông Hiển lúc đó cho biết: “Để xây dựng chương trình và sách giáo khoa, dạy thử nghiệm và đại trà... sẽ cần 34.275 tỉ đồng. Đó là chưa kể tiền xây dựng cơ sở vật chất ở những trường chưa đủ điều kiện…”. Nếu triển khai thực hiện đây là một sự lãng phí quá lớn trong lúc đất nước ta còn nhiều khó khăn. . Trước đây qua việc cải cách sách giáo khoa phụ huynh ai cũng nhận thấy trọng lượng bộ sách ngày càng nặng hơn, chữ càng nhiều hơn, tội cho các em nhỏ phải mang bộ sách nặng trên vai các em vượt hơn trọng lượng cơ thể của mình. Không biết chương trình giáo khoa cải cách như thế nào, nhưng thực tế phải kéo dài thời gian học hơn thời gian học như trước đây, bây giờ bước vào đầu năm học, phải học trước 2 tuần trước ngày khai giảng như Bộ GD-ĐT quy định ngày 05 tháng 09 hàng năm, thì mới học hết chương trình theo bộ giáo khoa mới, cách nói của ngành giáo dục học trước để giảm tải. Hiện nay các trường học đã từng bước đầu tư trang thiết bị máy vi tính, xây dựng thư viện điện tử, đào tạo cho các em môn tin học cơ bản, do vậy đề nghị Bộ GD-ĐT cần thiết đầu tư xây dựng bộ sách giáo khoa điện tử được lưu trong thư viện điện tử của ngành giáo dục, phục vụ cho khai thác nghiên cứu giảng dạy và học tập. Nếu thực hiện được chính là sự tiết kiệm rất lớn cho ngân sách nhà nước và cho xã hội, vì các em học sinh và giáo viên sẽ tự nghiên cứu xây dựng giáo án và học tập, đối với các trường nơi chưa có điều kiện cơ sở vật chất về trang thiết bị máy vi tính giáo viên và học sinh chủ động in các bài học trong sách giáo khoa điện tử. Như hiện nay năm học nào nhà xuất bản của Bộ GD-ĐT in ra quá nhiều sách giáo khoa các em học xong rồi bỏ đi, nhất là khi thực hiện cải cách bộ giáo khoa mới thì bỏ hàng loạt sách giáo khoa cũ, vì không còn sử dụng nữa thật quá lãng phí. Về lâu dài các nhà nghiên cứu của ngành giáo dục nếu phát hiện chương trình môn học nào trong bộ sách giáo khoa không còn phù hợp, cần thay đổi cải cách, thì có thể tu chỉnh ngay trong bộ sách giáo khoa điện tử không phải tốn kém nhiều kinh phí như cách làm hiện nay. Xây dựng bộ sách giáo khoa điện tử chính là thực hiện chủ trương của Đảng trong việc hiện đại hóa ngành giáo dục.

MINH TRÍ

 

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây