Suýt chết vì hóc xương gà

Thứ sáu - 25/04/2014 07:59 - Đã xem: 983
Sau khi hóc xương gà, người đàn ông cảm thấy tức ngực và khó thở, sau đó cơn đau tăng dần nên người nhà đã chuyển đến bệnh viện. Theo các bác sĩ, nếu chậm trễ, nạn nhân sẽ tử vong.

Ngày 24-4, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cho biết đã phẫu thuật thành công cho nạn nhân P.V.T (SN 1963, quê Bình Định) do hóc xương gà khoảng 3 cm. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và sẽ xuất viện trong vài ngày tới. Các bác sĩ khuyến cáo người dân sau bữa ăn cảm thấy tức ngực, khó thở nghi hóc xương phải đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Theo ông T., chiều 20-4, trong lúc cả nhà ăn cơm thì ông bị mắc xương gà ở cổ, sau đó được chuyển đến bệnh viện địa phương trong tình trạng sốt cao, ngực đau, khó thở, không thể ăn uống. Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Bình Định đã làm các xét nghiệm và chụp phim CT, scan ngực. Bệnh nhân được chẩn đoán bị thủng thực quản tạo ổ khí dịch tích tụ trong trung thất lân cận.

 

Sức khỏe bệnh nhân T. đã hồi phục

Sức khỏe bệnh nhân T. đã hồi phục

 

Ngày 22-4, ông T. được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng nguy cấp, sốt cao và khạc ra đàm lẫn máu. Ê kíp các bác sĩ Khoa Ngoại lồng ngực và phẫu thuật mạch máu đã phối hợp mổ cấp cứu.

Theo các bác sĩ Nguyễn Duy Tân (Phó Khoa Ngoại mạch máu) và Hà Thanh Bình (Khoa Ngoại lồng ngực), những ca bị dị vật như trên rất nguy hiểm vì có thể thủng động mạc chủ ngực, viêm trung thất dẫn đến rối loạn huyết áp làm cho nạn nhân nhanh chóng tử vong. Trong trường hợp này, ông T. bị thủng xuyên thành thực quản, viêm trung thất và chuẩn bị đâm thủng mạch máu lớn. Nếu cấp cứu chậm trễ, chắc chắn nạn nhân sẽ tử vong.

 

Dị vật xương gà được gấp ra từ thực quản nạn nhân

Dị vật xương gà được gắp ra từ thực quản nạn nhân

 

Bác sĩ Vũ Hữu Vĩnh, Trưởng Khoa Ngoại lồng ngực, cho biết: “Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các nạn nhân hóc xương gà, cá, dao lam, đinh sắt… Trước đây, các nạn nhân bị nặng thường rất dễ tử vong do không được tưới rửa trung thất dẫn đến nhiễm trùng trung thất khiến thực quản không liền. Nếu thực quản không liền sẽ làm tăng tình trạng nhiễm trùng trung thất dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, trong 4 năm qua, chúng tôi đã thay đổi chiến lược điều trị và 100% bệnh nhân đều được cứu sống”.

 

Tin-ảnh: Phạm Dũng

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây