Điện Biên Phủ - Lừng lẫy năm châu: Chỉ thị tuyệt mật của Đại tướng

Thứ tư - 07/05/2014 03:01 - Đã xem: 1277
Bảo đảm đường dây điện thoại xuyên suốt xuống từng đơn vị; trao thư từ, chỉ thị tuyệt mật từ sở chỉ huy về chiến khu... là những nhiệm vụ thầm lặng nhưng góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ vĩ đại

Đại tá Nguyễn Huy Văn (bí danh Kim Sơn) - Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội 99, Tiểu đoàn Thông tin 303 - vinh dự được Đại tướng - Tổng Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ truyền lại những chỉ thị tuyệt mật trong 57 ngày đêm của chiến dịch. Ông liên tục có mặt ở những điểm nóng của chiến trường Điện Biên Phủ, làm cầu nối bảo đảm thông tin liên lạc xuyên suốt giữa sở chỉ huy chiến dịch với các đơn vị.

Đại tướng chỉ huy… tiểu đoàn

Trước khi lên đường ra mặt trận, từ ATK Định Hóa (Thái Nguyên), Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định công tác thông tin liên lạc của Chiến dịch Điện Biên Phủ cần được đặt ra theo yêu cầu của chiến dịch quy mô lớn, có ý nghĩa chiến lược, quyết định.

Bấy giờ, Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc Hoàng Đạo Thúy do sức yếu không hành quân xa được nhưng Đại tướng chỉ thị: “Cục trưởng Hoàng Đạo Thúy không đi được thì lấy cáng khiêng đồng chí cục trưởng lên xe cùng tôi ra mặt trận”.

Hang Thẩm Púa (xã Bản Pó và xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) được chọn làm địa điểm đặt sở chỉ huy đầu tiên của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại đây, Trung đội 2 của ông Nguyễn Huy Văn được giao nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là thiết lập đường dây liên lạc từ sở chỉ huy xuống 3 đại đoàn: 312 đóng ở phía Bắc, 308 đóng ở phía Tây và 351 đóng ở phía Đông Bắc.

“Để thiết lập đường thoại đến các đơn vị này, chúng tôi phải tìm đường đi tuyệt mật cho dây điện thoại. Đặc biệt là quá trình vượt đèo Phu Pha Song rất gian nan” - ông Văn kể.

Ở sở chỉ huy chiến dịch, Phó Ban thông tin Hoàng Xuân Vượng trực tiếp trực tổng đài; còn dưới các đơn vị chiến đấu, Trung đội trưởng Nguyễn Huy Văn có mặt để nối máy, bảo đảm đường dây thông suốt và truyền đạt các chỉ thị của Đại tướng trong những giờ phút quyết định.

Đại tướng thường xuyên gọi xuống để nắm tình hình ở các trung đoàn, thậm chí tiểu đoàn trực tiếp chiến đấu. Người quan tâm đến những khó khăn, vất vả của bộ đội và thường xuyên động viên các chiến sĩ.

Nhiều lúc chỉ huy các đơn vị cũng không biết người dặn dò họ qua điện thoại là ai bởi trong nhiều cuộc điện thoại, Đại tướng dùng bí danh để tránh bị lộ. Dù bận trăm công ngàn việc nhưng Đại tướng vẫn quan tâm đến bữa ăn của bộ đội có đủ no, thuốc men cho thương binh và đạn dược có đầy đủ.

Trận đánh đồi A1 cực kỳ ác liệt vì đây là cứ điểm được quân Pháp xây dựng rất kiên cố. Các đại đoàn 316 và 308 đã huy động 2 trung đoàn thiện chiến nhằm tiêu diệt cứ điểm này của địch nhưng cuối cùng bị thương vong lớn.

Ông Nguyễn Huy Văn (bìa trái) cùng đi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến thăm Cao Bằng năm 1990. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Ông Nguyễn Huy Văn (bìa trái) cùng đi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến thăm Cao Bằng năm 1990. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

“Khi chủ trương đưa quả bộc phá 1.000 kg vào để phá hủy và làm chấn động cứ điểm trên đồi A1, Đại tướng thường xuyên theo dõi tình hình. Đêm đó, Tổng Tư lệnh liên tục gọi điện, trực tiếp chỉ huy rất chặt chẽ vì ông lo lắng nếu bị chặn lại ở đồi A1 thì bộ đội ta sẽ chịu nhiều tổn thất” - Đại tá Văn hồi tưởng.

Gian nan đưa thư đến Bác Hồ

Đêm 26-1-1954, sau khi hoãn kế hoạch nổ súng và bộ đội được lệnh rút quân, Đại tướng đã viết một bức thư tay gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo quyết định chuyển phương án tấn công từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc. Đảm nhận trọng trách tuyệt mật này là ông Nguyễn Công Dinh - cán bộ Cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng Tham mưu Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Để thực hiện nhiệm vụ, phái viên đặc biệt Nguyễn Công Dinh đã băng rừng, vượt núi nhiều ngày, đối mặt với vô vàn hiểm nguy và cả những giờ phút sinh tử.

Ông Dinh cho biết trưa 27-1-1954, Phó Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái chỉ thị ông lên gặp ngay Đại tướng để nhận nhiệm vụ. “Lúc ấy, Tổng Tư lệnh dặn nhiệm vụ này rất quan trọng, phải cố gắng hoàn thành khiến tôi không khỏi hồi hộp, âu lo. Đại tướng đưa bức thư được dán trong phong bì và bảo mang về ATK Định Hóa báo cáo Bác và Bộ Chính trị về việc chuyển phương châm tiến công để Bác và Bộ Chính trị nắm tình hình ở mặt trận” - ông Dinh nhớ lại.

Đại tướng cho phép ông Dinh sử dụng chiếc xe Jeep của sở chỉ huy cùng một lái xe để lên đường. Ngay trong chiều 27-1, ông Dinh xuất phát khi sương mù bắt đầu xuống nhằm tránh bị địch phát hiện. Trong suốt hành trình mấy trăm cây số, lúc nào ông cũng nghe tiếng máy bay lúc gần lúc xa. Đến khi đi tới chân đèo Pha Đin, chiếc xe gặp máy bay Pháp thả bom. Rất may, xe và người đều không hề hấn gì. Về đến phà Bình Ca (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, giáp tỉnh Thái Nguyên), một lần nữa, ông Dinh lại lo lắng vì máy bay quân Pháp bắn pháo sáng và bay rất sát.

Sau 2 ngày 1 đêm di chuyển không nghỉ, ông Dinh về đến được ATK Định Hóa, trao lại bức thư cho Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng để báo cáo Bác Hồ. “Nhiệm vụ đến đó là hoàn thành, trong tôi trào dâng niềm vui khó diễn tả khi đã không phụ lòng tin của Đại tướng” - ông Dinh bày tỏ.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 4-5

Kỳ tới: Sáng mãi Điện Biên

Bắt sống De Castries

Khi quân ta bắt sống các chỉ huy Pháp tại Sở Chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Huy Văn đã nối điện thoại cho Đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại đoàn trưởng cấp báo đã bắt sống được De Castries và toàn bộ bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm nhưng Đại tướng hỏi lại: “Căn cứ vào đâu mà các anh biết đó là De Castries?”. Ông Tấn báo cáo đã so sánh với thẻ căn cước ta thu được. Chính ủy Đại đoàn 312 Trần Độ nói thêm: “Báo cáo anh Văn, đúng De Castries rồi đấy ạ!”. Lúc ấy, Đại tướng hết sức vui mừng.

“Tôi không thể ngồi trong công sự được nữa mà chạy ra ngoài reo hò cùng bộ đội khi khắp cánh đồng Mường Thanh, ở các cứ điểm của Pháp, cờ trắng xuất hiện dày đặc. Khi ấy, quân Pháp đã mệt mỏi và không còn sức chiến đấu. Bộ đội và dân công hỏa tuyến reo hò, vỡ òa trong sung sướng” - ông Nguyễn Huy Văn bồi hồi kể lại thời khắc lịch sử 60 năm trước.

 

Bài và ảnh: MẠNH DUY

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây