Ngày 20-5, Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva - Thụy Sĩ, đã ra thông cáo về những diễn biến gần đây ở biển Đông và gửi đến Văn phòng Liên Hiệp Quốc tại Geneva, các tổ chức quốc tế cùng các cơ quan báo chí có trụ sở tại Geneva.
Thông cáo đã liệt kê cụ thể những động thái của Trung Quốc kể từ ngày 2-5, thời điểm Bắc Kinh đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 trên vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Việt Nam khẳng định hành vi của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002 cũng như thỏa thuận cấp cao giữa 2 nước. Trên cơ sở kiên trì đối thoại tìm kiếm các biện pháp hòa bình, Việt Nam đã công khai liên lạc với Trung Quốc hơn 20 lần về vụ việc.
Theo TTXVN, thông cáo nêu rõ trước những bằng chứng lịch sử không thể chối cãi, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 cùng một loạt tàu hỗ trợ ra khỏi vùng thềm lục địa, đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đề nghị chính phủ tất cả các nước lên tiếng chỉ trích hành vi sai trái của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, tôn trọng quyền và lợi ích của tất cả các quốc gia ven biển phù hợp với UNCLOS 1982.
Hành động sai trái của Trung Quốc gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh hàng hải và an toàn trong biển Đông và trực tiếp đe dọa hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực cũng như trên thế giới.
Theo Cục Kiểm ngư, trong ngày 22-5, tình hình khu vực giàn khoan Hải Dương 981 có phần lắng dịu. Lực lượng hai bên không có biến động lớn, số tàu Trung Quốc hiện có 125 tàu (giảm 12 tàu cá).
Ngư dân phản đối
Chiều 22-5, hơn 1.000 ngư dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung phản đối hành động đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam. Xã Bình Châu có khoảng 1.500 ngư dân và khoảng 143 tàu đánh bắt xa bờ, chủ yếu ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Thời gian qua, nhiều tàu cá của ngư dân Bình Châu liên tục bị phía Trung Quốc đập phá, cướp tài sản, gây thiệt hại lớn.
Trước đó, sáng cùng ngày, tại TP Nha Trang, Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa cũng tổ chức họp mặt phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
T.Trực - T.Tĩnh
Nguồn tin: Người Lao Động
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...