Ông Lê Bá Hạnh, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, cho biết vừa phát hiện 4 đạo sắc phong quý hiếm thời Nguyễn, niên hiệu Khải Định năm thứ 2 (1917) và năm thứ 9 (1924). 4 đạo sắc này được phát hiện trong quá trình khảo sát, sưu tầm, số hóa tư liệu Hán Nôm trên địa bàn 1 huyện ven biển.
Các đạo sắc phong quý hiếm này được lưu giữ tại từ đường dòng họ Phạm Văn (ở thôn Lâm Châu, xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà).
Các đạo sắc phong cổ này còn nguyên vẹn và có cùng kích thước, trang trí hoa văn giống nhau, chiều dài 2,1 m, rộng 50 cm. Sắc phong viết bằng chữ Hán cổ trên nền giấy dó với nét chữ mảnh, rõ và sắc nét, giấy màu vàng nghệ, mặt trước trang trí họa tiết hoa văn hình rồng, chữ triện, chấm tròn màu trắng. Xung quanh được viền bằng các họa tiết hình vạch kẻ song song liền nhau.
Hai đạo sắc phong có niên đại năm Khải Định thứ 2 có cùng nội dung và thời gian (ngày 15 tháng 3 năm 1917) phong cho vị thủy tổ họ Phạm Văn là Phạm Văn Nghĩa tước hiệu Đông Giang Hầu.
Hai đạo sắc còn lại có niên đại Khải Định năm thứ 9 cũng có cùng nội dung và thời gian, (ngày 22 tháng 7 năm 1924) phong cho vị thủy tổ họ Phạm là Phạm Văn Linh tước hiệu Cao Bình Quận.
Hiện bảo tàng Hà Tĩnh đang nghiên cứu về thân thế và sự nghiệp của 2 danh thần của dòng họ Phạm Văn được ban sắc để vinh danh công lao của các vị tiền bối đối với quê hương đất nước.
Việc phát hiện các đạo sắc phong cổ nói trên là nguồn tư liệu văn tự Hán Nôm cổ có giá trị quý hiếm nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu khai thác và lưu giữ bảo quản lâu dài.
Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...