Việt Nam được hoan nghênh về đảm bảo quyền con người

Chủ nhật - 16/02/2014 19:39 - Đã xem: 1026
Ngày 5.2, tại Geneva (Thụy Sĩ), đoàn đại biểu Việt Nam (VN) do Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc dẫn đầu đã trình bày Báo cáo quốc gia trong khuôn khổ cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ 2 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ). Đoàn VN đối thoại trực tiếp với 107 nước về các vấn đề quan tâm trong lĩnh vực này.

Báo cáo của VN được đa số các nước tham gia phiên đối thoại đánh giá là chuẩn bị công phu, toàn diện, thể hiện cam kết về đảm bảo quyền con người. Các nước cũng đánh giá cao cách đề cập cởi mở, thuyết phục trong báo cáo của VN.   

Việt Nam được hoan nghênh về đảm bảo quyền con người

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc giới thiệu khái quát thành tựu của VN trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong 4 năm qua, kể từ phiên Rà soát chu kỳ I năm 2009 đến nay. VN đã thực hiện nghiêm túc, tích cực 96 khuyến nghị mà VN đã chấp thuận.

Kết quả đạt được thể hiện sinh động trên tất cả các mặt đời sống xã hội, đặc biệt là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng và thực hiện các chính sách về quyền con người; xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, đảm bảo các quyền tự do cơ bản của người dân, đặc biệt chú ý tới các nhóm dễ bị tổn thương...

Đoàn VN đối thoại thẳng thắn, cung cấp thêm thông tin về luật pháp, chính sách và thực tế tại VN. Với việc VN thông qua Hiến pháp năm 2013, lĩnh vực quyền con người đã được hiến định một cách đầy đủ và toàn diện hơn. Đoàn VN nhấn mạnh, quyền tự do ngôn luận, thông tin tại VN ngày càng tốt hơn, với sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là Internet.

Các cuộc tranh luận, chất vấn, phản biện chủ trương chính sách tại Quốc hội VN và các diễn đàn, blog, diễn ra sôi nổi và thực chất, đóng góp hiệu quả vào tiến trình xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật.

Trong lĩnh vực tôn giáo, kể từ năm 2009, VN đã đạt được những thành tựu đáng kể với việc công nhận thêm nhiều các tổ chức tôn giáo, xây dựng các cơ sở thờ tự... Các nhóm yếu thế như dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em được tạo mọi điều kiện thuận lợi để thực hiện quyền bình đẳng về thụ hưởng các dịch vụ công.

Trong lĩnh vực lao động, công đoàn, VN có những quy định cụ thể trong Luật Công đoàn và Bộ luật Lao động; các cấp công đoàn hoạt động hiệu quả, có nhiều đổi mới về tổ chức, hoạt động.

Các nước khẳng định, cộng đồng quốc tế hoan nghênh và mong muốn VN tiếp tục đóng góp trong việc thúc đẩy, bảo vệ nhân quyền trên phạm vi quốc tế. Các nước tiếp tục khuyến nghị VN nỗ lực hơn nữa trong việc cải cách tư pháp, pháp luật, thúc đẩy quyền tự do ngôn luận, báo chí, tôn giáo, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm đổi mới, đảm bảo quyền của các nhóm yếu thế...

Các nước cũng khuyến nghị VN tăng cường hợp tác với các cơ chế nhân quyền của LHQ và các cơ quan công ước. Các nước ASEAN mong VN tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thực hiện Tuyên bố Nhân quyền ASEAN.

Nguồn tin: Lao Động Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây