Không thể CPH, nếu cứ “bàn ra, bàn vào”
Ông Đinh La Thăng lấy ví dụ là Tổng Công ty xây dựng đường thủy được Thủ tướng chỉ đạo giải thể, nhưng nhiều năm không giải thể được. “Đơn khiếu kiện suốt ngày, tăng trưởng đơn kiện năm sau cao hơn năm trước. Nhưng khi TCty này chuẩn bị cổ phần hóa, hiện có 3 nhà đầu tư chiến lược tranh nhau mua, rất hấp dẫn” – ông Thăng hài hước. Theo Bộ trưởng GTVT, vấn đề là phải lành mạnh hóa được tài chính, tiềm năng thế mạnh phát huy được, thì các nhà đầu tư sẽ mua.
Ông Thăng đề nghị phải thống nhất nhận thức, quyết tâm từ chủ trương của Đảng, quy định chỉ đạo của Nhà nước, hướng dẫn của Chính phủ cho đến lãnh đạo, cán bộ công nhân viên trong DN. Còn muốn CPH, muốn sắp xếp DN mà cứ “nói ra nói vào” là không làm được.
Một yếu tố không thể thiếu là phải bám sát thực tiễn, luôn đề xuất kịp thời các khó khăn vướng mắc. Quan điểm của Bộ GTVT là không văn bản đi văn bản lại, mà trực tiếp gặp các bộ trưởng có liên quan, như Bộ trưởng Tài chính, định kỳ hàng quý, để giải quyết vướng mắc. Ông Thăng cũng cho rằng, muốn CPH thành công, phải tìm được nhà đầu tư chiến lược, thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trước khi thực hiện CPH.
DNNN không cần giữ cổ phần chi phối: “Dứt khoát bán”
Theo báo cáo của Bộ GTVT, trong 3 năm qua, Bộ đã cổ phần hóa 54 DN, trong đó có 11 DN quy mô lớn như Hàng không Việt Nam (VNA), 10 TCty 90 do Bộ thành lập. Sau 3 năm CPH, đến nay Bộ GTVT chỉ còn 42 DN 100% vốn nhà nước và sẽ cổ phần hóa 42 DN trong 2014-2015. Quá trình thực hiện thoái vốn sau 3 năm tại 27 DN thu về 552 tỉ đồng.
Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp CPH theo hướng Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực tham gia làm cổ đông chiến lược. Bộ trưởng Thăng cho rằng, đây là vấn đề mấu chốt, bởi Bộ GTVT xác định đối với những DN Nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối, thì dứt khoát là bán. “Như vậy sẽ kêu gọi được các nhà đầu tư chiến lược. Vì nếu Nhà nước giữ 51%, nhà đầu tư sẽ ít quan tâm, hoặc có quan tâm thì không mặn mà lắm” – ông Đinh La Thăng nhận định.
Theo Bộ trưởng GTVT, với những DN này, nếu NN vẫn giữ cổ phần chi phối, thì đổi mới chỉ là nửa vời. Từ đầu năm đến nay, Bộ đã sắp xếp, xác định rõ vai trò cá nhân. Các DN không thực hiện đúng mục tiêu, thì cách chức lãnh đạo kể cả Chủ tịch hay Tổng Giám đốc, và điều chuyển sang làm việc khác. Ông đơn cử, TCty Giao thông 8 đã thay cả Chủ tịch. Động thái này khiến việc CPH “đương nhiên phải đẩy nhanh”. Còn nếu không đẩy nhanh thì sẽ tiếp tục thay thế nữa – ông tuyên bố.
Một ưu thế của các DN đã CPH là họ có đủ điều kiện tham gia đấu thầu dự án của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), giúp lựa chọn được các nhà thầu đủ năng lực, mạnh của ngành giao thông tham gia vào các dự án lớn của ngành. Trong khi đó, theo quy định trước đây, các DN NN không được tham gia, nên tất cả các DN xây lắp mạnh của ngành giao thông phải đứng ngoài, nên các DN tư nhân sẽ trúng thầu.
Sẽ CPH 10 bệnh viện thuộc ngành GTVT
Ông Thăng cũng cho rằng, việc CPH cũng giúp công tác quản trị của các DN được nâng cao, tinh giản được bộ máy, tạo ra khí thế mới làm việc năng suất, hiệu quả hơn trước khi sắp xếp cổ phần hóa.
Trong kế hoạch sắp tới, ông Đinh La Thăng cho biết sẽ lựa chọn tiềm năng tài chính, công nghệ để đẩy mạnh CPH công nghiệp cảng biển. Ông khẳng định, CPH là con đường duy nhất, tất yếu để nâng cao năng lực quản trị cho các DNNN. “Khi còn giám sát, Nhà nước giữ cổ phần chi phối lúc nào cũng đau đầu, không biết các ông làm ăn thế nào?” – Bộ trưởng Thăng nói.
Ông khuyến nghị cần phải sửa Luật Phá sản, vì nhiều DN không cổ phần được, do điều kiện phá sản khó khăn. Ông cũng đề xuất CPH 10 bệnh viện thuộc Bộ GTVT. “Chúng ta cứ nói mãi về vấn đề y đức. Nếu cho phép cổ đông tư nhân, để quyền lợi của bác sĩ gắn bệnh viện, thì sẽ mất tệ chi phong bì cho bác sĩ. Chứ cứ xã hội hóa bệnh viện nửa vời, góp tiền mua máy nọ, máy kia không công khai, ăn chia đều không, thì sẽ dẫn đến kiện cáo.
Bộ trưởng Thăng nêu ví dụ về việc thành lập TCty Hàng không Việt Nam, trên cơ sở hợp nhất 3 TCty cảng miền bắc, miền trung và miền nam đã tạo ra một DN có năng lực mạnh về tài chính, mạnh về quản lý. Trước chưa nhập thì khó khăn. Khi sát nhập thì tài chính mạnh, tận dụng khả năng quản lý của cảng miền nam, đưa công nghệ vào, hàng loạt dự án đưa vào hoạt động.
Việc chuyển các doanh nghiệp từ Bộ, Cục hàng hải, TCty đường bộ VN về các công ty khác đã tách bạch được chức năng quản lý Nhà nước và quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh. Trước đây vừa quản lý nhà nước, vừa quản lý hoạt động kinh doanh nên có tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. Như Cục Đường bộ VN quản lý các doanh nghiệp sửa chữa, nhưng đồng thời cũng là người đặt hàng sửa chữa, nên vừa đá bóng vừa thổi còi. Khi tách bạch thì hiệu quả quản lý tốt hơn, chất lượng bảo trì sữa chữa đường bộ tốt hơn.
Nguồn tin: Lao Động Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...