Ấn Độ và Bangladesh kết thúc tranh chấp biển theo UNCLOS

Thứ tư - 09/07/2014 02:52 - Đã xem: 1011
Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) có trụ sở tại Hà Lan vừa ra phán quyết cho thấy gần 4/5 của một khu vực rộng hơn 25.000 km2 ở vịnh Bengal thuộc về Bangladesh, kết thúc cuộc tranh chấp biên giới biển với Ấn Độ, vốn khiến quan hệ hai bên bị hục hặc trong hơn 3 thập niên qua, theo Reuters.

Ấn Độ và Bangladesh kết thúc tranh chấp biển theo UNCLOS
Thủ tướng  Bangladesh Sheikh Hasina (phải) tiếp Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj ngày 26.6.2014 - Ảnh: Reuters

“Đây là một chiến thắng hữu nghị và có lợi cho cả người dân Bangladesh và Ấn Độ”, Ngoại trưởng Bangladesh Abul Hassan Mahmood Ali phát biểu trong cuộc họp báo hôm nay 8.7.

Ông Ali thừa nhận tranh chấp trên gây trở ngại cho phát triển kinh tế giữa hai quốc gia trong hơn 30 năm qua.

Ấn Độ cũng đã đồng ý với phán quyết trên của PCA, phản ánh chính sách của tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là tập trung xây dựng quan hệ gần gũi với các nước trong khu vực, theo Reuters.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định việc phân định biên giới biển sẽ nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau và thiện chí giữa Ấn Độ và Bangladesh. Bộ này cũng nhất trí rằng kết thúc tranh chấp mở đường cho việc phát triển kinh tế ở khu vực thuộc vịnh Bengal nói trên và sẽ mang lại lợi ích cho hai quốc gia.

Phán quyết của PCA kết thúc quá trình phân xử vụ tranh chấp biên giới với Ấn Độ và Myanmar do Bangladesh khởi kiện vào năm 2009 theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS).

Tranh chấp biển giữa Bangladesh và Myamar đã được giải quyết vào năm 2012 sau khi được  Tòa án quốc tế về Luật Biển ở Đức phân xử, theo Reuters.

Hồi tháng 5.2014, Indonesia và Philippines đã ký hiệp ước phân định vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn sau 20 năm đàm phán. Trong bài phân tích trên chuyên san The Dilopmat, Đại sứ Indonesia tại Bỉ, Luxembourg và EU Arif Havas Oegrosen, người từng tham gia đàm phán hiệp ước trên, cho hay đàm phán đã thành công sau khi Philippines chịu bỏ qua yếu tố lịch sử và tuân theo UNCLOS.

Từ đó, ông Oegrosen cho rằng cách giải quyết tranh chấp biển giữa Indonesia và Philippines có thể là bài tham khảo quan trọng cho các bên tranh chấp ở biển Đông.

Văn Khoa
 

 

Với cách làm của các nước hiện nay trong việc xử lý tranh chấp chủ quyền biên giới biển đều được đưa ra Tòa án trọng tài quốc tế về luật biển phán quyết và rất thành công. Không còn chần chừ gì nữa, đây là thời điểm thích hợp là cơ hội vì đã được rất nhiều học giả, các nhà chính trị và người dân của các nước trên thế giới ủng hộ. Đề nghị Việt nam cần sớm khởi kiện Trung quốc về chủ quyền biển đông đối với quần đảo Hoàng sa và một số đảo Trường sa mà hiện nay Trung quốc đã dùng vũ lực để chiếm đóng.
MINH TRÍ

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây