Trước đó, báo Washington Post đăng tải thông tin rò rỉ từ tài liệu dài 6.300 trang của Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ kết luận CIA đã lừa dối chính phủ và công chúng về chương trình tra tấn dã man nhưng không đem lại mấy hiệu quả. Năm 2009, Tổng thống Barack Obama đã phải cho hủy chương trình này.
Tra tấn dã man
"Việc tạo ra các “địa điểm đen” bí mật trong dài hạn và việc sử dụng cái gọi là “kỹ thuật tăng cường thẩm vấn” là những sai lầm khủng khiếp" Nữ thượng nghị sĩ Dianne Feinstein |
Theo các quan chức đã xem qua tập tài liệu, CIA đã che giấu chi tiết về tính tàn bạo của các vụ bắt cóc bí mật hoặc tra tấn nhằm moi thông tin, trong khi đó lại phóng đại tầm quan trọng về âm mưu của các tù nhân. Báo cáo cũng trích dẫn các trường hợp quan chức tại trụ sở CIA yêu cầu nhân viên tiếp tục tra tấn tù nhân ngay cả khi các nhà phân tích chuyên môn cho rằng không còn thông tin hữu ích gì có thể khai thác thêm.
Để viết ra bản báo cáo dài 6.300 trang, Ủy ban tình báo Thượng viện đã tìm hiểu hơn 6 triệu tài liệu mật, bao gồm các nghiên cứu cụ thể của gần như mỗi tù nhân từng bị CIA giam giữ tại các “địa điểm đen” kể từ năm 2001.
Một trong những ví dụ điển hình là Abu Zubaydah, người Palestine sinh tại Saudi Arabia. Ông Zubaydah bị bắt tại Pakistan năm 2002, bị đưa vào các nhà tù bí mật và bị CIA trấn nước 83 lần trước khi bị tống vào nhà tù vịnh Guantanamo năm 2006.
Một quan chức đã tiếp cận tập tài liệu tiết lộ với Washington Post rằng CIA đã thông tin sai lệch rằng Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã thẩm vấn ông Zubaydah từ một bệnh viện tại Pakistan và CIA chỉ thu giữ thông tin thẩm vấn như kết quả của một cuộc “tăng cường thẩm vấn”. Quan chức giấu tên trên cũng cho biết ủy ban đã phát hiện một loạt báo cáo sai tương tự từ các quan chức cấp cao của CIA.
Ngoài ra, ủy ban cũng có bằng chứng cho thấy CIA phóng đại tầm quan trọng của các tù nhân. Điển hình là trong báo cáo ban đầu của CIA, ông Zubaydah là một thành viên cấp cao của Al-Qaeda nhưng sau đó CIA thừa nhận ông Zubaydah chỉ là một thành viên cấp thấp.
Tạo tranh luận về CIA
Theo báo Telegraph, báo cáo của Ủy ban tình báo Thượng viện có khả năng làm hỏng tuyên bố của các quan chức chính quyền thời tổng thống George W. Bush, trong đó có phó tổng thống Dick Cheney, rằng cái gọi là “tăng cường thẩm vấn” là một công cụ thiết yếu trong cuộc chiến với khủng bố cũng như việc săn lùng trùm khủng bố Osama bin Laden.
Bên cạnh đó, ủy ban cũng có kế hoạch cung cấp một phác đồ chi tiết các cuộc thẩm vấn kèm tra tấn của CIA để hỗ trợ kết luận của ủy ban về việc chính quyền tổng thống Bush sử dụng các phương pháp tra tấn sau sự kiện 11-9-2001 là “sai lầm tai hại”.
Các nhóm hoạt động về quyền dân sự, luật sư và các chuyên gia đang trông đợi việc giải mật bản tóm tắt của báo cáo và cho rằng công chúng Mỹ - những người không bao giờ chấp nhận hoàn toàn thực tế về các cuộc tra tấn của CIA - nên cảnh tỉnh.
“Báo cáo sẽ đặt dấu chấm hết cho các thẩm vấn tăng cường dối trá và ghê tởm và sẽ giúp kết thúc huyền thoại từng được công chúng Mỹ tiếp thu, được truyền bá bởi Dick Cheney và những người khác rằng tra tấn là hợp pháp, hiệu quả và cần thiết. Thực tế thì không phải vậy” - cựu luật sư cấp cao của hải quân Mỹ Alberto Mora nhìn nhận.
Các quan chức Mỹ cho biết ủy ban đã kiềm chế trong việc định ra động cơ trong các hoạt động của CIA. Báo cáo cũng không yêu cầu các hình phạt mới hay điều tra hình sự thêm nữa về chương trình mà Bộ Tư pháp Mỹ đã điều tra nhiều lần. Tuy nhiên, Washington Post khẳng định việc giải mật tài liệu sẽ đưa đến một cuộc tranh luận công khai về một giai đoạn gây tranh cãi nhất trong lịch sử CIA. Trong khi đó người phát ngôn CIA từ chối đưa ra bình luận với lý do chưa tiếp cận chính thức phiên bản cuối cùng của báo cáo trên.
ANH THƯ
Khẩu chiến
Ủy ban tình báo Thượng viện đã thông qua các kết luận mang tính chỉ trích CIA trong tháng 12-2012, nhưng kể từ đó đến nay ủy ban luôn vướng vào những tranh cãi gay gắt với chính CIA. Gần đây, một cuộc khẩu chiến trên truyền thông đã nổ ra giữa hai đơn vị này khi Chủ tịch Ủy ban tình báo Thượng viện Dianne Feinstein cáo buộc CIA xâm nhập trái phép các máy vi tính của nhân viên làm việc tại quốc hội khi những nhân viên này nhận lệnh điều tra về phương pháp làm việc của CIA trong quá trình giam giữ và thẩm vấn thời ông Bush. Trong khi đó, CIA luôn lên tiếng phủ nhận các cáo buộc trên.
Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...