Trung Quốc đóng giàn khoan mới Hải Dương-982 đưa xuống Biển Đông

Thứ tư - 29/07/2015 05:02 - Đã xem: 773
Sau khi hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou-981 (Hải Dương-981) vào vùng biển Việt Nam hồi năm 2014, Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc tuyên bố đã bắt đầu đóng giàn khoan Hải Dương-982 từ ngày 1.7 và sẽ đưa giàn khoan mới này xuống Biển Đông, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin.
Giàn khoan Hải Dương-982 đang được đóng ở xưởng đóng tàu Đại Liên là loại giàn khoan nửa nổi nửa chìm, trang tin Want China Times (Đài Loan) ngày 28.7 dẫn lại thông tin từ CCTV.
Được thiết kế là giàn khoan nửa nổi nửa chìm thế hệ thứ 6, Hải Dương-982 có thể chịu được những cơn bão lớn, được trang bị thiết bị định vị tiên tiến. Giàn khoan có thể hoạt động tại vùng biển sâu 1.524 m và khoan ở độ sâu 9.144 m.
CCTV dẫn lời một nguồn tin ẩn danh của Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc tiết lộ giàn khoan Hải Dương-982 có sức chứa đến 180 công nhân. Nguồn tin còn cho hay Hải Dương-982 “có thể kết nối với những sân bay, cảng, và ụ nổi được thiết lập sẵn trên Biển Đông”.
Theo nguồn tin này, giàn khoan Hải Dương-982 sẽ được hoàn tất vào cuối năm 2016 và được chuyển giao cho Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) khai thác, sử dụng.
Căng thẳng ở Biển Đông leo thang sau khi Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển Việt Nam hồi đầu tháng 5.2014 và các tàu Trung Quốc đã đâm húc các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam trên vùng biển Việt Nam. Trung Quốc cũng điều máy bay và tàu quân sự đến khu vực hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương-981 trên vùng biển Việt Nam.
Đến ngày 15.7.2014, Trung Quốc đã kéo giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển Việt Nam về đảo Hải Nam, được cho là để tránh bão, và ngang ngược tuyên bố rằng hoạt động thăm dò tại Biển Đông đã hoàn tất.
Vào tháng 6.2015, Trung Quốc đã thông báo đưa giàn khoan Hải Dương-981 trở lại Biển Đông, tại vùng biển gần với quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Trung Quốc đang tăng cường hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam để bành trướng quân sự, củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý "đường lưỡi bò" nuốt trọn gần cả Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Việt Nam, Mỹ và các nước trong khu vực.

Phúc Duy

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây