Nhắc lại chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đại sứ Ted Osius cho biết trong cuộc gặp “rất thực chất” giữa Tổng bí thư và Tổng thống Barack Obama, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận các vấn đề có tầm quan trọng to lớn đối với cả hai bên. Hai nhà lãnh đạo đã khẳng định họ tôn trọng hệ thống chính trị của nhau và đã thảo luận về tương lai mối quan hệ hai nước, vấn đề Biển Đông và tự do hàng hải, quan hệ an ninh bao gồm cả hợp tác gìn giữ hòa bình, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, nhân quyền, vai trò của người Mỹ gốc Việt... Theo Đại sứ Osius, quan hệ Việt - Mỹ hiện đang tốt nhất từ trước đến nay.
Khoảnh khắc lịch sử
Chia sẻ cảm xúc khi tham dự cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo, Đại sứ Osius nhớ lại: “Khi tôi ở trong phòng Bầu dục, cả Tổng thống Obama và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đều ở đó, cả Phó tổng thống Mỹ và các quan chức Đảng Cộng sản VN. Tôi đã phải tự cấu vào mặt mình vì không thể tin nổi chuyện này đang xảy ra, tôi rất hạnh phúc”.
Theo Đại sứ Mỹ, khi đến VN cuối năm 2014, ông đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyến thăm này. “Đó đúng là một khoảnh khắc lịch sử trong quan hệ hai nước. Cả hai nhà lãnh đạo đều tập trung, chuẩn bị rất kỹ, thoải mái và đạt nhiều tiến bộ khi thảo luận những vấn đề rất quan trọng”, Đại sứ Osius chia sẻ. Tuy vậy, theo ông Osius, quá trình hòa giải giữa hai nước là một chặng đường liên tục mà một chuyến thăm không thể hoàn tất được.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc chuyến thăm Mỹ thành công vừa qua của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như chuyến thăm sắp tới đến Nhật Bản sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ VN - Trung Quốc - Mỹ, Đại sứ Ted Osius khẳng định VN có chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ cũng như mong muốn có quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước trong khu vực. “Về phía Mỹ, chúng tôi ủng hộ việc VN có quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng”, Đại sứ nói.
Tôn trọng khác biệt chính trị
Trước câu hỏi về ý nghĩa thực chất của việc hai bên “tôn trọng thể chế chính trị của nhau”, Đại sứ Osius cho biết nguyên tắc này đã được thống nhất từ 2013 khi VN và Mỹ trở thành đối tác toàn diện. Trong cuộc hội đàm giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Obama, trong Tuyên bố chung Việt - Mỹ vừa qua điều này tiếp tục được nhắc lại. “Bất chấp việc có hệ thống chính trị khác nhau, chúng ta vẫn có thể làm sâu sắc thêm quan hệ về chính trị, an ninh, kinh tế, quan hệ nhân dân hai nước. Chúng ta không cần phải có hệ thống chính trị giống hệt nhau để hợp tác đẩy mạnh quan hệ”, Đại sứ Osius nói.
Chia sẻ câu chuyện khi tiếp xúc với cộng đồng người Mỹ gốc Việt hồi giữa tháng 7.2015 tại California, Đại sứ Osius cho biết đã nhận được câu hỏi Mỹ sẽ có chương trình gì để thay đổi hệ thống chính trị, chính quyền VN? “Tôi trả lời đó không phải là chính sách của Mỹ. Chính sách của Mỹ là tôn trọng sự khác biệt trong hệ thống chính trị của các quốc gia khác. Đây là một điều rất thực tế. Nếu chúng tôi muốn xây dựng quan hệ với một quốc gia khác, chúng tôi không thể không tôn trọng hệ thống chính trị của nước đó. Câu trả lời của tôi là điều mà những người hỏi không muốn nghe nhưng tôi phải nói rất rõ điều đó. Chúng tôi muốn thấy một nước VN vững mạnh, thịnh vượng, độc lập, tôn trọng dân chủ, nhân quyền và pháp quyền. VN thành công thì điều đó cũng nằm trong lợi ích của Mỹ”, Đại sứ Osius nói.
Ngoại trưởng John Kerry sẽ thăm VN Theo Đại sứ Ted Osius, trong tháng tới, Ngoại trưởng John Kerry có mặt tại Hà Nội. Trong chuyến thăm này, ông Kerry làm việc với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; dự các hoạt động đặc biệt kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ Việt - Mỹ. Ngoài ra, Chánh án Tòa án tối cao Mỹ John Roberts cũng sẽ đến VN trong một chuyến thăm quan trọng khác. Đây là lần đầu tiên một Chánh án Tòa án tối cao Mỹ thăm VN. |