Học giả Anh: 'Chiến lược Biển Đông của Trung Quốc đến đoạn cao trào'

Thứ hai - 22/09/2014 23:08 - Đã xem: 1085
Sau nhiều năm giấu lực chờ thời, qua khoảng 5 năm của giai đoạn "ấp trứng", đến năm nay, chiến lược Biển Đông của Trung Quốc bước sang thời nở rộ các hành động trên thực địa, giáo sư chính trị của trường Kinh tế và Chính trị London nhận xét.
v-6216-1411031566.jpg

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu của Việt Nam hồi tháng 5 vừa qua gần quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: Nguyễn Đông

Theo giáo sư Christopher Hughes, Trưởng ban Hợp tác Quốc tế tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE), tham vọng của Trung Quốc đối với Biển Đông thể hiện rõ ở đường chín đoạn, chiếm giữ phần lớn cả vùng biển. Các việc làm từ nhiều năm nay cho thấy quyết tâm của lãnh đạo Bắc Kinh, không ngừng lấn tới.

Năm 2009, ông Hughes phân tích, là một điểm quan trọng trong bức tranh tổng thể tranh chấp ở Biển Đông, khi Trung Quốc lần đầu tiên công bố đường chín đoạn trong tài liệu chính thức quốc tế, gửi lên Liên Hợp Quốc.

"Giai đoạn trước 2009 là thời kỳ Trung Quốc chờ đợi và che giấu năng lực. Từ 2009 đến 2013, Bắc Kinh ấp ủ các kế hoạch của mình và năm 2014 là thời điểm bùng phát các hoạt động thực tế trên Biển Đông", ông nói tại một hội thảo mới đây ở Hà Nội, trước sự hiện diện của một số nhà ngoại giao, học giả và phóng viên.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, Trung Quốc đã ráo riết thúc đẩy tham vọng của mình trên mặt trận ngoại giao và có xu hướng không thỏa hiệp với các nước cùng có tranh chấp ở Biển Đông. Đặc biệt đáng chú ý là tháng 5 vừa rồi, Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở gần Hoàng Sa, ông Hughes nhận xét.

Trung Quốc cũng tiếp tục áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương hằng năm trên diện tích đến hơn 60% Biển Đông nhằm ngăn cản tàu thuyền và ngư dân các nước khác đánh bắt. Bắc Kinh cũng tiếp tục và tăng cường quyết liệt hơn nữa việc bao vây, ngăn không cho các tàu của Philippines tiếp tế cho các đơn vị đồn trú trên Bãi Cỏ Mây, tên quốc tế là Second Thomas Shoal, nơi Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền.

Có thể xem quá trình Trung Quốc giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham trên Biển Đông từ tay Philippines là một hình mẫu cho thấy chiến lược và chiến thuật của họ, giáo sư Hughes phân tích. Bãi cạn này có tầm quan trọng cả về thực thể và pháp lý. Nó nổi trên mặt nước mà lại không có người ở. Nó là đối tượng tranh chấp song phương chứ không phải đa phương. Sau khi đưa lực lượng tàu chính phủ áp đảo tàu của Philippines, Trung Quốc ở lỳ từ tháng 6/2012 nhằm đạt cho bằng được "một nguyên trạng mới", bất chấp sự phản đối của các tàu bè cũng như nỗ lực phản đối ngoại giao của Philippines.

Để nắm chắc lấy những điều mình muốn, Trung Quốc thực hiện chiến thuật tổng hợp, như một nắm đấm gồm sức lực gộp lại của nhiều ngón tay. Giáo sư Hughes chỉ ra 5 "ngón tay" đó gồm: sử dụng sức mạnh của đội tàu trên biển để bảo vệ tàu Trung Quốc và gây khó cho tàu cá đối phương; áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá; phô trương sức mạnh hải quân; sử dụng các yếu tố kinh tế xã hội - chẳng hạn hạn chế du lịch và nhập khẩu; và sáp nhập các cơ quan liên quan đến vùng biển tranh chấp vào một Văn phòng đại dương để thống nhất hợp lực đối phó với các bên tranh chấp.

Trong khi ngày càng quyết đoán hơn trong các đòi hỏi chủ quyền với các nước láng giềng, Bắc Kinh không quên các đối sách nhằm lôi kéo ủng hộ và tạo sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Giáo sư Hughes cho rằng tư duy mới về ngoại giao mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra năm ngoái về chiến lược quan hệ với các láng giềng là rất đáng chú ý. Theo các chuyên gia, chiến lược "ngoại giao đa chiều" này nhằm tạo sự phụ thuộc lẫn nhau không chỉ chính trị mà cả kinh tế giữa các nước khu vực. Một minh chứng cho "ngoại giao đa chiều" là ý tưởng về con đường tơ lụa với các nước Nam Á, tạo sự gắn kết hơn giữa Trung Quốc với các hàng xóm phía tây, trong khi nước này đang vướng vào tranh chấp với các nước phía đông.

Chiến lược này của ông Tập cũng có nhiều điểm yếu mà các nước đang tranh chấp với Trung Quốc có thể nhận ra, có thể giúp ích cho họ trong việc giải quyết bất đồng. Những cam kết và dòng đầu tư từ Trung Quốc với các nước Nam Á, như Myanmar chẳng hạn, đồng thời đem đến hy vọng cho các nền kinh tế khát vốn, và mang theo cả "những khái niệm về thuộc địa mới" và sự phụ thuộc, theo giáo sư Hughes. Đã xuất hiện những ý kiến tiêu cực từ công chúng Myanmar dẫn đến các cuộc biểu tình gây đình trệ các dự án đầu tư của Trung Quốc.

Ở phía đông, nơi Trung Quốc tranh chấp trên Biển Đông và Hoa Đông, Nhật Bản ngày càng củng cố lực lượng phòng vệ và mở rộng hợp tác với các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Philippines đang hối hả nâng cấp hải quân và mời Mỹ đưa quân tới luân phiên ở căn cứ. Mỹ tỏ rõ quyết tâm xoay trục về châu Á Thái bình dương và cam kết đứng về đồng minh Nhật Bản trong tranh chấp chủ quyền.

Những diễn biến này khiến cho việc hiện thực hóa mục tiêu chiếm dần từng thực thể trên biển và tiến tới kiểm soát các vùng biển tranh chấp của Trung Quốc sẽ không dễ dàng, theo ông Hughes, bởi "luật pháp quốc tế và chính phủ các nước sẽ không chấp nhận và không công nhận kiểu chiếm giữ như thời thế kỷ 19".

Việt Anh


Nguồn tin: Báo Vnexpress

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây