Bàn việc giải quyết tranh chấp bằng pháp luật quốc tế

Chủ nhật - 27/07/2014 21:20 - Đã xem: 1120
Hội thảo quốc tế biển Đông diễn ra tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TPHCM) trong 2 ngày 25-26.7, có 60 nhà khoa học trong nước và quốc tế tham dự với 19 báo cáo khoa học. Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Lê Văn Út - thành viên Ban Tổ chức hội thảo - về một số nội dung liên quan đến hội thảo.

TS Lê Văn Út - thành viên Ban Tổ chức Hội thảo quốc tế về biển Đông - cho biết:

- Sau thời gian dài chuẩn bị (từ năm 2012), đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho Hội thảo quốc tế về biển Đông 2014 hoàn tất với hàng trăm báo cáo viên và khách mời. Hội thảo diễn ra sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (VN); vì thế nhiều người nghĩ rằng, hội thảo sẽ bàn về chính trị, chủ quyền hơn là về khoa học. Tuy nhiên, mục tiêu chính của hội thảo là bàn luận về việc giải quyết các tranh chấp trên biển Đông bằng pháp luật quốc tế.
- Các báo cáo viên, nhà khoa học quốc tế đến từ bao nhiêu quốc gia, họ có sự quan tâm như thế nào đến tình hình biển Đông và quan hệ với VN, thưa ông?
- Báo cáo viên là các nhà khoa học VN, Nga, Ấn Độ, Mỹ, Australia, Philippines, Malaysia, Thụy Điển, Singapore... Tiêu biểu là GS Nguyễn Mạnh Hùng thuộc Đại học George Mason (Mỹ), GS Ramses Amer thuộc Viện An ninh và Chính sách phát triển (Thụy Điển), GS Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, TS-S.D Pradhan thuộc Đại học Chandigarh và là nguyên Phó Cố vấn an ninh của Thủ tướng Ấn Độ. Tất nhiên là các báo cáo viên, các học giả gửi bài có sự quan tâm đặc biệt về tình hình vừa qua trên biển Đông, bởi họ không chỉ là những nhà khoa học, mà còn là những nhà phân tích, bình luận nổi tiếng về các vấn đề liên quan đến biển Đông từ trước đến nay. Có thể nói rằng, tất cả các học giả này đều có tình cảm rất tốt đẹp với VN.
 Bản đồ hình lưỡi bò thể hiện âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc đang gây nên phản ứng từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Cần nhấn mạnh rằng, Trung Quốc cũng có học giả gửi bài tham luận đến hội thảo, đó là TS Cao Qun thuộc Trung tâm An ninh hàng hải và Hợp tác thuộc Đại học Bắc Kinh. Lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) không gửi bài tham gia, nhưng có hai học giả đến dự.

- Đã có nhiều hội thảo về biển Đông trong những năm qua; gần đây nhất cũng có một hội thảo tại Đà Nẵng, vậy thì sự khác biệt của hội thảo lần này là gì, sẽ cung cấp thông tin, tư liệu, phát hiện khoa học gì mới nhất về biển Đông, thưa ông?

- Chúng tôi không bàn về xung đột, chủ quyền lãnh thổ hay lịch sử quan hệ; chỉ quan tâm làm thế nào để quản lý và giải quyết các tranh chấp hiện nay bằng luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực; cũng như các biện pháp bảo vệ quyền mưu sinh hợp lý của ngư dân trên vùng biển có tranh chấp. Các báo cáo vì thế, sẽ tập trung nhiều hơn đến chính sách quản lý xung đột và giải quyết tranh chấp trên nền tảng luật pháp quốc tế và ngoại giao để bảo đảm biển Đông thành một khu vực hòa bình, hợp tác và thịnh vượng.

- Ông có thể cho biết, Trường ĐH Tôn Đức Thắng sẽ sử dụng tư liệu từ hội thảo để phục vụ cho công việc nghiên cứu, hay còn phục vụ những mục đích khác ở tầm quốc gia và quốc tế?

- Cán bộ nghiên cứu của Trường ĐH Tôn Đức Thắng có báo cáo được đăng trong kỷ yếu của hội thảo này. Kỷ yếu được công bố rộng rãi tại hội thảo và chúng tôi tin tưởng rằng, đây sẽ là tài liệu rất bổ ích cho những nhà nghiên cứu về biển Đông trong nước và trên thế giới, vì có nhiều bài viết với chất lượng chuyên môn rất sâu của các học giả uy tín. Bên cạnh đó, BTC cũng có dự định, ngay từ đầu, là sau khi hội thảo chắt lọc xong những nội dung được các học giả thống nhất, chúng tôi sẽ làm việc với một nhà xuất bản có uy tín ở nước ngoài để in toàn bộ kỷ yếu thành sách, gửi tặng tất cả các viện nghiên cứu, trường đại học, thư viện trên toàn thế giới, để mọi người cùng biết về nội dung của hội thảo.

- Hiện đội ngũ chuyên gia về biển Đông và chuyên gia luật quốc tế liên quan đến tranh chấp lãnh thổ của VN còn ít, không đủ để đáp ứng công việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, tranh tụng quốc tế. Trường ĐH Tôn Đức Thắng có chủ trương, kế hoạch đào tạo các chuyên ngành này không, thưa ông?

- Hiện nay chúng tôi đã có bộ môn luật, trong năm nay sẽ được nâng lên thành khoa, trong đó sẽ có các ngành công pháp, tư pháp và kinh tế quốc tế. Chúng tôi hy vọng, những cử nhân luật do chúng tôi đào tạo trong tương lai sẽ góp phần bổ sung vào lực lượng các chuyên gia về luật có thể tham gia tranh tụng quốc tế đối với các tranh chấp về chủ quyền ranh giới và biển đảo như sự thành công mà xã hội đã tin cậy đối với các cử nhân và kỹ sư đã tốt nghiệp từ trường này trong 17 năm qua.

- Xin cảm ơn ông!


Nguồn tin: Lao Động Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây