Ngày 8-6, tờ China Times cho rằng, căng thẳng lãnh thổ giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines sau việc Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 (HD-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mới chỉ là khúc dạo đầu cho 1 thời kỳ xung đột kéo dài giữa Bắc Kinh với 2 nước láng giềng Đông Nam Á. Cũng trong ngày 8-6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại ngang ngược tuyên bố: Giàn khoan HD-981 nằm trong vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc; đồng thời trơ trẽn tố cáo cái gọi là Việt Nam có hành động khiêu khích Trung Quốc. Trước đó (5-6), tờ China Times dẫn phân tích của tờ Đa Chiều (tờ báo của người Hoa hải ngoại) cho rằng, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẵn sàng chuẩn bị cho 1 hoặc 2 cuộc chiến tranh nhằm khẳng định vị thế của Bắc Kinh trong khu vực. Bởi ông Tập Cận Bình tự đặt cho mình 2 mục tiêu đầy tham vọng, đó là người dân Trung Quốc sẽ có cuộc sống khá giả vào năm 2020 và xây dựng Trung Quốc trở thành quốc gia dân chủ hiện đại vào năm 2049.
Chỉ muốn làm theo cách của mình
Ngày 7-6, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, Trung Quốc đang lên kế hoạch biến một số bãi đá tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) thành những hòn đảo nhân tạo nhằm tìm cách mở rộng chỗ cắm chân trên Biển Đông. Và nếu kế hoạch này được chấp thuận sẽ là dấu hiệu nữa của thay đổi chiến lược từ cái gọi là phòng thủ sang tấn công của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo giới chuyên môn, đây là một trong những động thái để Bắc Kinh tiến tới áp đặt ADIZ trên Biển Đông.
Ngày 7-6, người phát ngôn của Tổng thống Philippines, bà Abigail Valte cho biết, Manila đang điều tra những thông tin cho rằng, Trung Quốc đã gây tổn hại các bãi đá ngầm trong nỗ lực biến 2 bãi đá ở Biển Đông thành 2 hòn đảo. Trang tin Rappler của Philippines dẫn lời Ngoại trưởng Albert del Rosario: Nếu khẳng định Trung Quốc tăng cường sự hiện diện trong vùng biển đang có tranh chấp thì Manila sẽ chính thức phản đối Bắc Kinh làm thay đổi nguyên trạng các vùng biển đang có tranh chấp, vi phạm DOC. Tuyên bố này diễn ra sau khi tờ Straits Times dẫn lời Tổng thống Benigno Aquino cho biết (5-6), Trung Quốc đã điều tàu và có thể sẽ thay đổi hiện trạng 2 bãi đá ở Trường Sa. Giới truyền thông Đài Loan từng dẫn lại thông tin của tờ Global Times cho rằng, Trung Quốc dự tính xây đảo nhân tạo (với căn cứ không quân và cảng hải quân) gần đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, để cạnh tranh với Việt Nam và Philippines trong những tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Philipines Voltaire Gazmin
Ngày 5-6, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc vừa ấn hành cuốn sách vu cáo trắng trợn Việt Nam và Philippines đã cướp ASEAN để tranh thủ sự ủng hộ của khối trong vấn đề Biển Đông, chia rẽ Trung Quốc với láng giềng; đồng thời cáo buộc thế lực bên ngoài như Mỹ, Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam và Philippines khai thác ASEAN, tạo ra sự chia rẽ và bất ổn?! Dư luận cũng quan tâm tới những biện giải của một số học giả Trung Quốc khi họ đội lốt khoa học để xuyên tạc về Biển Đông. Trong bài viết trên tờ Thời báo Hoàn Cầu và Iternational Herald Leader một số học giả như Hà Tiều Trại, Tôn Tiểu Nghênh, Lục Kiến Nhân làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Quảng Tây đã tìm cách biện giải cho hành động Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Ngày 4-6, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker cho biết, Washington muốn mở rộng quan hệ kinh tế với châu Á - khu vực đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới - nhưng hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông làm nảy sinh tình hình căng thẳng, ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh tại đây. Đồng thời nhấn mạnh, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 với sự hộ tống của nhiều tàu trong vùng biển Việt Nam là hành động khiêu khích và gây thêm căng thẳng, bất ổn, không tốt cho môi trường kinh doanh.
Ngày 5-6, tờ The Straits Times dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nhận định, nguy cơ các cuộc tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông gây thiệt hại cho giao thương tại châu Á là rất thực tế. Đồng thời khẳng định, Trung Quốc phải rõ ràng về tầm nhìn cũng như vị trí của Bắc Kinh trong trật tự thế giới mới.
Không chịu bị lép vế
Ngày 6-6, Hãng Kyodo dẫn lời Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, Tokyo hy vọng Bắc Kinh sẽ minh bạch hơn trong chương trình quốc phòng. Trước đó (5-6), Bộ Quốc phòng Mỹ đã trình Quốc hội nước này với khuyến cáo, Trung Quốc đã khai man ngân sách quốc phòng thấp hơn thực tế tới 20%. Lầu Năm Góc khẳng định, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2013 là gần 145 tỉ USD, cao hơn nhiều con số chính thức 119,5 tỉ USD mà Bắc Kinh công bố.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga
Ngày 5-6, Bộ Quốc phòng Mỹ đã trình lên Quốc hội báo cáo (dày 96 trang) với tựa đề “Những phát triển an ninh và quân sự ở Trung Quốc”, trong đó cảnh báo Washington phải chuẩn bị để đối phó với khả năng xảy ra xung đột. Bởi Trung Quốc đang theo đuổi chương trình hiện đại quân sự toàn diện nhằm cải thiện năng lực đối phó với các tình huống xung đột khẩn cấp, chớp nhoáng và ác liệt trong khu vực như Biển Đông và biển Hoa Đông. Bên cạnh đó, Bắc Kinh đang thể hiện cách hành xử đối đầu và đe dọa trong tranh chấp lãnh thổ sau khi phát triển năng lực tác chiến tầm xa và hiện đại hóa không quân, tàu ngầm.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cảnh báo, Trung Quốc có thể sẽ bắt đầu cho tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo có khả năng đánh chặn tên lửa hạt nhân tuần tra 24/24 trên biển trong năm nay. Lầu Năm Góc tuy không đưa ra con số ước tính về quy mô kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, nhưng theo giới chuyên gia, Bắc Kinh đang có khoảng 250 đầu đạn hạt nhân. Ngày 4-6, trang mạng “Tiêu điểm Trung - Mỹ” đăng bài “Quân đội Mỹ vẫn có thể đe dọa Trung Quốc” của tác giả Benjamin Friedmann. Bài viết bày tỏ lo ngại trước việc Lầu Năm Góc cắt giảm ngân sách và phân tán nguồn lực ở châu Âu và Trung Đông làm suy yếu khả năng hoặc mong muốn tác chiến của Mỹ. Và điều này tạo cơ hội cho Trung Quốc gia tăng khả năng xâm lược lãnh thổ của nước khác.
Ngày 5-6, trang tin quân sự Arms-Tass cho biết, Nhật Bản đã thông qua việc mua 3 máy bay trinh sát không người lái RQ-4 Global Hawk vào năm 2015 với tổng giá trị lên tới 100 tỉ yen nhằm thực hiện nhiệm vụ giám sát và cảnh giới không phận và khu vực biển xung quanh khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trước đó (4-6), Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết, Tokyo sẽ thực hiện mọi biện pháp có thể để giám sát chặt chẽ các hòn đảo xa nhằm ứng phó với tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
Ngày 6-6, lực lượng tuần duyên Nhật Bản cho biết, 2 tàu Trung Quốc đã đi vào vùng lãnh hải rộng 12 hải lý quanh một trong các hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Việc này diễn ra sau khi G7 bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. G7 phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương của bất kỳ nước nào nhằm khẳng định lãnh thổ hay tuyên bố chủ quyền hàng hải thông qua hăm dọa, áp chế hay sử dụng vũ lực. G7 kêu gọi tất cả các bên làm rõ và theo đuổi tuyên bố lãnh thổ, tuyên bố chủ quyền hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế.
Sự ngang ngược của Trung Quốc
Ngày 6-6, Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi (tối 5-6) nguỵ biện cho hành vi gây hấn đối với tàu cá và tàu thực thi pháp luật của Việt Nam tại khu vực Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan dầu khí HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ông Hồng Lỗi cũng ngang nhiên xuyên tạc: tính đến thời điểm này, tàu Việt Nam đã đâm va hơn 1.200 lần vào tàu công vụ Trung Quốc? Thậm chí còn ngạo mạn tuyên bố: Bắc Kinh sẽ không ngần ngại đáp trả đối với bất cứ hành động nào mà Trung Quốc cho là khiêu khích, xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, phá hoại hòa bình và ổn định trên biển!
Ngoài ra, ông Hồng Lỗi đã lớn tiếng đe dọa: G7 hãy đứng ngoài Biển Đông, nhằm phản ứng trước việc G7 ra tuyên bố quan ngại về tình hình biển Hoa Đông và Biển Đông hiện nay. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc không hề ngượng mồm khi cho rằng, Trung Quốc là lực lượng kiên định bảo vệ hòa bình, ổn định biển Hoa Đông và Biển Đông và là nước không muốn nhìn thấy bất cứ sự bất ổn nào ở khu vực này. Mặc dù ông Hồng Lỗi giảo biện, bịa đặt và vu cáo, nhưng vẫn không thể che đậy được âm mưu độc chiếm Biển Đông, gây bất ổn và cố tình phá hoại hòa bình trong khu vực mà Trung Quốc đang tiến hành. Trước đó (4-6), ông Hồng Lỗi cũng đã từ chối phán quyết của Tòa án trọng tài quốc tế khi yêu cầu Bắc Kinh phản biện lại đơn kiện của Philippines trong vòng 6 tháng tới, đồng thời tuyên bố không có kế hoạch tham gia vụ kiện.
Ngày 5-6, tờ Les Echos (Pháp) có bài bình luận “Trung Quốc - cường quốc càng ngày càng hiếu chiến”, trong đó cảnh báo, các hành động gây hấn của Trung Quốc với các quốc gia láng giềng thời gian gầy đây đã cho thấy sự thay đổi về vị thế ngoại giao của Bắc Kinh. Nếu 5 năm trước, Trung Quốc còn được coi là quốc gia hòa bình, thì nay đã trở thành nhân tố gây hấn tiềm tàng trong khu vực.
Ngày 4-6, tờ Wall Street Journal (Mỹ) cho rằng, những động thái hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông là sản phẩm của chính sách đối ngoại thiếu nhất quán, được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh của những cơ quan chính phủ, trong đó kẻ nào hiếu chiến nhất sẽ giành được lợi thế. Và đây không phải là kết quả của một sự hỗn loạn trong chính sách, mà là kế hoạch có chủ ý.
Ngày 9-5-2014, Mỹ và Philippines tập trận đột kích đổ bộ ở Biển Đông
Tâm điểm của thế giới
Ngày 5-6, Hãng Kyodo News đưa tin, Indonesia đã đề xuất họp Ngoại trưởng các nước ASEAN vào tháng 8 để đánh giá những căng thẳng trên Biển Đông và Manila ủng hộ đề xuất này. Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã đưa ra đề xuất này sau những leo thang ngày càng lớn của Trung Quốc để khẳng định “yêu sách chủ quyền” tuyên bố ở Biển Đông. Cũng trong ngày 5-6, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố, các nỗ lực đơn phương nhằm bành trướng lãnh thổ hoàn toàn không thể chấp nhận trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng gây hấn với các láng giềng châu Á.
Phát biểu trước các binh sĩ tại Căn cứ quân sự Aguinaldo hôm 4-6, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin khẳng định, trước những hành động gây hấn hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, Philippines quan ngại chứ không hề lo lắng và sẽ sẵn sàng đối phó với bất kỳ sự quấy rối nào. Tại hội thảo Nikkei ở Tokyo vừa qua, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã đưa ra 2 sự lựa chọn: Hợp tác cùng thịnh vượng và giữ nguyên trạng như hiện nay; hoặc một sự đối đầu, cạnh tranh “bên miệng hố chiến tranh”, thậm chí rơi xuống đó.
Trong bài viết trên tờ The Daily Caller của Mỹ hôm 3-6, luật sư Paul J. Leaf đã kêu gọi, Mỹ phải thôi đứng ngoài cuộc trong khi Trung Quốc tăng cường gây hấn ở Biển Đông. Bởi Bắc Kinh đang đánh giá quyết tâm của Washington khi hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Theo ông Eduardo R. Hernandez, giảng viên của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Marxism Hector P. Agosti, Trung Quốc đã có cách hành xử không đúng trong tranh chấp biển đảo với Việt Nam. Trong bài viết trên trang Brookings.edu, tác giả Jeffrey A.Bader, Giám đốc cấp cao về các vấn đề châu Á trong Hội đồng An ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Barack Obama, đồng thời là cựu Đại sứ Mỹ tại Namibia nhận định, Washington đã kết thúc sự mập mờ của Bắc Kinh về “đường lưỡi bò”. Tiến sĩ William Choong thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) từng chất vấn về việc Trung Quốc tuyên bố đã giải quyết xong tranh chấp biên giới với các nước láng giềng, nhưng tại sao không làm rõ yêu sách “đường lưỡi bò” theo UNCLOS và cố gắng hoàn tất COC.
Ngày 7-6, tờ Bangkok Post đưa tin, Hàn Quốc sẽ tặng Philippines tàu hộ tống lớp Pohang nhằm đối phó với sự ngang ngược của Trung Quốc đang liên tục gia tăng. Trước đó, Hàn Quốc đã tặng Philippines 1 tàu đổ bộ và 16 xuồng cao su sau khi Manila ký thỏa thuận mua 12 máy bay FA-50 của Seoul với tổng giá trị khoảng 421 triệu USD. Ngày 6-6, tờ China Times dẫn lời một số học giả Trung Quốc cho rằng, căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông khó có khả năng leo thang thành xung đột vũ trang thực sự, cho dù Manila đã kiện “đường lưỡi bò” phi pháp của Bắc Kinh lên Tòa án Trọng tài quốc tế. Trong khi đó Hãng IHS Jane’s dẫn nguồn tin từ giới chức quân sự ở Jakarta cho biết, Indonesia sẽ triển khai máy bay trực thăng tấn công đến quần đảo Natuna, và sẽ mua thêm 274 tàu hải quân, 10 phi đội máy bay chiến đấu cùng 12 tàu ngầm diesel thế hệ mới để bảo vệ lãnh thổ. |
PTRTimes