Trung Quốc tiếp tục ngụy biện về Biển Đông

Thứ năm - 28/05/2015 04:58 - Đã xem: 1109
Trung Quốc tiếp tục vi phạm chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa qua việc khởi công phi pháp hai ngọn hải đăng tại đây.
Ngày 26.5, Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc công bố Sách trắng về chiến lược quân sự của nước này, với phần mở đầu lên giọng chỉ trích một số nước láng giềng. Cụ thể, trong Sách trắng được Tân Hoa xã đăng tải, Bắc Kinh ngang nhiên cáo buộc “vài nước láng giềng có hành động khiêu khích và tăng cường hiện diện quân sự trên các bãi đá và đảo mà họ chiếm đóng”.
Chưa hết, tài liệu còn nêu: “Một vài quốc gia bên ngoài cũng can dự vào sự vụ Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông - NV) và một số ít duy trì giám sát trên không, trên biển và do thám Trung Quốc”.
Cáo buộc này được cho là ám chỉ Mỹ sau khi Washington điều chiến hạm tuần tra và máy bay săn ngầm P-8A tuần thám ở vùng biển xung quanh Trường Sa trong thời gian gần đây. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân hôm qua cảnh báo Trung Quốc sẽ có “các biện pháp cần thiết” để ứng phó “những hoạt động do thám ngày càng gia tăng ở khu vực”, theo Reuters.
Ông Dương còn trắng trợn tuyên bố “về phương diện chủ quyền”, các hoạt động xây đắp ở Trường Sa “chẳng có sự khác biệt gì” so với việc xây nhà cửa, đường sá trong đất liền của nước này và các dự án hạ tầng ở đó phục vụ cả mục đích quân sự lẫn dân sự.
Cũng trong ngày hôm qua, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc đã ngang nhiên tổ chức lễ khởi công xây dựng 2 hải đăng ở đá Châu Viên và Gạc Ma nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN. Tân Hoa xã khoe rằng hai ngọn hải đăng đa nhiệm này cao 50 m và đèn trong tháp có thể phát sáng xa đến 22 hải lý. Hành động phi pháp này là sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.
Theo Sách trắng, quân đội Trung Quốc sẽ tập trung vào chiến lược “phòng thủ chủ động” và sẵn sàng bảo vệ “chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển” của nước này. “Chúng ta sẽ không tấn công trừ khi bị tấn công nhưng chúng ta chắc chắn sẽ phản công nếu bị tấn công”, tài liệu đúc kết.
Theo chiến lược trên, hải quân Trung Quốc sẽ “tiếp tục tổ chức đều đặn các cuộc tuần tra sẵn sàng tác chiến và duy trì hiện diện quân sự ở các vùng biển liên quan”. Lực lượng này sẽ dần dần chuyển đổi trọng tâm từ “phòng thủ vùng biển xa bờ” sang chiến lược “bảo vệ các vùng biển mở”. Không quân Trung Quốc cũng sẽ chuyển nhiệm vụ “từ phòng thủ lãnh thổ sang cả phòng thủ lẫn tấn công”, và đang phát triển các khả năng quân sự mạnh mẽ hơn để bảo vệ không phận. Ngoài ra, lực lượng hạt nhân của quân đội Trung Quốc sẽ tăng cường các khả năng răn đe và phản công hạt nhân cũng như các cuộc tấn công chính xác ở tầm trung và tầm xa. Sách trắng mô tả Trung Quốc hiện bị bao vây bởi “các mối đe dọa đến từ bá quyền, chính trị dựa trên sức mạnh và chủ nghĩa can thiệp kiểu mới”, cũng như chủ nghĩa khủng bố và ly khai.
Tài liệu về chiến lược quân sự Trung Quốc được công bố một ngày sau khi tờ Hoàn Cầu thời báo đăng bài xã luận cảnh báo chiến tranh Mỹ - Trung sẽ “không thể tránh khỏi” nếu Mỹ cứ đặt điều kiện Trung Quốc phải dừng các hoạt động xây dựng ở Biển Đông.
Trong một diễn biến khác, hải quân Trung Quốc hôm qua thông báo 2 phi công đã thiệt mạng sau khi một máy bay của lực lượng này đâm xuống một khu dân cư tỉnh Liêu Ninh ngày 13.5, theo Tân Hoa xã. Hai phi công tử nạn vì không kịp nhảy dù sau khi động cơ máy bay phát hỏa.
ASEAN tăng cường sức mạnh cho hải quân
Trước tình trạng Trung Quốc ngày càng bành trướng ở Biển Đông, các nước ASEAN được cho là không thể ngồi yên và đang có những bước nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, trong đó chú trọng hải quân và lực lượng tuần duyên.
Bằng chứng mới nhất là vào ngày 25.5, Đô đốc Ade Supandi, Tham mưu trưởng hải quân Indonesia tuyên bố vừa triển khai 61 tàu chiến để bảo vệ lãnh hải xung quanh quần đảo Riau và ngư dân nước này, theo Hãng tin Antara.
Trong một báo cáo vừa được công bố, chuyên san IHS Jane’s Defence Weekly dự đoán chi tiêu quốc phòng thường niên của 10 nước ASEAN sẽ tăng từ 42 tỉ USD trong năm nay lên 52 tỉ USD trước năm 2020.
Chuyên san này còn dự đoán trong vòng 5 năm tới, 10 nước ASEAN sẽ chi 58 tỉ USD để mua sắm vũ khí, chủ yếu dành cho hải quân. Các nước ASEAN cũng được cho là đang chú trọng tăng cường các khả năng dưới nước. Cụ thể, Singapore vừa đặt mua 2 chiếc tàu ngầm của Đức còn Indonesia đặt hàng 3 chiếc tàu loại này do Hàn Quốc sản xuất.

Văn Khoa

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây