Biển Đông, cuộc đấu tranh không thể khoan nhượng

Thứ hai - 29/06/2015 22:46 - Đã xem: 1263
Bên cạnh việc đấu tranh chống lại các hành động phi lý của nước lớn, chúng ta cũng cần biết bảo vệ mình, cung cấp các thông tin xác thực về những việc làm chính đáng của chúng ta, góp phần định hướng đúng cho dư luận.
Tình hình Biển Đông càng trở nên căng thẳng với nhiều diễn biến phức tạp và khó lường thì cuộc chiến thông tin về tính chính đáng của các yêu sách chủ quyền trên Biển Đông càng thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu và dư luận quốc tế.
 
 
Biển Đông, cuộc đấu tranh không thể khoan nhượng - ảnh 2
Chúng ta phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin tốt nhất, chính xác nhất giúp các học giả thế giới có những định hướng tốt nhất cho cuộc đấu tranh vì lẽ phải và công lý ở Biển Đông
Biển Đông, cuộc đấu tranh không thể khoan nhượng - ảnh 3
 
 
 
Thanh Niên có cuộc trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao, thuộc Học viện Ngoại giao, về cuộc đấu tranh trên mặt trận thông tin để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao là một trong nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam thường xuyên có những bài viết phản bác các luận điệu sai lạc về Biển Đông trên báo chí quốc tế.
Ngày 24.6, tiến sĩ vừa có một bài phản biện trên tạp chí The Diplomat, phản bác các ý kiến sai lạc về số liệu cũng như cách ngụy biện của nhà nghiên cứu người Úc Greg Austin trong vài biết đăng trên cùng tờ báo. Tiến sĩ nhận định thế nào về tác hại của những bài viết tương tự bài viết của ông Austin nếu không được phản biện kịp thời, đặc biệt khi nó xuất hiện trên các tờ báo uy tín và có lượng độc giả đông đảo?
Thời gian gần đây, thế giới lên tiếng lo ngại nhiều về những hành động lấn biển tạo đảo của Trung Quốc ở Biển Đông với quy mô và mức độ chưa từng có, nhằm hợp pháp hóa yêu sách đường 9 đoạn, đe dọa hòa bình, ổn định và an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông.
Trung Quốc đã có vài bước điều chỉnh chiến thuật như: tuyên bố sắp hoàn tất lấn biển tạo đảo, sẽ đi vào củng cố các cơ sở vừa xây dựng; phàn nàn thế giới không hiểu Trung Quốc, rằng họ là những người kiềm chế nhất và thậm chí còn là nạn nhân của các nước nhỏ như Việt Nam và Philippines; chủ động tuyên truyền đối ngoại, vận động một số bài báo ủng hộ. Cách làm này sẽ tác động tâm lý rất lớn tới độc giả nếu có những bài báo không khách quan, cung cấp thông tin không thật chính xác hay cố tình mập mờ gây hoang mang nghi ngờ, xuất hiện trên các tờ báo lớn có uy tín quốc tế.
Cách đây một tháng, trên Thanh Niên tôi đã có bài Chiến tranh dư luận trên Biển Đông và Sức mạnh của các tác phẩm hư cấuvề cuốn phim mới Đạo Mộ sự ký, trong đó cảnh báo về chiến lược Tam chiến của Trung Quốc.
Để đấu tranh cho sự thực, cho công lý, điều quan trọng là bên cạnh việc đấu tranh chống lại các hành động phi lý của nước lớn, chúng ta cũng cần biết bảo vệ mình, cung cấp các thông tin xác thực về những việc làm chính đáng của chúng ta, góp phần định hướng đúng cho dư luận. Chúng ta đã công khai tên 21 thực thể mà chúng ta đóng quân từ năm 1988. Chúng ta đã kiềm chế theo đúng tinh thần của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC 2002), không mở rộng chiếm đóng mới. Nhưng chúng ta chưa kịp thời thông báo chúng ta có bao nhiêu điểm đóng quân trên cùng một thực thể để một số tác giả lợi dụng tung tin Việt Nam chiếm giữ 48 thực thể trong Trường Sa, coi Việt Nam là kẻ gây hấn lớn nhất ở Biển Đông, trong khi chúng ta là bên có chủ quyền chính đáng, chúng ta tuân thủ luật quốc tế và các cam kết khu vực. Qua vụ việc này các cơ quan hữu quan, nhất là báo chí sẽ có những biện pháp kịp thời giúp độc giả đánh giá đúng hơn tình hình đầy phức tạp ở Biển Đông.
Thời gian qua, có một số tiếng nói có vẻ “thân Trung Quốc” xuất hiện nhiều trên báo chí thế giới. Nó có phải là một phần chiến tranh thông tin trong lý thuyết Tam chiến của Trung Quốc hay không? Để đối phó với việc này, phía Việt Nam, cụ thể là giới nghiên cứu, cần làm gì?
Khi chúng ta nhận xét thời gian gần đây có nhiều bài “thân Trung Quốc” xuất hiện trên báo chí thế giới thì cũng nên ghi nhận rất nhiều tiếng nói, bài viết có vẻ “thân Việt Nam, Philippines”. Khi Greg Austin viết bài Ai là kẻ gây hấn nhất ở Biển Đông? (Who is the biggest aggressor in the South China Sea? - The Diplomat, 18.6.2015) thì Giáo sư Carl Thayer có ngay bài phúc đáp, bác bỏ quan điểm của học giả trên. Khi Sam Bateman có bài Những nguy cơ từ các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông(The risks of US freedom of navigation operations in the South China Sea - East Asia Forum, 1.6.2015) khuyên Mỹ không nên căng thẳng với Trung Quốc về quyền tự do hàng hải ở Biển Đông thì Raul (Pete) Pedrozo phản biện lại bằng bài Đừng do dự về tự do hàng hải ở Biển Đông (Don’t go wobbly on freedom of navigation in the South China Sea - East Asia Forum, 25.6.2015).
Rõ ràng đang có một cuộc chiến tranh luận trên báo chí quốc tế về tính chính đáng của các yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, về những hành động đi ngược lại ước vọng hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế của khu vực và thế giới.
Để đáp ứng kịp thời nhu cầu hiểu biết của cộng đồng quốc tế, các căn cứ pháp lý lịch sử cũng như lập luận của mình, các bên tranh chấp đều có chiến lược tuyên truyền của mình. Không loại trừ một số học giả có thể được mời mọc bằng nhiều hình thức khác nhau như thông qua kênh tài trợ các công trình nghiên cứu hay fellowship (học bổng giao lưu ngắn hạn - NV), mời tham dự hội thảo có chủ đích, tạo điều kiện tiếp cận các thông tin, chứng cứ, dữ liệu, quan điểm từ phía Trung Quốc. Cũng có thể một số tác giả không nghiên cứu kỹ, sử dụng những bằng chứng của Trung Quốc mà không kiểm tra nguồn một cách rõ ràng.
Cũng có những tác giả nhìn nhận vấn đề trỗi dậy của Trung Quốc là yếu tố có lợi hơn là tranh đấu mấy hòn đá nhỏ li ti ở Biển Đông. Nỗi lo sợ Biển Đông sẽ trở thành ngòi nổ cho Thế chiến thứ ba sẽ dễ chấp nhận lập luận của Trung Quốc không muốn có thêm sự can thiệp của bên thứ ba vào tiến trình giải quyết tranh chấp.
Chúng ta cần nhìn nhận sự phức tạp và các luồng tâm lý đó trong cuộc chiến báo chí về Biển Đông. Chúng ta vui mừng vì đa số các tác giả, nhà nghiên cứu khách quan, khoa học, song cũng nhận thấy họ cũng có những hạn chế không trực tiếp nghiên cứu tài liệu bằng tiếng Trung (nhất là tiếng Trung cổ), tiếp xúc với các tư liệu Hán Nôm của Việt Nam thông qua biên dịch chưa hoàn hảo, tiếp cận các tài liệu chính thống...
Nếu chúng ta quan niệm đây là việc của chúng ta, phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin tốt nhất, chính xác nhất giúp các học giả thế giới có những định hướng tốt nhất cho cuộc đấu tranh vì lẽ phải và công lý ở Biển Đông, thì câu hỏi mà anh đặt ra sẽ có lời giải. Gần đây, tôi nhận thấy có một sự liên kết của các nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước như nhóm của anh Trương Minh Vũ, anh Lê Hồng Hiệp, anh Dương Danh Huy, anh Trần Công Trục hay dự án Đại sự ký Biển Đông đang đi theo hướng đó. Song đây mới chỉ là hoạt động của các cá nhân và các nhóm lẻ. Chúng ta cần có đầu tư và chỉ đạo sâu rộng hơn.
Thời gian qua có nhiều bức ảnh cho thấy về sự xuất hiện với tần suất ngày càng gia tăng của các tàu quân sự Trung Quốc tại các bãi đá mà nước này đang xây dựng cũng như tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông với Malaysia hoặc Philippines. Tiến sĩ nhận xét như thế nào về việc này?
Tình hình Biển Đông đang được các bên theo dõi chặt chẽ. Dù có những phản đối quốc tế hóa Biển Đông nhưng bản thân Biển Đông đã là một vấn đề quốc tế, thu hút sự quan tâm của nhiều nước, của cộng đồng quốc tế.
Các bức ảnh vệ tinh cho thấy các tàu quân sự Trung Quốc ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại các vùng biển xa hơn, không chỉ gần bờ biển Philippines, Việt Nam mà cả Malaysia. Điều này cho thấy Trung Quốc không bao giờ từ bỏ ý định độc chiếm Biển Đông. Malaysia với chính sách ngoại giao ôn hòa cũng buộc phải lên tiếng phản đối đường 9 đoạn của Trung Quốc, cáo buộc các hành vi xâm phạm vùng biển của mình từ các tàu hải quân Trung Quốc.
Bắc Kinh đang mất dần những người bạn, mất dần lòng tin của các nước trong khu vực và ngày càng nhiều nước ý thức được rằng nếu không chung sức ngăn chặn những hành vi bất chấp luật pháp này, ngày mai bạn sẽ là nạn nhân của nó. Một bờ đê vững chãi cần phải được xây dựng và bồi đắp chống lại những cơn sóng vỗ đi ngược lại mong muốn của cộng đồng và luật pháp quốc tế.
Chiến lược sóng vỗ bờ
Tiến sĩ nhận định như thế nào về ý đồ của Trung Quốc qua tuyên bố sắp sửa hoàn tất việc bồi đắp tại các bãi đá mà nước này chiếm giữ phi pháp ở Trường Sa?
Chiến thuật của Trung Quốc ở Biển Đông đã từng được gán cho rất nhiều biểu tượng như lát cắt salami, không chiến tự nhiên thành...
Tôi thì thích hình tượng chiến thuật sóng vỗ bờ hơn. Năm nào Trung Quốc cũng có hoạt động mới, ý đồ mới như những đợt sóng rất mạnh, giảm dần chút ít tạo cho nạn nhân quen dần. Năm sau lại tiếp tục. Sóng càng mạnh khi bờ đê yếu và cũng biết cách thích nghi khi gặp bờ đê “cứng đầu”. Các hoạt động của Trung Quốc thường khởi động mạnh vào mùa xuân và đột ngột giảm trước mùa mưa bão.
Trung Quốc tuyên bố sắp sửa hoàn tất việc bồi đắp các bãi đá không có nghĩa là nước này phải điều chỉnh chính sách của mình do sự phản ứng của cộng đồng quốc tế. Theo tôi có mấy lý do: mùa mưa bão đã đến, không muốn thì Trung Quốc cũng phải giảm bớt cường độ xây dựng; giảm bớt căng thẳng với Mỹ trước chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; xoa dịu cộng đồng quốc tế, tỏ rõ Trung Quốc là nước lớn biết kiềm chế; đánh lừa dư luận để tiếp tục củng cố các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo dưới vỏ bọc dân sự và lôi kéo các nước thực hiện chiến lược con đường tơ lụa trên biển.
  
Trung Quốc “đe dọa hòa bình” ở Biển Đông
Đó là cảnh báo do Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony J.Blinken đưa ra khi phát biểu tại Trung tâm an ninh Mỹ mới ở thủ đô Washington ngày 26.6.
Trong bài phát biểu đăng trên website của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Blinken khẳng định Mỹ vẫn còn sở hữu khả năng độc nhất vô nhị là huy động và dẫn đầu cộng đồng quốc tế để chống lại các mối đe dọa chung. “Và đó là trường hợp ở Biển Đông, nơi Trung Quốc tham gia các dự án bồi đắp quy mô lớn đe dọa hòa bình và ổn định”, ông Blinken cảnh báo.
Minh Trung

Sơn Duân 
(thực hiện)

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây