Indonesia chặn trước “lưỡi bò háu đói ” Trung Quốc trên biển Natuna

Thứ tư - 02/04/2014 03:37 - Đã xem: 946
Mới đây, Chính phủ Indonesia đã tuyên bố phản đối việc Bắc Kinh đưa một phần khu vực biển xung quanh quần đảo Natuna vào lãnh hải của Trung Quốc.

Trong bối cảnh đang tranh chấp gay gắt với Nhật Bản, Việt Nam và Philippines về quyền sở hữu với một số hải đảo trên Biển Đông như Hoàng Sa và Trường Sa (Trung Quốc tự gọi liều là Tây Sa và Nam Sa) hoặc đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông, Trung Quốc lại tiếp tục nuôi tham vọng với cả quần đảo Natuna thuộc tỉnh đảo Riau nằm trong lãnh hải của Indonesia.

Trong thời gian qua, chiến lược bành trướng thế lực trong khu vực của Trung Quốc tiếp tục gây ra những căng thẳng với các quốc gia đông nam Á nằm xung quanh biển Đông. Dường như Bắc Kinh đang cố tình tìm cớ để làm phức tạp thêm cho nhiệm vụ bình ổn tình hình ở khu vực này mà động thái mới nhất là tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển Natuna.

Một mặt, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa mới hứa hẹn tại Jakarta về nguyện vọng hồi sinh tuyến hàng hải cổ xưa “Con đường tơ lụa" trên biển, sẽ đem lại "lợi ích chung" cho tất cả các thành viên tham gia dự án. Nhưng mặt khác, Bắc Kinh lại có cử chỉ gây bùng phát căng thẳng trong quan hệ với chính Jakarta, khi công bố tham vọng chủ quyền lấn vào lãnh hải của Indonessia (theo Trung Quốc, các khu vực tương tự đều thuộc "vùng biển tranh chấp"?!!!).

Nhìn bề ngoài, cũng thấy hành động của Bắc Kinh chẳng có logic nào hết. Ngay cả các chuyên gia Trung Quốc cũng hiểu rõ rằng động thái của Trung Quốc không phải lúc nào cũng giải thích được dễ dàng nếu chỉ xét theo theo lợi ích ngắn hạn. Bắc Kinh đang thực hiện mưu đồ tạo ra khu vực xung đột biển rộng lớn với tham vọng dành phần thắng hoặc chí ít cũng củng cố vị thế một cách đáng kể.

Tàu đổ bộ 999 Tỉnh Cương Sơn của Trung Quốc đã từng mò xuống diễn tập đổ bộ tận James Shoal của Malaysia (Trung Quốc gọi là bãi Tăng Mẫu) tháng 3-2013

Tàu đổ bộ 999 Tỉnh Cương Sơn của Trung Quốc đã từng mò xuống diễn tập đổ bộ tận James Shoal của Malaysia (Trung Quốc gọi là bãi Tăng Mẫu) tháng 3-2013

Đây chính là chiến lược dài hạn của Bắc Kinh nhằm biến các khu vực không tranh chấp, thuộc chủ quyền lãnh hải của nước khác thành “có tranh chấp”, rồi biến các khu vực “có tranh chấp” thành lãnh hải của mình, nếu không ít nhất cũng là khu vực “có tranh chấp” nhưng được gác lại để cùng chung khai thác!

Vùng biển Natuna nằm trong vùng phụ cận tiếp giáp với eo biển Malacca có tầm quan trọng chiến lược đối với Bắc Kinh, là tuyến đường chiến lược, vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu của Trung Quốc. Ngoài tham vọng chủ quyền độc chiếm nguồn tài nguyên trên biển Đông, nó còn thể hiện tham vọng kiểm soát vùng biển chiến lược quan trọng là Natuna (Indonesia) và James Shoal (Malaysia), chính là điểm cuối cùng về phía nam của “đường lưỡi bò” tham lam, âm mưu nuốt trọn biển Đông.

Sự tranh chấp vùng biển này còn gắn với ý đồ của Trung Quốc muốn phô trương để dọa dẫm các nước đông nam Á, trước hết là Indonesia - quốc gia lớn nhất trong Hiệp hội ASEAN, rằng “ai mới là chủ nhân ông thực thụ ở biển Đông”. Ngoài ra, không loại trừ nguyên nhân một phần xuất phát từ sự phát hiện những dữ liệu mới về tài nguyên hydrocarbon (dầu thô) và khoáng sản giá trị khác trong vùng biển Natuna.

Natuna là một vùng biển dồi dào tài nguyên dầu mỏ, đang được Indonesia khai thác cùng với các tập đoàn dầu khí quốc tế như ExxonMobil của Mỹ hay Total của Pháp. Hiện tại, Bắc Kinh chưa lớn tiếng đòi chủ quyền tại vùng biển này như đối với Việt Nam và Philippines, đồng thời cũng chưa có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị cuộc chiến hàng hải hoặc là hoạt động quân sự cục bộ ở khu vực quần đảo của Indonesia.

Cùng với James Shoal (B), Natuna (A) chính là các điểm nằm trên cực nam của “đường lưỡi bò” Trung Quốc

Cùng với James Shoal (B), Natuna (A) chính là các điểm nằm trên cực nam của “đường lưỡi bò” Trung Quốc

Trung Quốc đã gộp một phần vùng biển của quần đảo Natuna thuộc Indonesia vào trong tấm bản đồ “đường chín đoạn” mà Bắc Kinh đang dùng để xác định chủ quyền của họ trên Biển Đông. Trung Quốc đã chính thức hóa yêu sách chủ quyền đó khi đưa tấm bản đồ này vào trong hộ chiếu mới của công dân Trung Quốc. Vấn đề đáng quan ngại nhất là trên tấm bản đồ đó, hoàn toàn không có một tọa độ cụ thể nào.

Tuy hiện nay, Bắc Kinh chưa muốn vượt qua “giới hạn đỏ” mà cả Trung Quốc lẫn các đối thủ tranh chấp trên biển Đông đều không muốn chạm đến, hoặc đang bận tập trung vào dồn ép Philippines - nước yếu nhất trong số các đối thủ tranh chấp với họ nhưng giới quan sát không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ có những hành động lấn lướt trong tương lai. Vì vậy, Indonesia đã sớm có những động thái chuẩn bị đối phó với âm mưu bành trướng của Trung Quốc.

Ngay từ năm ngoái, khi công bố kế hoạch cuộc tập trận Komodo-2014, phó Đô đốc Amarullah Octavia, chỉ huy trưởng Lực lượng hải quân đánh bộ của Hạm đội miền Tây đã cho biết, diễn tập “Komodo-2014” phải chú trọng vào nhiệm vụ ngăn chặn nguy cơ Trung Quốc đòi chủ quyền vùng biển Natuna, tránh lặp lại vụ Sipanda - Ligitan.

Các tàu công vụ Trung Quốc thường xuyên hộ tống cho các tàu cá đánh bắt trộm tại ngư trường của các nước khác (Ảnh: Tàu Hải Cảnh 3411 của lực lượng cảnh sát biểnt Trung Quốc)

Các tàu công vụ Trung Quốc thường xuyên hộ tống cho các tàu cá đánh bắt trộm tại ngư trường của các nước khác (Ảnh: Tàu Hải Cảnh 3411 của lực lượng cảnh sát biểnt Trung Quốc)

Sự cảnh giác kể trên được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh được cho là đang gia tăng các hành động khiêu khích để áp đặt chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển Natuna. Nhiều sự cố va chạm giữa tàu tuần tra hai nước đã xảy ra tại khu vực này. Phía Trung Quốc, với lực lượng mạnh hơn, đã ngăn chặn không cho tàu Indonsesia bắt giữ tàu cá Trung Quốc đến đánh bắt trộm trong ngư trường của Indonesia.

Theo ông Amarullah, việc Indonesia chọn vùng biển này làm nơi thao diễn hải quân hỗn hợp chính là sự cảnh cáo Trung Quốc không nên tham lam đòi chủ quyền thuộc lãnh hải của Indonesia, trong bối cảnh tấm bản đồ đường lưỡi bò mà Trung Quốc chính thức đưa ra để đòi chủ quyền hầu như toàn bộ biển Đông đã “liếm” cả vào vùng đặc quyền kinh tế EEZ của Indonesia tại khu vực Natuna.

Rõ ràng là chính quyền Jakarta muốn tranh thủ cuộc Diễn tập đa phương Hải quân ASEAN mang tên KOMODO-2014, vừa khai mạc vào ngày 29-03 để giải thích rõ với thế giới rằng vùng biển Natuna thuộc chủ quyền của Indonesia. Hải quân Indonesia đã phân phát cho các nước tham gia các bản đồ vùng biển tổ chức cuộc tập trận, trên đó biểu thị rõ là Natuna thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Jakarta.

Qua hành động trên của Indonesia chúng ta nhận thấy rằng, chuẩn bị trước để đối phó với Trung Quốc trên biển Đông không bao giờ là quá sớm.

Thiên Nam

Nguồn tin: baodatviet.vn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây