Chiều 15.10 (giờ địa phương), tại Viện Koerber (Berlin, Đức), phát biểu trước các chính khách, các nhà nghiên cứu hàng đầu của Đức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn.
Song thế giới vẫn đứng trước nhiều thách thức cùng các nguy cơ từ xung đột vũ trang, tranh chấp lãnh thổ, sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố, đến như biến đổi khí hậu, dịch bệnh... Những nguy cơ, thách thức trên đây đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, sự hợp tác và nỗ lực rất cao của mỗi quốc gia, cả khu vực và toàn thế giới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Để duy trì hòa bình, ổn định một cách bền vững ở khu vực, cần có thiện chí và cộng đồng trách nhiệm của tất cả các nước. Đây là nền tảng nhận thức cơ bản để các quốc gia tăng cường quan hệ hữu nghị, thúc đẩy các cơ chế hợp tác, xây dựng lòng tin, giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế.
Các nước cần đề cao hơn nữa vai trò của các thể chế đa phương và cùng chung tay góp sức xây dựng một cấu trúc và thể chế của khu vực ổn định và bền vững; vừa làm cơ sở và động lực chính cho sự hợp tác, vừa có khả năng ứng phó hiệu quả với các nguy cơ thách thức.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Việt Nam kiên trì nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa. Chính sách nhất quán của Việt Nam là không liên minh với nước này để chống phá nước khác.
Việt Nam kiên định đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, đồng thời mong muốn cùng các nước xây dựng lòng tin chiến lược trên cơ sở Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam hoan nghênh mọi chính sách của các nước lớn đối với châu Á - Thái Bình Dương nếu chính sách đó tôn trọng luật pháp quốc tế và các thể chế khu vực, không cường quyền áp đặt, không xâm phạm độc lập chủ quyền của các quốc gia, hợp tác bình đẳng và đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực. Những bất ổn, căng thẳng vừa qua đã cho thấy rõ lợi ích này chỉ có thể được bảo đảm khi tất cả các nước, nhất là các nước trực tiếp có yêu sách chủ quyền ở biển Đông, đều phải nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Đồng thời phải kiềm chế không có hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC).
Trong khi kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước theo luật pháp quốc tế, Việt Nam luôn chủ động ứng xử phù hợp và tranh thủ mọi cơ hội để giảm căng thẳng, khôi phục lòng tin, nỗ lực đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp lâu dài cho vấn đề Biển Đông.
Bên cạnh vấn đề lớn nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng quan hệ Việt Nam và Đức đã có những bước tiến vững chắc và đang phát triển rất thuận lợi, đặc biệt kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2011.
Thủ tướng nhấn mạnh Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 10 sắp khai mạc tại Milan, Ý, sẽ thảo luận nhiều vấn đề hợp tác chiến lược giữa hai châu lục và toàn cầu. Trong tiến trình này, hợp tác ASEAN - EU là động lực của hợp tác giữa hai châu lục.
“Việt Nam với tư cách thành viên tích cực của ASEAN và Đức với tư cách là thành viên trụ cột của EU, cần nỗ lực hợp tác chặt chẽ hơn để cùng góp phần tạo xung lực cho hợp tác ASEAN- EU và quan hệ hai lục địa Á - Âu phát triển mạnh mẽ”, thủ tướng bày tỏ.
Theo Cổng thông tin điện tử chính phủ
Những tin mới hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...