Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, ông Hishammuddin Hussein ngày 26.1 cho biết động thái trang bị hệ thống phòng không ở căn cứ Kota Kinabalu của Hải quân Hoàng gia Malaysia là nhằm chuẩn bị đối phó với những xung đột trong tương lai, tập trung vào những mối đe dọa tiềm ẩn từ biển Đông và vùng biển Đông Sabah, theo tạp chí The Diplomat có trụ sở tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản) ngày 28.1.
Tại căn cứ Kota Kinabalu, có hai tàu ngầm điện-diesel lớp Scorpene của RMN: KD Tunku Abdul Rahman và KD Tun Razak. Căn cứ hải quân này được đưa vào hoạt động kể từ năm 2006, chỉ phục vụ tàu ngầm và một số tàu chiến khác.
Tuy nhiên, ông Hussein không tiết lộ cụ thể hệ thống phòng không gì sẽ được triển khai tại căn cứ Kota Kinabalu.
Căn cứ Kota Kinabalu ở Teluk Sepanggar nằm gần với khu vực tranh chấp lãnh thổ giữa Malaysia và Trung Quốc trên biển Đông.
Tạp chí quốc phòng Jane's (Anh) nhận định Malaysia quyết định triển khai lá chắn phòng không ở căn cứ tàu ngầm này có thể là do những hành động gây hấn của Trung Quốc quanh bãi đá James.
Vào tháng 1.2014, Trung Quốc đã điều một đội 3 tàu hải quân tuần tra bãi đá James, trong đó có chiếc Trường Bạch Sơn, tàu đổ bộ lớn nhất Trung Quốc cùng hai khu trục hạm. Tàu chiến Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Jiang Weilie, chỉ huy đội tàu, “đã thúc giục binh sĩ và các sĩ quan phải luôn sẵn sàng chiến đấu, nâng cao khả năng chiến đấu và giúp xây dựng đất nước trở thành một thế lực trên biển”, theo Tân Hoa xã. Tân Hoa xã cho hay binh sĩ và sĩ quan trên ba con tàu này đã thề quyết tâm bảo vệ "chủ quyền biển đảo đất nước”.
Bãi đá James cách bờ biển bang Sarawak của Malaysia chừng 80 km. Vị trí này là điểm tận cùng phía nam của bản đồ “đường lưỡi bò” phi lý do Bắc Kinh đơn phương vạch ra nuốt trọng gần cả biển Đông, cách bờ biển Brunei chưa đầy 200 km, trong khi cách bờ biển phía nam Trung Quốc đến 1.800 km, theo Jane's.
Theo Reuters, Malaysia hồi tháng 3.2013 từng lên tiếng phản đối việc 4 tàu hải quân Trung Quốc đi vào bãi đá James. Các thủy thủ trên tàu Trung Quốc lúc đó được cho là đã bắn chỉ thiên khi đang ở trong khu vực bãi đá. Và một tháng sau đó, một tàu hải giám Trung Quốc đã quay lại bãi đá James để đóng cột thép nhằm khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh tại đây.
Phúc Duy