‘Ẩn ý’ của ông Tập Cận Bình khi trích thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ ba - 10/11/2015 01:58 - Đã xem: 959
Việc ông Tập Cận Bình trích đọc hai câu trong 2 bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà thơ Vương Bột của Trung Quốc nhằm nói gì? Tôi mạn phép diễn giải để bạn đọc cùng chia sẻ, ngõ hầu bớt đi những phán đoán về ‘ẩn ý’ của ông Tập.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đọc hai câu thơ cuối trong bài Tẩu lộ (Đi đường) nằm trong tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Trùng sơn đăng đáo cao phong hậu, vạn lý dư đồ cố miện gian" (nghĩa là: Sau khi lên đến đỉnh cao nhất giữa các lớp núi, thì muôn dặm giang sơn thu cả vào trong tầm mắt). Sau đó ông Tập có nói rằng: “Nhà thơ Vương Bột đời Đường của Trung Quốc cũng từng nói: “Đăng Thái Sơn nhi lãm quần nhạc, tắc cương loan chi bản mạt khả tri dã”.
Câu văn được ông Tập nhắc tới có xuất xứ từ bài Bát quái đại diễn luận (luận về sự mở rộng lớn lao của Bát quái). Nguyên văn đầy đủ của câu này là: “Cứ thương hải nhi quan chúng thuỷ, tắc giang hà chi hội quy khả kiến dã. Đăng Thái Sơn nhi lãm quần nhạc, tắc cương loan chi bản mạt khả tri dã” (Theo biển xanh mà xem các nguồn nước, thì sự qui tụ của sông ngòi [về đó] có thể thấy được; lên Thái Sơn để ngắm núi non, thì gốc ngọn của núi gò có thể biết được).
 
 
Việc “lên cao nhìn xa” đó chính là nhằm mở ra một tầm nhìn rộng lớn, bao quát; một thế cục quảng đại, một cảnh giới cao xa, và có lẽ đó cũng là chỉ một thông điệp mang tính chất ngoại giao mà ông Tập muốn gửi đi trong bài phát biểu vừa qua mà thôi. Chúng ta không nên phán đoán, hay suy xét một cách khiên cưỡng, áp đặt để đưa vấn đề này đi quá xa.
 
Xung quanh lời phát biểu này đến nay đã xuất hiện nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Nguyên nhân chính dẫn tới sự tranh luận này, có lẽ đều nhằm tới việc mổ xẻ, phán đoán “ẩn ý” của ông Tập trong bài phát biểu có liên quan đến bối cảnh quan hệ ngoại giao hai nước Trung- Việt.
Một điều ai cũng rõ đó là không phải ngẫu nhiên mà Tập Cận Bình đọc hai câu thơ trên của Hồ Chủ tịch, lại càng không phải ngẫu nhiên khi ông viện dẫn văn chương của Vương Bột để minh chứng cho một sự tương đồng về phương diện ý nghĩa tư tưởng giữa hai nước đồng văn, để rồi từ đó gửi gắm đi một thông điệp.
Vậy sự tương đồng đó là gì, theo cá nhân tôi, đó chính là vấn đề “đăng cao vọng viễn” (lên cao nhìn xa) như chính lời phát biểu ngay tiếp sau của ông Tập. Hình tượng lên núi nhìn xa, để thu trọn tất cả vào trong tầm mắt vốn đã xuất hiện trong rất nhiều các tác phẩm văn học, triết học... khác của cả Trung Quốc, Việt Nam. “Đăng cao vọng viễn” vốn dùng để chỉ cho một tư tưởng siêu việt, một tâm thái cao viễn, một tầm nhìn khoáng đạt, xa rộng, vốn được cổ nhân, đặc biệt là các nhà Nho Trung Quốc và các nước đồng văn, trong đó có Việt Nam xem trọng. Họ luôn coi đó là một nguyên tắc, một lý tưởng cần đạt được. Vì vậy, việc tương đồng ý nghĩa trong văn chương của Vương Bột và Hồ Chủ tịch là điều dễ hiểu.
Trong bối cảnh quan hệ hai nước Việt – Trung hiện nay, thông điệp của Tập Cận Bình gửi đi rất rõ, ông nói rằng: “Mối quan hệ hai nước Trung Việt đã đứng trên bước tiến mới của lịch sử, khiến chúng ta lên cao nhìn xa, chung tay nỗ lực, để mở ra một cục diện mới trong quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện của hai nước Trung -Việt; xây dựng, duy trì sự hoà bình, thịnh vượng chung của châu Á và thế giới, tạo ra những cống hiến to lớn hơn nữa”.
Việc “lên cao nhìn xa” đó chính là nhằm mở ra một tầm nhìn rộng lớn, bao quát; một thế cục quảng đại, một cảnh giới cao xa, và có lẽ đó cũng là chỉ một thông điệp mang tính chất ngoại giao mà ông Tập muốn gửi đi trong bài phát biểu vừa qua mà thôi. Chúng ta không nên phán đoán, hay suy xét một cách khiên cưỡng, áp đặt để đưa vấn đề này đi quá xa.

Lê Phương Duy

Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, Thạc sĩ Hán Nôm, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây