Trưa ngày 29.10, bé Ph được đưa tới Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng tím tái, co gồng, hôn mê, đã được bệnh viện quận đặt nội khí quản. Theo lời kể của mẹ bé Ph, buổi sáng cùng ngày, bé ở nhà chơi với mẹ. Vì bận nấu cơm và nghĩ con chỉ mới 10 tháng tuổi, mới biết bò, mẹ bé đã để bé chơi tha thẩn trong bếp. 10 phút sau không thấy con đâu, mẹ bé hốt hoảng đi tìm thì thấy hai chân bé chổng lên trời, đầu úp vào xô nước sâu nửa mét trong nhà tắm.
Khi được đưa ra khỏi xô nước, bé đã tím tái, ngưng thở. Vì quá lo sợ, mẹ bé đã liên tục ấn vào bụng bé – một cách sơ cứu sai. Khi bé không tỉnh, chị mới gọi hàng xóm qua giúp đỡ. May mắn, một người hàng xóm đã biết cách sơ cứu, ấn tim và hà hơi thổi ngạt cho bé. Sau đó, bé Ph được đưa đến Bệnh viện gần nhà cấp cứu. Các bác sĩ đã tiến hành hút đàm nhớt, đặt nội khí quản rồi chuyển bé lên bệnh viện Nhi đồng 1 để tiếp tục điều trị do tình trạng quá nặng.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bé được đặt lại ống nội khí quản, thở máy, điều trị chống co giật và bệnh lý viêm phổi kèm theo. Bên cạnh đó, sau khi hội chẩn cùng bác sĩ Khoa Nội – Thần kinh, bé được phát hiện bị phù não nên tiến hành điều trị phù não. Tình trạng bé quá nặng, có những lúc, các bác sĩ tưởng như bé không qua khỏi. Tuy nhiên, sau một tuần điều trị, bé đã hồi phục kì diệu. Hiện tại, bé đã bú được, khóc đòi mẹ. Các bác sĩ cai máy thở cho bé.
Bác sĩ Minh Tiến cho biết đây là một ca hi hữu cứu sống được khi bé bị ngạt nước rất nặng. Thông thường, trẻ bị ngạt nước dưới 4 phút thì cơ hội cứu sống cao hơn. Với thời gian lâu hơn, khả năng cứu sống rất hạn chế. Theo lời mẹ bé thì Ph úp đầu vào sô nước xấp xỉ 10 phút.
Mỗi năm, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM tiếp nhận hàng chục trường hợp trẻ bị ngạt nước. Do đó, Bác sĩ Tiến cảnh báo phụ huynh không nên chủ quan để trẻ chơi một mình, ngay cả khi trẻ chưa biết đi. Ở lứa tuổi khám phá thế giới, trẻ có thể sẽ bị ngạt nước vì nghịch nước, vọc nước, nuốt nhầm các đồ vật bé tình cờ tìm được, dễ bị virus bệnh tay chân miệng từ sàn nhà, đồ chơi…Nếu trẻ lớn biết bơi, khi đi bơi phải có sự giám sát của cha mẹ, phải hướng dẫn trẻ cách khởi động để không bị cuột rút trước khi xuống nước. Trẻ có bệnh động kinh tuyệt đối không cho đi chơi. Bên cạnh đó, khi nhà có trẻ nhỏ, phụ huynh hạn chế tích nước trong xô chậu, lu và các vật dụng khác. Nếu tích nước, các vật dụng cần phải có nắp đậy kín.
Xem clip: Bác sĩ Tiến hướng dẫn cách sơ cứu khi trẻ bị ngạt nước