Dư luận phản ứng với bản dịch mới bài thơ “Nam quốc sơn hà”

Thứ tư - 11/11/2015 22:01 - Đã xem: 864
Bản dich mới của bài thơ "Nam quốc sơn hà" hoàn toàn khác với bản dịch cũ vốn được xem là tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt, được in trong SGK Ngữ văn lớp 7 khiến nhiều người “sốc” và không khỏi tranh cãi.
Những ngày gần đây, dư luận không khỏi bàn tán xôn xao về phần dịch trong bài thơ “Nam quốc sơn hà” được in trong SGK Ngữ văn lớp 7.

Nếu trước đây, bài thơ: “Nam quốc sơn hà” được dịch là: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”, thì nay ở trang 62 sách Ngữ văn lớp 7 tập I, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) phát hành lại dịch như sau: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Vằng vặc sách trời chia xứ sở/ Giặc dữ cớ sao phạm đến đây/ Chúng mày nhất định phải tan vỡ”.

Bản dịch mới được cho là không hay và bị cải biên khiến nhiều phụ huynh, học sinh và người dùng mạng không khỏi bức xúc. Đa số cảm thấy bản dịch cũ của bài thơ đã quá quen thuộc với mỗi con người Việt Nam, việc thay đổi cấu tứ thơ khiến dư luận thấy xa lạ và cảm giác như phải từ bỏ điều gì đó rất thiêng liêng của dân tộc. 

Nhiều ý kiến bày tỏ thái độ bức xúc đối với bản dịch mới của bài thơ Nam quốc sơn hà.
Một người dùng mạng bình luận: “Bọn giặc này sai trái quá nên chắc chắn ông trời sẽ cho chúng "tan vỡ" đó mà. Dân mình cứ yên tâm nhé. Giặc đến ko cần đánh. Bản dịch này ko biết đúng đến đâu nhưng không "thơ" mà cũng chẳng "văn". Mất khí thế và thiếu cảm xúc. Làm ơn các vị GS -TS hãy tôn trọng tinh thần bản dịch trước. Tôi thực sự cám ơn nhiều lắm!”.

Người dùng mạng khác đưa ra quan điểm: “Thơ dịch thì có thể có nhiều bản dịch khác nhau, nhưng phải chọn bản nào hay để đưa vào sách giáo khoa. Bản dịch mới vừa không hay, không có hồn, không có dũng khí bằng bản dịch trước, tại sao lại đưa vào thay bản cũ trong sách giáo khoa?

Cứ cho là bản dịch sau không làm thay đổi ý nghĩa bài thơ (ngụy biện, vì đã thay lời là làm thay đổi ý nghĩa) thì cũng không có lý do gì để chiếm chỗ của bản dịch trước (vì dịch dở hơn và muộn hơn).

Hơn nữa, bài thơ "thần" với bản dịch cũ đã được nhiều thế hệ người Việt tiếp nhận như "Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta, bài thơ này cũng đã được khắc ở Trường Sa, đừng thay đổi nữa!”

Theo ý kiến bức xúc của một độc giả: “Chẳng nhẽ ai muốn làm gì thì làm hay sao? 4 câu thơ trước đi vào xương vào máu của dân tộc rồi. Hôm nay thay đổi "bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên" của nước Việt Nam xưa, ngày mai rồi sẽ làm cái gì nữa?”.

Đa số người dùng mạng cho rằng bản dịch cũ không thể hiện được khí thế hào hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược.
Cùng rất nhiều những ý kiến khác bày tỏ sự không vừa lòng của dư luận như: “Hàng triệu người dân Việt đã quen với bản dịch "Nam quốc sơn hà Nam để cư". Chưa từng thấy học giả nào bảo sai hay thiếu cái gì cớ sao giờ đây lại thay đối theo những bản dịch gân guốc khúc khuỷu khó cảm nhận như vậy, có đầy thứ cần thay đổi nhưng những thứ gần như mặc định trong con tim khối óc của người Việt rồi thì xin các ngài đừng cậy nhiều chữ mà xào xáo lại làm gì!!”.
Trả lời trên báo chí, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học – Bộ GD&ĐT cũng cho rằng: ““Từ ngữ của bài thơ không giống như trước, nhưng ý nghĩa của bài thơ không có gì thay đổi. Khi phát hành sách đã có các nhà thẩm định rồi, nên không sai được. Tôi cũng tham gia biên soạn sách Ngữ văn tập I lớp 7, nhưng chỉ biên soạn Tập làm văn”.
Tuy nhiên, chất vấn lại ý kiến này của ông Thống, độc giả Phạm Đăng Trình hỏi: “Thưa ông PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, nếu bản dịch trước và sau ý nghĩa giống nhau, tại sao phải chỉnh sửa bản trước? Bởi bản dịch trước đã được công nhận và đã ở trong đầu bao nhiêu thế hệ học trò rồi ông biết không? Ông trả lời không thuyết phục”.

Bên cạnh những ý kiến bức xúc của dư luận, một số người dùng mạng không quá khắt khe với bản dịch mới cho rằng việc các nhà biên soạn sách đưa ra nhiều bản dịch thơ khác cũng là cơ hội cho các em học sinh tham khảo. Tuy nhiên, những người này cũng thừa nhận, bản dịch cũ thể hiện được tinh thần, khí thế hào hùng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, điều mà bản dịch thơ mới chưa thể hiện được.

Bạn Thuha Nguyen chia sẻ: “Cái sự "tan vỡ" hơi bị ép duyên, nhưng cách dịch này không làm sai lệch tinh thần bài thơ. Vấn đề là chúng ta đã quá quen với vần điệu cũ, nên thấy cái này hơi gợn, khó tiếp nhận”.

Nguồn tin: Lao Động Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây