PV: Tây Nguyên vừa trải qua một trận hạn hán khốc liệt, gây thiệt hại nặng nề. Vậy, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đánh giá thế nào về sự tác động, ảnh hưởng của hạn hán đối với tình hình kinh tế - xã hội của các tỉnh trong khu vực; đồng thời có sự chỉ đạo gì để góp phần khắc phục tình hình trên?
Đ/c H’Ngăm Niêkdăm: Đợt hạn hán mùa khô 2015-2016 đã gây thiệt hại rất lớn đối với sản xuất và đời sống đồng bào các dân tộc tại Tây Nguyên. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến cuối tháng 5/2016, toàn vùng đã có 108.118 ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng do hạn hán (15.693 ha mất trắng và thiệt hại trên 70%).
Cụ thể, lúa: 14.968 ha (mất trắng và thiệt hại trên 70% là 7.391 ha); cà phê: 75.194 (mất trắng và thiệt hại trên 70% là 7.339 ha); tiêu: 5.374 ha (mất trắng và thiệt hại trên 70% là 294 ha). Ngoài ra, còn có 12.582 ha cây hoa màu, cây ăn quả và cây trồng khác cũng bị hạn hán, trong đó, bị mất trắng và thiệt hại trên 70% là 637 ha.
Toàn vùng có 50.921 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt; trong đó, Đắk Lắk có 30.034 hộ, Kon Tum 10.302 hộ, Gia Lai 7.059 hộ, Đắk Nông 2.440 hộ, Lâm Đồng 1.086 hộ. Ở một số địa phương, người dân phải mua nước sinh hoạt từ các dịch vụ với giá từ 60.000 - 80.000 đồng/m3. Ước tính thiệt hại do hạn hán gây ra cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn vùng Tây Nguyên trong vụ Đông xuân khoảng 3.487 tỷ đồng.
Trước tình hình hạn hán như vừa nêu trên, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên theo dõi, tổng hợp tình hình hạn hán tại địa bàn cũng như có ý kiến với các bộ, ngành, địa phương liên quan để chỉ đạo xử lý.
Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã có ý kiến với Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc hoàn chỉnh Quy hoạch thủy lợi vùng Tây Nguyên phù hợp với yêu cầu cung cấp nước trong mùa khô, ứng phó với biến đổi khí hậu để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán trong mùa khô. Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ kịp thời kiểm tra, tổ chức các buổi làm việc với các tỉnh Tây Nguyên và các bộ, ngành liên quan để thống nhất, chỉ đạo biện pháp chống hạn và khắc phục hậu quả trước mắt cũng như lâu dài.
PV: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 trong cả nước được đánh giá là thành công tốt đẹp; riêng đối với khu vực Tây Nguyên, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên có nhận định thế nào về công tác bầu cử của các tỉnh trong khu vực?
Đ/c H’Ngăm Niêkdăm: Cho đến thời điểm này, có thể khẳng định, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã thành công trên mọi phương diện.
Có được kết quả trên, trước hết phải nói đến sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện khá chủ động, đồng bộ và kịp thời; sự cộng đồng trách nhiệm với tinh thần rất cao của trên 3,7 triệu cử tri toàn vùng. Công tác bảo đảm an ninh chính trị phục vụ cuộc bầu cử được an toàn tuyệt đối.
Cuộc bầu cử diễn ra trong không khí phấn khởi, thực sự là ngày hội của đồng bào các dân tộc trong vùng Tây Nguyên. Với niềm tin tưởng cao, cử tri bỏ phiếu đạt tỷ lệ 99,77%. Cử tri vùng Tây nguyên đã sáng suốt lựa chọn được 34 vị đại biểu Quốc hội, đạt 97,14% (riêng tỉnh Lâm Đồng bầu thiếu 1 đại biểu).
Một số tỷ lệ theo cơ cấu đạt khá cao, như đại biểu là dân tộc thiểu số (DTTS) đạt 38,24%; đại biểu là phụ nữ đạt 20,59%. Tuy nhiên, tỷ lệ đại biểu trẻ tuổi (8,82%) và đại biểu ngoài Đảng (2,94%) tương đối thấp. Tỉnh Kon Tum dẫn đầu trong toàn vùng về tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người DTTS (chiếm 50%), thấp nhất là tỉnh Lâm Đồng (16%).
Toàn vùng có 344 đại biểu HĐND cấp tỉnh trúng cử, đạt 100%. Tỷ lệ theo cơ cấu như sau: 27,62% đại biểu là phụ nữ; 24,13% đại biểu là DTTS. Một số tiêu chí đạt tương đương nhau, như đại biểu ngoài Đảng 7,56%; đại biểu có đạo 7,27%; đại biểu trẻ tuổi 6,98%. Kon Tum cũng là tỉnh dẫn đầu toàn vùng về tỷ lệ đại biểu là phụ nữ (38%).
Cuộc bầu cử lần này đã cơ bản bảo đảm cơ cấu, đồng thời cũng coi trọng về chất lượng đại biểu. Cử tri vùng Tây Nguyên đặt niềm tin, kỳ vọng rất lớn vào đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, tin tưởng họ sẽ là đại diện tiêu biểu cho trí tuệ của cộng đồng các dân tộc để góp phần xây dựng Tây Nguyên ngày càng phát triển bền vững.
PV: Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đánh giá như thế nào về công tác thông tin, tuyên truyền của các cơ quan báo chí trên địa bàn đối với phát triển kinh tế - xã hội và công tác bầu cử của khu vực Tây Nguyên trong thời gian qua và trong thời gian tới cần phải tiếp tục tập trung vào những vấn đề trọng tâm nào?
Đ/c H’Ngăm Niêkdăm: Hiện nay, trên địa bàn Tây Nguyên, ngoài các cơ quan tuyên truyền, báo chí của các địa phương, còn có trên 20 cơ quan báo chí Trung ương có văn phòng đại diện hoặc phóng viên thường trú để kịp thời nắm tình hình, phản ánh, thông tin tuyên truyền về Tây Nguyên.
Thời gian qua, hoạt động của các cơ quan tuyên truyền, báo chí ở khu vực Tây Nguyên luôn bám sát định hướng; chủ động, kịp thời phát hiện, biểu dương các phong trào thi đua yêu nước, những việc làm tốt; góp phần vào việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân; tham gia tích cực trong cuộc đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất và con người Tây Nguyên đến với bạn bè trong nước và quốc tế...
Đặc biệt, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, các cơ quan tuyên truyền, báo chí đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tổ chức nhiều chuyên trang, chuyên mục, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên xin ghi nhận và đánh giá cao đóng góp của các cơ quan tuyên truyền, các cơ quan báo chí, cùng toàn thể các cán bộ làm công tác tuyên truyền, báo chí trên địa bàn.
Thời gian tới, nhiều vấn đề đặt ra đối với công tác tuyên truyền, báo chí, tôi muốn nhấn mạnh thêm một số nội dung cần tập trung sau đây:
- Tập trung tuyên truyền, quán triệt và triển khai việc học tập Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội; động viên, cổ vũ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2016.
- Tiếp tục tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân nhân, các cấp các ngành thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần vào việc tăng cường công tác xây dựng Đảng, sự đồng thuận xã hội, sự gắn bó giữa Đảng và dân; cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta từ cơ sở.
- Cùng với việc tuyên truyền về truyền thống đoàn kết, gắn bó của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, chú ý tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về thực hiện “bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển” nhằm nâng cao hiểu biết về những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước và những thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội ở Tây Nguyên. Công tác tuyên truyền cũng cần chú ý đến kết quả thực hiện những chính sách trên các lĩnh vực của đời sống xã hội liên quan đến vùng đồng bào DTTS trong những năm qua…
- Tiếp tục đấu tranh, vạch rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; tích cực phản bác các luận điệu kích động, xuyên tạc của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam.
- Tham gia tích cực và hiệu quả vào việc tuyên tuyền triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc trong nhân dân, nhất là việc tập trung khắc phục hậu quả hạn hán vừa qua của các địa phương. Báo chí cũng cần chú trọng tuyên truyền về mục đích, yêu cầu của vấn đề liên kết vùng; về vấn đề bảo vệ môi trường, tình trạng suy giảm rừng của vùng Tây Nguyên; về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cổ vũ nhân rộng các mô hình tốt, việc làm hay của chương trình này…
- Kịp thời phản ánh, thông tin về kết quả thực hiện các chính sách của Trung ương trên địa bàn nói chung, nhất là việc thực hiện chính sách đối với vùng DTTS. Cụ thể như vấn đề phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn; kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững...
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Mạnh Hùng thực hiện
Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...