Chiến đấu viên đủ 40 tuổi được nghỉ hưu

Thứ hai - 21/12/2015 21:06 - Đã xem: 810
Sáng 18.12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo về Lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 Luật, Bộ luật và 2 Nghị quyết đã được Quốc hội Khóa XIII, Kỳ họp thứ 10 thông qua vừa qua.

Các bộ luật vừa được thông qua gồm Luật an toàn thông tin mạng; Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân; Luật kế toán; Luật thống kê; Luật khí tượng thủy văn; Bộ luật hàng hải Việt Nam; Luật phí và lệ phí; Luật trưng cầu ý dân; Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội; Nghị quyết về việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Marrakesh thành lập Tổ chức thương mại thế giới.

Tại buổi họp báo, Thiếu tướng Tô Viết Báo, Cục trưởng Cục quân lực, Bộ quốc phòng giới thiệu về những nội dung cơ bản của Luật quân nhân chuyên nghiệp (QNCN), công nhân và viên chức quốc phòng, gồm 7 chương, 52 điều có hiệu lực từ ngày 1.7.2016.

Luật quy đinh rõ về hạn tuổi phục vụ của QNCN, công nhân và viên chức quốc phòng. Luật đã quy định hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm là: Cấp úy QNCN: Nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi; Thiếu tá QNCN, Trung tá QNCN: Nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi; Thượng tá QNCN: Nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi.

Riêng chức danh chiến đấu viên để đảm bảo đủ sức khỏe hoàn thành nhiệm vụ, Luật quy định hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ là đủ 40 tuổi, khi hết hạn tuổi phục vụ thì được ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và được bố trí đảm nhiệm chức danh khác phù hợp với yêu cầu của quân đội hoặc được chuyển ngành.

Trường hợp quân đội không thể tiếp tục bố trí sử dụng và không thể chuyển ngành được nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có đủ 15 năm là chiến đấu viên thì được nghỉ hưu.

Hạn tuổi cao nhất phục vụ trong quân đội của công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng được quy định phù hợp với quy định của bộ luật lao động là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

Đồng thời luật quy định bậc hàm quân hàm cao nhất của QNCN có trình độ cao cấp là Thượng tá QNCN; có trình độ trung cấp là Trung tá QNCN; có trình độ sơ cấp là Thiếu tá QNCN.

Luật đã quy định tiền lương của QNCN, công nhân và viên chức quốc phòng được xác định theo trình độ đào tạo, chức danh, vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội là ngành lao động đặc biệt.

QNCN, công nhân và viên chức quốc phòng được hưởng phụ cấp thâm niên; phụ cấp, trợ cấp như đối với cán bộ, công chức có cùng điều kiện làm việc và phụ cấp, trợ cấp có tình chất đặc thù quân sự; được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; được thuê nhà ở công vụ và các chế độ, chính sách khác đối với lực lượng vũ trang theo quy định của pháp luật.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ tài chính Vũ Thị Mai đã giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Phí và lệ phí tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Luật phí và lệ phí gồm 6 chương, 25 điều và có hiệu lực từ ngày 1.1.2017.

Luật quy định rõ về miễn, giảm phí, lệ phí tại Điều 10: Các đối tượng thuộc diện miễn giảm phí, lệ phí bao gồm trẻ em, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và một số đối tượng đặc biệt theo quy định của pháp luật.

Theo Luật, phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện phải nộp vào ngân sách nhà nước; phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí dựa trên cơ sở dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, phần còn lại nộp ngân sách nhà nước.

Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện được để lại một phần hoặc oàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí; phần còn lại nộp ngân sách nhà nước.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây