Như đã đề cập ở bài trước, ngày 2.10, “nữ quái” Phan Ngọc Phượng, cũng như mọi khi, rời khỏi nhà ở H.Chợ Lách (Bến Tre) đón xe lên TP.HCM và đến một tiệm bán sữa ở gần giao lộ Lê Quang Định - Phạm Văn Đồng giở chiêu lừa đảo. Tuy nhiên, hành tung của bà này không qua được sự theo dõi của Lâm Hiếu Long và các thành viên câu lạc b̀ộ (CLB) Săn bắt cướp TP.HCM.
Xóa tan lời đồn “bùa phép”
Thực ra, thủ đoạn lừa của “nữ quái” cũng không quá tinh vi và “bùa phép” như đồn đại. Sau khi vào mua hàng, bà ta nói với nhân viên bán hàng cần mua số lượng nhiều và nhờ mang đến một địa điểm quán xá gần đó, giới thiệu đây là nhà hoặc cơ sở làm ăn của mình, rồi bảo nhân viên cửa hàng đó cứ “ngồi chơi”, để bà ta “nói chuyện với người làm”. Khi thấy nhân viên bán hàng tin tưởng, bà ta yêu cầu về mang thêm hàng đến, hoặc viết hóa đơn... Lúc nhân viên bán hàng vừa đi thì bà ta ôm hàng trốn mất.
Hôm đó, nhân viên tiệm sữa vừa đi ra khỏi quán cà phê chỉ một lúc, “nữ quái” cũng lật đật ôm sữa, kêu xe ôm đến nhảy lên vọt đi. Lập tức, Long phân công nhiệm vụ anh em trong nhóm quay lại tiệm sữa hỏi người phụ nữ “tóc xoăn vàng vàng, mập mập, tướng sang sang” đã trả tiền mua sữa chưa... còn Long bám theo “nữ quái”. Một lúc sau thì điện thoại reng, anh em báo là nhân viên bán hàng đang tá hỏa tìm vì người mua sữa chưa trả tiền đã ôm hàng trốn mất, Long quyết định áp sát và lật tẩy, bắt giữ “nữ quái”.
Trước khi đưa bà ta đến giao nộp công an, Long và các bạn còn cẩn thận quay lại tiệm sữa để đối chứng, khiến bà ta không còn đường chối cãi. Tại Công an P.1, Q.Gò Vấp, “nữ quái” khai với thủ đoạn tương tự đã lừa lấy hàng hóa ở hàng loạt cửa hàng trên địa bàn TP.HCM, từng có tiền án 9 năm tù về trội trộm cắp. Những ngày sau đó, nhiều cửa hàng điện thoại cũng trình báo bị “nữ quái” này lừa 10 chiếc điện thoại cao cấp, khiến nhân viên bán hàng phải bỏ tiền túi ra đền.
“Siêu lừa” Phan Ngọc Phượng tại cơ quan công an |
Lời cám ơn hơn cả tiền bạc
Kể lại câu chuyện “lật tẩy nữ quái” với chúng tôi, Long tâm sự: “Đúng là đi xuống Bến Tre cũng mệt, cực thiệt. Nhưng sau đó thấy có người chưa từng là nạn nhân của bà này gọi điện, nhắn tin cám ơn, comment trên Facebook chúc sức khỏe anh em trong nhóm, em thấy vui lắm, cảm động lắm. Giúp người khác là thấy vui. Em lấy đó làm động lực. Em không nghĩ giúp người khác để được nhận lại tiền. Người ta cám ơn thì còn hơn cả tiền nữa. Vậy là mình vui rồi”, Long nói và bày tỏ thêm: “Tiền thật sự đối với em cũng rất quan trọng. Nếu có thì hỗ trợ anh em đổ xăng đi tuần, ăn uống chứ không để dành tư lợi riêng cho em gì hết. Anh em ở đây ai cũng có công việc riêng, cũng dành thời gian, hy sinh công việc gia đình, bản thân để đi làm. Có khi tụi em không có tiền đổ xăng thì ở nhà. Tháng sau có tiền đổ xăng thì đi tuần tiếp. Xe hư thì cũng bỏ tiền túi ra sửa. Việc này mình tự nguyện mà. Không ai kêu mình đi làm hết. Mình có bị gì thì ráng chịu xíu”.
Long bảo có lúc cũng trăn trở: “Ừ, thôi mình không đi”, nhưng đi ra đường thấy cướp giật “ăn hàng” thì không yên lòng được. Người bình thường khó nhận diện ra kẻ cướp giật, đến khi bị nạn rồi mới biết. Thế nhưng bằng kinh nghiệm tuần tra trên đường nhiều năm, Long dễ dàng “biết tụi nó gian manh liền”. Long rất bất bình vì kẻ cướp giật không chỉ “ăn hàng” người bình thường, mà còn giật đồ, dây chuyền của bà bầu, giật điện thoại của phụ huynh chở con đi học... “Tụi nó làm vậy rất ác. Em rất tức. Em từng thấy tụi nó giật đồ của một em gái đi trên đường, rồi kéo xe cho em gái đó ngã nữa”, Long kể. Long bảo, nhiều lúc cũng “lấn cấn giữa các suy nghĩ lắm”. Có lúc cũng nghĩ thôi tập trung toàn phần cho công việc, nhưng rồi “trong máu em vẫn còn một niềm đam mê”. “Đi ngoài đường thấy chuyện bất bình là ra tay thôi”, Long tâm tình và kể thêm: “Công việc bây giờ của em cũng bấp bênh lắm. Có tháng đủ xài, có tháng không. Không có dư. Em cũng định xin chỗ khác làm nhưng chưa có chỗ nên cũng bấp bênh. Bây giờ vừa làm cái này vừa làm cái kia, cứ có việc là làm. Có ít thì mình xài ít”.
Long bảo có thể làm tốt công việc vệ sĩ, bảo vệ an ninh ở các siêu thị, trung tâm thương mại... “Em thích mấy dạng công việc đó lắm, kinh nghiệm của em sẽ phù hợp hơn với công việc đó. Em cũng đang kiếm nhưng chưa thấy đâu hết. Đôi khi em lại nghĩ đến việc làm hướng dẫn viên du lịch. Em nói tiếng Anh khá lắm, vừa hướng dẫn khách vừa bảo vệ được họ. Công việc là công việc nhưng hễ thấy chuyện bất bình thì mình cũng giúp được cho người ta”, Long nói.
Các thành viên nòng cốt hiện nay trong CLB, ngoài Lâm Hiếu Long đang làm nhân viên cho một cửa hàng buôn bán ô tô ở quận 7, còn có Lê Quang Bình (24 tuổi), Nguyễn Trần Minh Dũng (28 tuổi), Lê Xuân Trường (22 tuổi), Đỗ Công Tường (25 tuổi) và Nguyễn Hoàng Nam (35 tuổi). Mỗi người làm mỗi nghề khác nhau, có người bán hàng, có người làm tài xế, có người sửa xe máy... Những anh em này quy tụ lại với nhau từ năm 2013, riêng đội trưởng Long thì hành hiệp từ năm 2010. Số vụ bắt cướp giật cụ thể bao nhiêu thì Long không nhớ. Long chỉ nhớ mình được mời tham gia chương trình “Gương sáng phố phường” vào năm 2014, 3 lần được Công an TP.HCM tặng giấy khen; được UBND Q.Gò Vấp, Q.Tân Bình, Q.Phú Nhuận, Q.Tân Phú và Q.3, Q.10... tặng giấy khen vì có thành tích trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. |
Tân Phú