Chip "made in Vietnam" ghi dấu ấn: Điểm yếu của người Nhật

Thứ hai - 28/12/2015 03:51 - Đã xem: 908
VN phải tận dụng cơ hội khi các DN Nhật bày tỏ sự quan tâm, sẵn sàng hợp tác đầu tư, phát triển các sản phẩm vi mạch.


Phải hướng tới công nghệ tiên tiến

Trong dịp diễn ra Triễn lãm ngành công nghiệp vi mạch và phụ trợ (SEMICON Japan) vừa được tổ chức tại Tokyo, nhiều doanh nghiệp lớn như Sony, Renesas, SocioNext, CM Engineering, Jinzai Solution Inc...bày tỏ mong muốn được hợp tác phát triển các sản phẩm vi mạch do Việt Nam nghiên cứu.

Đây là triển lãm quy mô toàn cầu, hội tụ tất cả các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, sản xuất và thiết kế vi mạch, đồng thời cũng là dịp để các nhà nghiên cứu từ các viện, trường trao đổi thành tựu trong vi mạch.

Được biết, Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch thuộc Đại học quốc gia TP.HCM (ICDREC), một đơn vị tham gia triển lãm, đã giới thiệu những thành quả nghiên cứu của Việt Nam như chip SG8V1; chip HF RFID; chip ADC 24; chip UHF RFID và những sản phẩm ứng dụng được xây dựng dựa trên nàn tảng chip do người Việt Nam thiết kế.

 
 

Đồng thời, đã có một buổi thuyết trình 30 phút với chủ đề “Tiềm năng của chúng tôi – Cơ hội của bạn” trước những công ty và nhà đầu tư của Nhật Bản về cơ chế chính sách, môi trường và cơ hội đầu tư về lĩnh vực vi mạch tại Việt Nam. Sau buổi thuyết trình, các công ty Nhật Bản cũng khẳng định sẵn sàng hợp tác trong lĩnh vực này với đại diện của Việt Nam.

Để nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật, trao đổi với Đất Việt, ông Ngô Đức Hoàng - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch thuộc Đại học quốc gia TP.HCM (ICDREC) cho biết: "Thứ nhất,đây là một ngành tương đối được nhà nước đầu tư bài bản, vì ở Bộ KH&CN cũng có một dự án cấp nhà nước về lĩnh vực này.

Còn riêng TPHCM cũng có một chương trình phát triển công nghiệp vi mạch đã bước sang năm thứ 3, được đầu tư bài bản, tất cả đã tạo ra cho Việt Nam từ con số 0 trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bây giờ sau 8 năm đã có yếu tố quan trọng nhất đó là nguồn nhân lực.

Có thể khẳng định vị trí, có khả năng nắm bắt được công nghệ của thế giới, có khả năng thiết kế được những công nghệ vi mạch mà thế giới cũng quan tâm.

Từ việc nắm bắt được công nghệ thiết kế để có thể sáng tạo ra những sản phẩm, mà khi đem qua Nhật Bản chứng minh cho các công ty bên Nhật thấy năng lực thì họ đều đánh giá cao và tin tưởng Việt Nam hoàn toàn có khả năng nghiên cứu và thiết kế ra những con chip mang tính cạnh tranh trên thế giới.

Thứ hai, nước Nhật hiện đang rất khan hiếm nguồn nhân lực thiết kế vi mạch, đây cũng là tình trạng chung của nhiều nước.

Thứ ba, nền điện tử của Nhật hiện nay đang bị giảm xuống, vì bây giờ điện tử của Nhật so với Hàn Quốc còn thua kém rất nhiều, chứng minh cho việc họ đang bị cạnh tranh gay gắt.

Chip

Theo ông Hoàng, người Nhật cũng đã công nhận ngành điện tử của họ đang trên đà đi xuống. Nếu như ngày xưa người Nhật rất ít khi mở thị trường cho nước khác, nhưng hiện nay họ đã thấy rằng không thể không dùng nguồn nhân lực khác để nâng cao ngành thiết kế vi mạch thì sẽ lạc hậu nên họ quyết định mở cửa.

Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế, khi có thể đáp ứng được hết các yêu cầu của phía Nhật, bởi vì khả năng thiết kế của kỹ sư Việt khá ổn định. Đặc biệt, theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài, trong khối ASEAN chúng ta chỉ đứng sau Singapore về năng lực.

Cho nên, ông Hoàng nhấn mạnh: "Chuyện tiếp theo của chúng ta là phải xác định xem có vươn tới được công nghệ tiên tiến của thế giới hay không đó mới là chuyện quan trọng. Còn những thiết kế bài bản bình thường thì chúng ta đã nắm được hết".

Theo ông Hoàng, hiện có khá nhiều tập đoàn, công ty lớn trong lĩnh vực thiết kế vi mạch trên thế giới đầu tư vào Việt Nam. Chỉ riêng tại TPHCM đã có hơn chục công ty đang đầu tư vào lĩnh vực thiết kế và sản xuất vi mạch như: Intel, Renesas Design, NXP, Applied Micro, Semicon...


Nguồn tin: baodatviet.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây