Hãy hình dung chuyện đơn giản nhất ở lĩnh vực giáo dục. Trong các kỳ thi, số học sinh có ý thức học tập và nghiêm túc chiếm đa số. Nhưng nếu giám thị coi thi không nghiêm túc thì chuyện quay cóp, gian lận sẽ diễn ra. Lúc đó, chắc chắn những học sinh nghiêm túc cũng sẽ nghĩ đến chuyện gian lận và sử dụng tài liệu khi điều kiện cho phép bởi nếu không thì họ bị mất công bằng, bị thua thiệt so với người không học hành mà sử dụng tài liệu. Dần dần, chuyện gian lận sẽ trở nên bình thường và phổ biến.
Người nông dân khi sản xuất ra sản phẩm cũng vậy. Nhiều người lương thiện muốn làm ra sản phẩm an toàn và chất lượng nhưng rồi họ cũng không thể giữ được điều này. Vào mùa thu hoạch càphê, nhiều hộ gia đình đã ngâm nước vào càphê để tăng trọng lượng. Cơ quan chức năng và những người có trách nhiệm thay vì lên án để chấm dứt hành động này thì lại giảm giá mua xuống so với giá mặt bằng để bù lại lượng nước ngấm trong hạt càphê. Những hộ gia đình thu hoạch càphê không ngâm nước, vì sợ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nên phải chấp nhận giá bán của càphê bị ngâm. Họ đành phải bất đắc dĩ ngâm nước càphê của mình để khỏi thiệt thòi.
Với những hộ gia đình chăn nuôi thì sao? Chăn nuôi lợn thịt là một điển hình quá rõ ràng. Mặt bằng giá giữa thịt lợn sạch và thịt nuôi có bột tăng trọng, chất tạo siêu nạc là ngang nhau. Vì thế, người nuôi lợn sạch sẽ không thể tồn tại được. Hỏi về việc sử dụng bột tăng trọng, một chủ hộ chăn nuôi lành mạnh chia sẻ: “Có bột tăng trọng chứ em, nhà chị dùng bột tăng trọng mà vẫn còn lo lỗ, nhiều hộ chăn nuôi lợn không có tiền lãi vì giá mua rất thấp”. Những hộ nông dân chăn nuôi vịt cũng vậy. Nuôi vịt đàn tự nhiên thì thời gian lâu, chi phí cao trong khi phải bán bằng giá với vịt nuôi nhanh theo kiểu “ăn bột” nên chắc chắn phải chọn giải pháp giống mọi người, nếu không sẽ phá sản, chết đói. Các sản phẩm khác như rau, củ, quả... cũng tương tự như vậy.
Hậu quả của hiện tượng trên là không lường hết được. Nó không chỉ làm hại sức khỏe của người tiêu dùng vì hóa chất độc hại mà còn gây thiệt hại cho cả người sản xuất. Rõ ràng, khi người tiêu dùng không yên tâm về chất lượng sản phẩm thì lượng tiêu thụ sẽ giảm mạnh và người chịu thiệt là nhà sản xuất: Người nông dân. Họ không hề biết bởi họ chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt, không tính chuyện lâu dài. Tác hại hơn là từ chỗ không chấp nhận việc làm xấu, họ đã làm việc xấu, rồi dần thành quen và thấy dễ dàng, bình thường vì ai cũng làm được.
Những cơ quan chức năng và những người có trách nhiệm cần phải vào cuộc để đem lại sự công bằng cho xã hội, nếu không, càng ngày sẽ có nhiều hơn những người lương thiện thành gian dối bất đắc dĩ.
Nguồn tin: Lao Động Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...