Khi 79% người dân muốn bỏ HĐND huyện, quận, phường

Thứ tư - 14/08/2013 21:37 - Đã xem: 984
Cách đây 20 năm đã có nhiều địa phương kiến nghị không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Việc này cứ bị chùng chình mãi, vì nhiều người quen lối cũ, cứ sợ nhân dân bị mất đi một tổ chức dân chủ đại diện mà không phát hiện tính hình thức và bất cập của nó. Mãi tới năm 2008, Quốc hội khóa XII mới ra Nghị quyết 26/2008/NQ-QH12 thí điểm việc này.
Qua 4 năm thí điểm ở 67 huyện, 483 phường của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đã cho kết quả đáng mừng, rõ nhất là bộ máy hành chính nhà nước được tinh gọn, chất lượng dịch vụ công không bị giảm, lại có phần được cải thiện, UBND hoạt động nhanh nhạy, hiệu quả hơn.

Do đó, ở các địa phương làm thí điểm có tới 79% số người dân đồng ý không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Tiếng lành đồn xa, các địa phương không thực hiện thí điểm cũng có tới 70% số người dân muốn như thế.

Một nữ đại biểu HĐND huyện Củ Chi hai khóa liền, bày tỏ niềm vui khi không còn HĐND huyện: “Trước đây, tôi rất khổ tâm mỗi lần tiếp xúc với cử tri, vì phải thú nhận là không thể giải quyết kiến nghị mà họ tin tưởng gửi gắm cho HĐND huyện trong các kỳ họp trước. Bởi vì HĐND huyện chỉ là cấp trung gian, ghi nhận ý kiến cử tri rồi chuyển lên HĐND thành phố và chờ! Từ nay, tôi không còn phải “xấu hổ” với cử tri nữa!”.

Khi bắt đầu thí điểm, HĐND các tỉnh, thành và ĐBQH tăng cường hoạt động tiếp xúc cử tri, nâng cao vai trò kiểm tra, giám sát, tổ chức đối thoại với dân về những việc ảnh hưởng không tốt đến quyền lợi của họ. HĐND TPHCM tổ chức các chương trình “Nói và Làm”, “Lắng nghe và Trao đổi” trên hệ thống truyền hình nhằm thông tin kịp thời các chủ trương công tác, lắng nghe, tiếp thu kiến nghị của nhân dân.

Ở TP.Đà Nẵng, nhiều phường thực hiện “Bản tin Dân chủ”, chuyên mục “Dân hỏi nhà nước trả lời”. UBND quận, phường tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết nhanh các kiến nghị hợp lý. Do đó, người dân cho rằng từ khi không có HĐND thì UBND chỉ đạo điều hành nhanh chóng hơn.

Ở TP.Hải Phòng, các quận, huyện đều thành lập các tổ điều tra, thăm dò dư luận xã hội. Chủ tịch UBND cấp trên của các huyện, quận, phường thí điểm không tổ chức HĐND đều được tăng thẩm quyền và trách nhiệm trong việc phê duyệt quy hoạch, chỉ đạo, điều hành và công tác tổ chức cán bộ. Từ đó, tạo ra sự quản lý thống nhất, đồng bộ ở địa bàn đô thị, hạn chế tình trạng chia cắt giữa khu vực nội thành và ngoại thành, bước đầu định hình sự khác nhau giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn.

Qua thí điểm, cho thấy chính quyền địa phương được tổ chức hợp lý hơn, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Việc đổi mới chính quyền địa phương cần thực hiện đồng bộ với chiến lược cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp, giữa tập thể và người đứng đầu cơ quan hành chính.

Qua thí điểm cũng cho thấy sự giám sát của HĐND cấp trên tăng lên, do đó cần xem xét việc tăng nhân lực cho khâu này một cách hợp lý, để kiểm soát việc ghi nhận và giải quyết kiến nghị của cử tri, tránh ách tắc, gây búc xúc. Mặt khác, cần thiết kế lại cơ chế kiểm soát hoạt động của các cơ quan hành chính, cơ quan kiểm tra, thanh tra của các cơ quan thuộc UBND cấp tỉnh. Đã chín mùi cho việc xúc tiến làm thí điểm hình thức dân chủ trực tiếp, tổ chức nhân dân bầu chủ tịch xã, sau đó chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp phê chuẩn.

Tiêu chuẩn để xác định mô hình chính quyền địa phương đạt hiệu quả, chính là sự bảo đảm cao nhất nguyện vọng, quyền lợi và quyền giám sát của nhân dân đối với chính quyền. Để đạt được mục tiêu ấy, còn rất nhiều việc phải làm để hoàn chỉnh mô hình mới mẻ vừa ló dạng. Phải lắng nghe và tôn trọng ý dân, đừng áp đặt sự duy ý chí của mình rồi gọi là ý dân, bài học từ những thất bại chưa xa ấy, cần phải tránh!
Tống Văn Công

Nguồn tin: Lao Động Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây