Trả lời câu hỏi của Thanh Niên Online, đại diện các hãng hàng không khẳng định thường xuyên xảy ra trường hợp máy bay rơi vào vùng nhiễu động. Các hãng cũng khuyến cáo hành khách khi đi máy bay cần phải thắt dây an toàn phòng ngừa sự cố này.
“Cũng vì sự cố này mà ngành hàng không mới sinh ra thắt lưng an toàn và yêu cầu hành khách khi bay nên sử dụng chứ lịch sử hàng không trước đây không có”, ông Lương Hoài Nam, người từng điều hành một số hãng hàng không trong nước chia sẻ.
Bị thương khi đi toilet
Trao đổi với Thanh Niên Online chiều 13.8, bà Nguyễn Ngọc Thùy, nhà ở quận Tân Phú (TP.HCM) - một trong những hành khách có mặt trên chuyến bay “rơi tự do” của VietJetAir (VJA) do hiện tượng nhiễu động không khí gây ra, cho hay sự cố xảy ra khi chuyến bay còn khoảng 30 phút nữa mới hạ cánh xuống Bangkok (Thái Lan).
Đáng chú ý, sự cố xảy ra khi tiếp viên đang bán đồ ăn trên máy bay.
Bà Thùy nói: “Máy bay bị chao đảo hai lần. Lần đầu tương đối nhẹ nên tôi còn kịp giữ hộp đồ ăn không đổ lên người. Chưa kịp hoàn hồn, máy bay nhồi thêm một cú nữa mạnh hơn cú đầu gấp nhiều lần. Sự việc xảy ra nhanh lắm. Khi mở mắt ra, tôi chỉ thấy hành khách nghiêng ngả, đồ ăn văng tứ tung”.
|
Theo bà Thùy, sự cố rung lắc này khiến hai tiếp viên của VJA và một hành khách tên Lê Thị Kiều Hạnh, nhà ở quận 6 (TP.HCM) bị chấn thương nhẹ. Khi sự cố xảy ra, bà Hạnh đang ở trong nhà vệ sinh đi về chỗ ngồi.
Sau khi máy bay đáp xuống Bangkok, ngay lập tức bà Hạnh được nhóm bạn đi cùng đưa vào khám ở bệnh viện. Các bác sĩ chẩn đoán bà Hạnh bị chấn thương nhẹ ở cổ và lưng do va đập vào thành ghế trên máy bay.
“Trước khi lên máy bay, chúng tôi cũng được tiếp viên thông báo thời tiết dễ rơi vào vùng nhiễu động và hành khách cần phải thắt dây an toàn. Nhưng không ai ngờ khi có sự cố, cảm giác kinh khủng đến thế. Giống như máy bay rớt đến nơi”, bà Thùy thổ lộ.
Buộc phải thắt dây an toàn
Ông Lương Hoài Nam lý giải “vùng không khí nhiễu động” là vùng có mật độ không khí loãng hơn các vùng xung quanh. Khi đang bay ở vùng không khí bình thương chuyển sang vào vùng không khí loãng hơn, lực đẩy bỗng dưng bị hụt, máy bay bị mất sức nâng. Từ đó máy bay chao đảo hoặc mất thăng bằng, có thể rơi tự do trong chốc lát.
Đại diện hãng hàng không Jetstar Pacific (JP) lý giải thêm nguyên lý hoạt động của máy bay là dựa vào lực nâng khí động lực học. Nghĩa là máy bay bay được lên cao dựa vào lực đẩy của không khí. Do đó, khi bay vào vùng không khí loãng hay nhiễu động sẽ khiến lực đẩy bị hụt dẫn đến máy bay bị mất thăng bằng.
|
“Cho nên khi bay nội địa khi vào vùng thời tiết xấu, máy bay thường bị rung, lắc, xóc. Những chuyến bay quốc tế, khi bay giữa hai vùng không khí khác nhau, máy bay cũng gặp tình huống tương tự”, đại diện JP nói.
Ông Nam cho hay tình huống máy bay rơi vào vùng không khí nhiễu động diễn ra thường xuyên. Do khi thiết kế tàu bay, nhà sản xuất đã tính toán hiện tượng này không gây thiệt hại cho thân tàu bay. Tuy nhiên sự cố này sẽ uy hiếp hành khách và tiếp viên có mặt trên tàu bay nếu những người này không thắt dây an toàn.
“Hiện tượng này khiến các hãng hàng không yêu cầu hành khách phải thắt dây an toàn. Trước mỗi chuyến bay, bắt buộc tiếp viên nhắc hành khách phải thắt dây an toàn nếu không có trường hợp gì cần thiết đi lại. Kể cả trường hợp đang bay bằng, hành khách cũng nên thắt”, ông Nam nói.
Đại diện JP bổ sung máy bay rơi vào vùng nhiễu động sẽ gây nguy hiểm nhất đối với những tiếp viên đang phục vụ đồ ăn và hành khách đi lại, không thắt dây an toàn.
“Cho nên khi không có việc gì thật cần thiết phải đi lại, hành khách nên thắt dây an toàn đề phòng sự cố”, đại JP khuyến cáo.
Ông Bùi Văn Võ, Trưởng phòng Quản lý hoạt động bay (Cục Hàng không) cho hay đã nắm được thông tin về sự cố hai máy bay rơi vào vùng nhiễu động không khí mới đây. Tuy nhiên khi được hỏi, ông Võ không đưa ra ý kiến bình luận liên quan vụ việc.
Trung Hiếu
Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...