Mỗi nơi mỗi kiểu
Sáng 10.8, anh Nguyễn Tâm đến UBND P.Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM để sao y CMND nhưng cán bộ tiếp nhận từ chối sao y với lý do vân tay in trên CMND quá mờ, anh Tâm đành phải quay về. Qua vài hôm sau, anh lại đem CMND và bản photo hôm trước đến UBND P.9, Q.3 thì lại được sao y bình thường.
|
Tương tự, chị Lê Bảo Huy (ngụ tại Q.Hồng Bàng, TP.Hải Phòng) cho biết cách đây không lâu, chị đem bằng đại học đến một phường tại Q.Hồng Bàng để sao y. Cô cán bộ tiếp nhận soi tới soi lui một lúc rồi phán “bằng không có đóng giáp lai ảnh nên không thể sao y được”. Chẳng muốn đôi co, chị Huy đem tấm bằng qua phường khác thì lại được chấp nhận.
Một vấn đề khiến người dân cảm thấy phiền hà đó là thời gian chờ đợi để sao y. Anh Chỉnh, ngụ tại Q.9, TP.HCM bức xúc: “Có hôm tôi phải chờ cả 2 giờ đồng hồ mới được nhận kết quả”. Luật sư Nông Thị Hồng Dung, Công ty luật TNHH Hồng Dung cho biết, công ty chị cũng hay thực hiện sao y giấy tờ cho khách hàng ở nhiều nơi và rút ra kinh nghiệm là không nên đi sao y vào thứ hai và thứ sáu. Chị cho biết thứ hai và thứ sáu hằng tuần, lãnh đạo phường thường hay bận họp nên phải chờ rất lâu, thậm chí phải để hồ sơ lại và chờ cả ngày mới có kết quả. Có hôm, do nhu cầu bức thiết, chị phải chạy đến 3, 4 phường mới có thể sao y được.
Quá tải và lãng phí
Ông Nguyễn Đình Nam, Phó chủ tịch UBND P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP.HCM cho biết, do thẩm quyền sao y, chứng thực được giao hết về cho UBND cấp xã, phường nên đã xảy ra tình trạng quá tải, nhất là vào thời gian đầu năm học. Ông Nam cho biết có ngày phường tiếp nhận đến khoảng 2.000 hồ sơ. Theo biên chế, mỗi phường chỉ có 1 cán bộ tiếp nhận nên không đáp ứng nổi với khối lượng hồ sơ lớn. “Nhiều hôm chúng tôi phải huy động hết anh em ra phụ giải quyết, có khi cả hai phó chủ tịch phải ra trước quầy tiếp nhận để ký ngay tại chỗ. Phải tập trung cho công việc ký sao y, chứng thực, nhiều lãnh đạo không còn thời gian để nghiên cứu công việc chuyên môn nữa”, ông Nam nói.
Bà Trịnh Thị Mỹ Lan, Chủ tịch UBND P.Thới An, Q.12, TP.HCM cho biết theo quy định, cứ mỗi hồ sơ sao y, chứng thực, phường phải lưu lại 1 bộ. Với khối lượng hồ sơ sao y, chứng thực lớn dẫn đến nhiều khó khăn cho UBND phường về kho lưu trữ. Cũng đồng quan điểm này, ông Nam còn cho biết sau mỗi 3 năm, UBND phường phải tiến hành hủy hồ sơ sao y một lần với khối lượng khổng lồ, rất tốn kém và mất thời gian. Dễ nhận ra mỗi năm sẽ có đến hàng tỉ đồng phải đem đi tiêu hủy.
Bà Nguyễn Thị Bích Lan Thu, Trưởng phòng Công tác hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp - Cục Công tác phía nam - Bộ Tư pháp cho biết, để giảm phiền hà cho người dân, điều 6, Nghị định 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao không có chứng thực có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu. Người đối chiếu phải ký xác nhận vào bản sao và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính”. Như vậy, việc sao y chứng thực các loại giấy tờ là một thủ tục không bắt buộc, nếu người dân chưa sao y giấy tờ và có kèm theo bản chính để đối chiếu thì cán bộ tiếp nhận phải đối chiếu và ký xác nhận. Mọi trường hợp yêu cầu người dân phải nộp bản sao y dù đã có bản chính để đối chiếu đều là vi phạm quy định.
Thiết nghĩ cần có chế tài đối với các cơ quan đơn vị cố tình không thực hiện quy định trên để có tác dụng răn đe, nhằm bảo đảm việc thực thi được thống nhất, giảm phiền hà và lãng phí cho cả người dân lẫn chính quyền phường, xã.
Hải Nam
Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...