|
Không cấm thì làm
“Dự án còn đang dang dở, bây giờ lại nhận được sự quan tâm nhiều quá nên chúng tôi cũng thấy có sức ép”, ông Hòa nói. Trước đó, thông tin về dự án đóng tàu ngầm của ông Hòa được đăng tải trên website của Công ty TNHH cơ khí Quốc Hòa do ông làm giám đốc đã bị báo chí “phát hiện” gây xôn xao dư luận.
Dự án tàu ngầm mini Trường Sa 1 do ông và các cộng sự triển khai từ đầu năm 2013 đến nay đã hoàn thành thân tàu với chiều dài 8,8 m, cao 3 m, chiều rộng lớn nhất là 2,8 m. Vỏ tàu là loại thép đặc biệt nhập khẩu từ nước ngoài có độ dày 15 mm. Trường Sa 1 có lượng choán nước 12 tấn khi lặn và 9,2 tấn khi nổi.
Theo công bố trên website của Công ty Quốc Hòa, Trường Sa 1 có thể lặn sâu 50 m, có khả năng di chuyển sát hay nằm im dưới đáy biển. Tàu sử dụng công nghệ không khí tuần hoàn độc lập (AIP) do Việt Nam thiết kế, thời gian lặn 15 giờ, phạm vi hoạt động 800 km. Thời gian hoạt động trên biển là 15 ngày. Tàu có 2 động cơ 90 mã lực, tốc độ trung bình 40 km/giờ (tương đương 20 hải lý/giờ).
|
Theo ông Hòa, khi bắt tay vào thực hiện dự án này, ông chỉ quan tâm là việc "có thuộc diện bị cấm hay không" chứ không quan tâm "có ai cấp phép để làm hay không". “Theo tìm hiểu của tôi thì hiện nay không có văn bản nào của Nhà nước cấm công dân đóng tàu ngầm cả”, ông Hòa nói.
Trả lời Thanh Niên Online, ông Hòa cho biết ý tưởng chế tạo tàu ngầm mini đã có từ lâu nhưng vì nhiều lý do mà từ hơn một năm qua, ông mới có thể bắt tay vào nghiên cứu thực hiện. Mục tiêu đóng tàu với ông Hòa rất đơn giản: phục vụ công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo, đánh bắt hải sản, du lịch và thăm dò đáy biển.
Ông Hòa cho biết, sau khi có ý tưởng, ông đã dành cả năm trời tìm hiểu trên interrnet các thông tin liên quan đến tàu ngầm. Sau đó thiết kế, tính toán các thông số kỹ thuật, rồi cùng đội ngũ kỹ sư, công nhân của công ty bắt tay vào đóng tàu.
|
“Trong quá trình đóng tàu, nhiều khó khăn được đặt ra tưởng chừng không vượt qua, trong đó có công đoạn làm mũi tàu”, ông Hòa nói. Riêng phần này ông Hòa và các cộng sự đã mất hơn hai tháng loay hoay tìm cách thực hiện trong khi toàn bộ thân tàu chỉ mất một tháng để thực hiện.
Do tàu nhỏ không mang được ắc quy mà phải chạy bằng động cơ diesel nên việc làm thế nào để động cơ diesel hoạt động dưới nước cũng là vấn đề lớn.
Nguyên lý AIP, mà ông Hòa cùng các cộng sự khẳng định đã áp dụng thành công, cho phép khi hoạt động không khí do động cơ tàu xả ra sẽ được qua bộ lọc để lọc hết tạp chất, đưa vào làm sạch, rồi bơm thêm oxy, rồi quay trở lại động cơ, bắt đầu một vòng tuần hoàn mới.
“Nguyên lý này thì có thể tìm hiểu trên mạng nhưng làm cụ thể như thế nào thì tôi phải tự tìm hiểu vì đây là bí quyết công nghệ, không ai tiết lộ cho mình cả”, ông Hòa nói.
Sẽ cố gắng đến lần thứ n+1
Ông Hòa cho biết khi bắt tay thực hiện dự án Trường Sa 1 cũng bị nhiều người cho là không thực tế thậm chí ảo tưởng. “Tôi nghĩ có thể mọi người đang có sự nhầm lẫn giữa tàu ngầm mini và tàu ngầm quân sự. Hai loại tàu này có cách thức hoạt động khác nhau”.
Có thể là một “tay mơ” khi đóng tàu ngầm, nhưng có lẽ nhiều người không biết rằng ông Hòa từng theo học chuyên ngành chế tạo máy ở Đức, rồi ĐH Bách khoa Hà Nội, có kinh nghiệm hàng chục năm trong ngành cơ khí.
“Tôi tự tin chế tạo tàu ngầm mini vì tôi thấy rằng so với những thiết bị, máy móc mà chúng tôi từng chế tạo có nhiều cái còn phức tạp hơn nhiều. Công ty của chúng tôi hoạt động tốt cũng là do làm được những sản phẩm trong nước hầu như chưa làm được. Ví dụ như máy cắt giấy A4 của chúng tôi sản xuất, trước đây một nhà máy giấy của Việt Nam từng phải nhập của nước ngoài với giá hơn 30 tỉ, nhưng thiết bị tương tự chúng tôi bán ra chỉ có giá vài trăm triệu”, ông Hòa nói.
|
Theo kế hoạch, việc lắp đặt thiết bị cho con tàu sẽ hoàn thành trong khoảng tháng 11 năm nay. Ông Hòa cho biết đang cho xây dựng một bể nước kích thước rộng 4 m, dài 10 m và cao 5 m để đưa tàu ngầm mini vào thử nghiệm, kiểm tra hệ thống không khí, nổi - lặn, thẩm thấu của nước…
“Các công nghệ mà chúng tôi áp dụng có thành công không thì có lẽ hơn một tháng nữa sẽ có câu trả lời. Nếu lần đầu chưa thành công thì sẽ tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh. Thậm chí có thể sẽ chưa thành công ngay nhưng nếu làm lại thì chúng tôi sẵn sàng cố gắng đến lần n+1”, ông Hòa nói.
Trả lời Thanh Niên Online, ông Hòa cho biết đến nay đã đầu tư hơn 1 tỉ đồng cho dự án Trường Sa 1. Tổng số tiền để thực hiện Trường Sa 1 theo ông Hòa còn phụ thuộc nhiều vào các loại thiết bị sẽ lắp đặt trên tàu sau này trong đó có nhiều thiết bị phải nhập từ nước ngoài như hệ thống định vị, kính tiềm vọng, ra-đa...
Theo ông Hòa, người cầm lái con tàu khi thử nghiệm cũng sẽ chính là ông. “Mình là người thiết kế ra nó, hiểu nó nhất nên mình phải là người lái thôi”, ông Hòa nói.
PGS.TS Lê Hồng Bang, Trưởng Khoa đóng tàu - ĐH Hàng hải Việt Nam: Tôi cũng mới biết thông tin về dự án tàu ngầm mini Trường Sa 1 qua báo chí, chưa trực tiếp tìm hiểu nên cũng chưa thể bình luận gì nhiều. Qua những thông tin được công bố thì điều tôi thấy băn khoăn là công nghệ AIP là công nghệ phức tạp và không phải ai cũng có thể làm chủ được công nghệ này. Chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật, Chính ủy Quân chủng Hải quân: Dưới góc độ cá nhân tôi xin bày tỏ sự trân trọng đối với những dự án tàu ngầm mini mà ông Nguyễn Quốc Hòa đang thực hiện. Tôi cho rằng việc một cá nhân, doanh nghiệp đầu tư tiền của công sức sáng tạo trong một lĩnh vực như vậy là rất đáng hoan nghênh và trân trọng. Ngoài phục vụ trong lĩnh vực quân sự thì ở các nước hiện nay tàu ngầm còn được sử dụng cho nhiều mục đích dân sự khác nhau như thăm dò, nghiên cứu… cho nên việc chế tạo tàu ngầm mini của ông Nguyễn Quốc Hòa là rất có ý nghĩa. Việc có cần cấp phép hay không thì tôi cho rằng đây là vấn đề thuộc về quản lý Nhà nước. Trong quá trình thử nghiệm ông Hòa có thể làm việc với các cơ quan có thẩm quyền của địa phương để tìm hiểu và được tư vấn thêm. |
Trường Sơn
Ảnh: Công ty TNHH cơ khí Quốc Hòa cung cấp
Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...