Người tiêu dùng tìm đến thực phẩm sạch

Thứ tư - 06/01/2016 22:19 - Đã xem: 1142
Thời gian gần đây, những thông tin liên tiếp từ thực phẩm tươi sống cho đến thực phẩm chế biến không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm khiến người tiêu dùng lo lắng, thay đổi cách mua sắm, tìm đến những sản phẩm sạch, an toàn.

THỰC PHẨM GẮN MÁC “SẠCH”

Nhằm đáp ứng “cơn khát” thực phẩm sạch của người tiêu dùng, thời gian gần đây, tại các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa, hàng loạt các mặt hàng thực phẩm từ thịt, cá, rau, gạo... đều được gắn mác “sạch” để thu hút người mua.

Tại quầy hàng của chị Nguyễn Thị Loan ở chợ Đắk Nia (Gia Nghĩa), thịt heo được bày bán vẫn còn nguyên từng mảng lông đen. Khi được hỏi, chị Loan cho biết: “Để nguyên lông như thế này thì người ta mới tin là “heo sạch”, chứ cạo đi rồi thì heo đen cũng như heo trắng. Nhìn có vẻ thiếu thẩm mỹ nhưng những loại thịt như thế này lại được các bà nội trợ tin dùng”.

Theo cách lý giải của chị Loan, những mảng lông đen đó chính là “tem” chứng nhận “heo sạch”, nên thu hút đông khách đến mua. Không chỉ riêng chị Loan, nhiều quầy hàng kinh doanh thịt heo tại chợ cũng có cách làm tương tự.  

Những người buôn bán rau xanh cũng có muôn vàn cách để người tiêu dùng tin rằng đó là “rau sạch, rau nhà trồng”. Dạo một vòng chợ Đắk Nia, đoạn đường chỉ khoảng 30m, nhưng có đến hàng chục chỗ bán “rau sạch”. Hầu hết người bán đều chào mời bằng những câu đại loại như: Mớ rau này chị mới cắt, rau nhà chị trồng đấy, rau hơi xấu vì bị sâu ăn nhưng mà là rau sạch... Nghe nói “rau sạch”, người tiêu dùng đều bị thu hút, nhiều bà nội trợ còn mua đến 2-3 kg để dành.

Chị Đỗ Thị Thu Hà ở phường Nghĩa Trung chia sẻ: “Nghe mấy chị em nội trợ chia sẻ rằng rau xấu, có sâu là “rau sạch”, còn rau tươi tốt mơn mởn đều là rau phun thuốc, nên mỗi khi đi chợ, mình đều tìm mua các loại rau xấu, mặc dù nhiều lúc giá đắt hơn rau bình thường”.

Không chỉ thịt heo, rau xanh mà ngay cả thịt gà, trứng, trái cây, gạo... cũng đều được người bán quảng cáo là “hàng sạch”.

Chị Nguyễn Thị Thúy ở phường Nghĩa Trung nói: “Thời buổi này đi chợ khó quá, không biết mua gì, ăn gì? Thông tin về thực phẩm “bẩn” suốt ngày cứ nhan nhản trên các phương tiện thông tin đại chúng. Còn ngoài chợ, các cơ sở buôn bán đều quảng cáo là “hàng sạch, an toàn”, đến nỗi người tiêu dùng không thể biết cái nào mới thực sự là sạch?”.

QUAY VỀ THỜI “TỰ CUNG, TỰ CẤP”

Khi thực phẩm sạch ở các chợ trở thành “hàng hiếm” và không thể phân biệt, thì không ít gia đình lại quay về thời kỳ “tự cung, tự cấp” để phần nào bảo đảm bữa ăn an toàn cho gia đình.

Với đặc điểm không quá khó trồng, không tốn nhiều chi phí, không nhất thiết phải có vườn, tự trồng rau xanh đang trở thành phong trào đối với nhiều gia đình. Thậm chí, nhiều người dù bận rộn việc cơ quan, công sở nhưng cũng tranh thủ tự trồng trong vườn nhà hoặc đơn giản là tận dụng những chiếc thùng xốp trước sân để có rau sạch cho gia đình.

Chị Đỗ Hồng Yên ở phường Nghĩa Đức cho biết, chỉ với gần 3m2 đất của hiên nhà mà chị đã trồng được một vườn rau xanh phục vụ bữa ăn cho gia đình. Từ lúc gieo hạt đến lúc có rau ăn chỉ mất khoảng 15-20 ngày. Phương pháp trồng rau cũng rất đơn giản, dùng đất thịt pha trộn với phân chuồng hoại mục, xơ dừa, tro trấu và bón lót phân hữu cơ, sau đó gieo hạt là đã có 1 vườn rau nho nhỏ với đủ loại rau dền, rau muống, mồng tơi, cải ngọt, rau thơm…

Tương tự, gần 2 năm trở lại đây, gia đình ông Nguyễn Trọng Huân ở phường Nghĩa Trung cũng tự trồng rau xanh tại nhà, đủ cung cấp cho các bữa ăn của gia đình mà không phải mua ngoài chợ. Theo ông Huân, chi phí cho việc trồng rau không bao nhiêu, chỉ mua các thùng xốp, hạt giống, phân bón, bỏ công tưới nước hàng ngày là có nguồn rau sạch cho cả gia đình trong nhiều ngày. Không chỉ tự trồng rau sạch, một số gia đình còn tự nuôi gà, vịt... để vừa  lấy trứng, vừa lấy thịt.  

Có thể nói, câu chuyện về thực phẩm “bẩn” tuy không mới nhưng vẫn kéo dài, dai dẳng, bởi một bộ phận người sản xuất cũng như thương lái vì lợi nhuận trước mắt mà bất chấp sức khỏe người tiêu dùng. Trong khi chờ đợi cơ quan chức năng xử lý triệt để thì “tự cung, tự cấp” đang là một giải pháp đối phó của người tiêu dùng trước thực trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát tốt như hiện nay. Hy vọng, thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ có những giải pháp quyết liệt hơn nữa cũng như xây dựng chế tài đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Bài, ảnh: Vũ Trang

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây