Các lãnh đạo nhận trách nhiệm

Thứ năm - 24/03/2016 20:15 - Đã xem: 1064
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng - bên cạnh những thành tích đã đạt được, đã thẳng thắn nhận trách nhiệm và chỉ rõ những hạn chế trong nhiệm kỳ của mình

Trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội (QH) vào sáng 22-3, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh rằng thành tựu nổi bật của QH khóa XIII là đã làm tròn trọng trách ban hành Hiến pháp năm 2013. Tính đến hết kỳ họp thứ 10 QH khóa XIII đã ban hành 100 luật, bộ luật. Dự kiến kỳ họp thứ 11, QH tiếp tục xem xét, thông qua 7 dự án luật.

Yếu tố vì dân được thể hiện rõ nét

“Yếu tố trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn trong quyết sách của QH nhiệm kỳ này được thể hiện rõ nét. Mỗi phát biểu của đại biểu (ĐB) QH trên diễn đàn đều xuất phát từ đời sống thường nhật, thể hiện ý chí và nguyện vọng của người dân, lấy mục tiêu lo việc của dân để bàn thảo và quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng trình bày.

Để QH hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng khóa tới cần tiếp tục tăng cường số lượng ĐBQH chuyên trách lên khoảng 40% để làm nòng cốt trong việc xây dựng luật, hoạt động giám sát và các hoạt động khác của QH. Giảm số lượng ĐB công tác tại các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước và tăng tỉ lệ đại biểu là các nhà khoa học, ĐB có trình độ, năng lực và điều kiện hoạt động QH.

 

Đại biểu đóng góp ý kiến tại cuộc họp Quốc hội vào sáng 22-3Ảnh: NGUYỄN NaM
Đại biểu đóng góp ý kiến tại cuộc họp Quốc hội vào sáng 22-3Ảnh: NGUYỄN NaM

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, QH cũng nhận rõ phần trách nhiệm đối với những tồn tại, yếu kém của đất nước. Đó là chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn; cơ cấu ngân sách chưa hợp lý, bội chi cao, nợ công tăng; tái cơ cấu kinh tế chậm; cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu; kỷ luật, kỷ cương công vụ chưa nghiêm; tình hình tội phạm, trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp...

Cũng trong sáng 22-3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ 2011-2016. Trước QH, bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng thẳng thắn thừa nhận với vai trò là người đứng đầu nhà nước về đối nội và đối ngoại, Chủ tịch nước có phần trách nhiệm với những yếu kém của đất nước hiện nay.

Theo Chủ tịch nước, trong lĩnh vực tư pháp, vẫn còn hiện tượng xuống cấp trong đội ngũ cán bộ về phẩm chất chính trị, đạo đức, và yếu kém nghiệp vụ; cán bộ còn nhũng nhiễu, tiêu cực. Công tác kiểm tra giám sát, thực hiện vốn vay ODA chưa hiệu quả.

Chủ tịch nước cũng cho biết trong nhiệm kỳ, đã phong cấp tướng cho 194 sĩ quan quân đội, 119 sĩ quan công an; đặc xá tha tù trước thời hạn gần 44.000 phạm nhân, xét và quyết định ân giảm án tử hình cho một số bị án.

Chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Về quản lý kinh tế - xã hội, Chính phủ, Thủ tướng đã lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm phát triển bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh một trong những dấu ấn của Chính phủ trong nhiệm kỳ là trước diễn biến phức tạp ở biển Đông, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định rõ lập trường và chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, được đồng bào và cộng đồng quốc tế ủng hộ. Ngoài ra, cũng đã chủ động chỉ đạo chuẩn bị các đề án và đã báo cáo đề nghị đấu tranh pháp lý để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém. Đó là năng lực dự báo còn hạn chế nên việc xây dựng mục tiêu, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chưa phù hợp; một số cơ chế, chính sách còn thiếu tầm nhìn dài hạn, tính khả thi chưa cao và phản ứng chính sách trong một số trường hợp chưa kịp thời.

Thủ tướng cũng cho biết sự phối hợp chính sách và chỉ đạo điều hành trong thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế không thật đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, quản lý sử dụng vốn vay ở một số dự án kém hiệu quả, khắc phục chậm. Môi trường đầu tư kinh doanh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Thủ tướng cũng nhìn nhận thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi.

Làm rõ trách nhiệm đối với nợ công, tham nhũng

Trong báo cáo thẩm tra báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý đề nghị báo cáo của Chính phủ cần phân tích, đánh giá sâu hơn các nội dung liên quan đến hiệu quả, hạn chế, yếu kém và trách nhiệm trong hoạt động của Chính phủ, các thành viên của Chính phủ nhiệm kỳ qua.

Chính phủ cũng cần làm rõ về vấn đề nợ công, nguyên nhân và trách nhiệm của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành để tình trạng nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, nợ Chính phủ vượt giới hạn quy định, hiệu quả sử dụng vốn vay thấp; vấn đề tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả.

Ủy ban Pháp luật của QH đề nghị Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân kết quả cải cách hành chính chưa cao, nhiều lĩnh vực vẫn còn tình trạng “xin - cho”, tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà người dân chậm được khắc phục. Chính phủ cần phân tích, làm rõ đâu là nguyên nhân khách quan, chủ quan của những hạn chế, yếu kém. Chỉ rõ là do nhận thức, do trách nhiệm của người đứng đầu hay do cơ chế, chính sách đối với những hạn chế, yếu kém được nêu trong báo cáo, từ đó đề ra hướng khắc phục cho nhiệm kỳ sau.

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật cũng khẳng định báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh đầy đủ tình hình, tính chất, mức độ của thực trạng tham nhũng, lãng phí trong thời gian qua; việc đấu tranh phòng chống tham nhũng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn; tham nhũng không những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, không chỉ là nguy cơ tiềm ẩn mà ngày càng hiện hữu...

“Ủy ban Pháp luật của QH mong muốn Chính phủ khóa mới cần xây dựng các giải pháp hiệu quả, quyết liệt, đồng bộ hơn để thực sự trở thành một Chính phủ vì dân, năng động, sáng tạo, công khai, minh bạch...” - báo cáo thẩm tra nêu rõ.

 

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội):

Dân chủ nghị trường được thể hiện rõ

Tôi rất ấn tượng với báo cáo của Chính phủ kỳ này, đặc biệt trong việc nêu ra các hạn chế rõ ràng, cụ thể. Trước đây, trong các báo cáo rất ít khi nêu ra vấn đề này. Ví dụ như vấn đề điều hành, kỷ cương hành chính, vấn đề tham nhũng, tham ô, chống lãng phí...

Với QH, nhiệm kỳ này, dân chủ nghị trường được thể hiện rất rõ, đã có sự tranh luận, trao đổi rất nhiều. Điều này dẫn đến chất lượng làm luật cao hơn cũng như việc quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước tốt hơn, khả thi hơn.

Báo cáo của Chủ tịch nước đã nhấn mạnh rõ vai trò cá nhân của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước trong việc thực hiện trách nhiệm được giao tương đối cụ thể. Báo cáo thể hiện rõ đối nội, đối ngoại làm được những việc gì, mở rộng công tác đối ngoại, nâng cao vị thế của Việt Nam lên rất nhiều.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng):

Khắc phục những tồn tại

Chúng tôi đánh giá rất cao báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ do Thủ tướng trình bày. Nói một cách công bằng, Chính phủ trong thời gian qua đứng trước tình hình khó khăn nhưng đã đề ra những giải pháp rất kịp thời, do vậy, phát triển kinh tế của những năm cuối nhiệm kỳ đã đạt yêu cầu và đặc biệt năm 2015, GDP của Việt Nam đã đạt và vượt ngưỡng yêu cầu của QH đề ra.

Trong nhiệm kỳ qua, tình hình biển Đông rất phức tạp nhưng Chính phủ đã có những biện pháp rất kịp thời, xác định chủ quyền trên biển của Việt Nam bằng các biện pháp rất mềm dẻo, theo luật pháp quốc tế và được cử tri,  nhân dân cả nước đồng tình.

Chúng tôi cũng đánh giá rất cao việc Chính phủ đã rất thẳng thắn đưa ra 8 nhóm hạn chế của nhiệm kỳ và đề ra 5 bài học kinh nghiệm để đánh giá một cách thực chất vấn đề điều hành của Chính phủ trong nhiệm kỳ vừa qua, qua đó giúp cho Chính phủ khóa mới phát huy những thành tựu, khắc phục những tồn tại.

 

VĂN DUẨN

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây