Ngày 11-12, tại hội thảo “Cộng đồng ASEAN và Chương trình hành động của Việt Nam” với sự tham dự của hơn 150 đại biểu đến từ các bộ, tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp (DN), hiệp hội ngành nghề, chuyên gia... những thách thức từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) tiếp tục được đặt ra.
Nhiều doanh nghiệp sẽ đóng cửa
Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tỏ ra lo ngại khi theo điều tra mới đây của một số học giả trong nước và của Ban Thư ký ASEAN, nhận thức về Cộng đồng ASEAN, về cơ hội và thách thức từ việc hình thành Cộng đồng ASEAN của doanh nhân, sinh viên và người dân Việt Nam nói chung ở mức thấp, nhất là so với Singapore, Thái Lan và Malaysia.
Thời điểm Cộng đồng ASEAN bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm 2015, các DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh rất lớn trước hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu từ ASEAN, từ đầu tư của các nước ASEAN. Một số DN có thể phải thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa.
Nhấn mạnh AEC là một bước phát triển tiếp theo, nâng cao hơn của khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) mà Việt Nam đã tham gia gần 20 năm, ông Nguyễn Sơn, Phó Vụ trưởng Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế - Bộ Công Thương, cho rằng cơ hội lớn nhất từ AEC là tạo ra một thị trường khu vực liên kết khi tất cả hàng rào thuế, phi thuế giữa 10 nước được loại bỏ, các nước ASEAN sẽ có thị trường 625 triệu dân, GDP 2.600 tỉ USD.
Khu vực ASEAN cũng như các nước trong khu vực đều sở hữu rất nhiều FTA. Một DN khi đầu tư vào thị trường này không chỉ tiếp cận thị trường khu vực ASEAN mà còn có cơ hội thâm nhập những thị trường mà ASEAN đang có FTA. Khi đó, các nước ASEAN có sự cạnh tranh lớn về thu hút đầu tư nước ngoài.
Không quá lạc quan
Cũng theo ông Nguyễn Sơn, dù môi trường đầu tư được cải thiện, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư chung trong ASEAN được nâng cao song cạnh tranh nội bộ giữa các nước ASEAN với nhau để thu hút vốn đầu tư không hề giảm. Thậm chí có những nhà đầu tư đang làm ăn ở Việt Nam nhưng khi thị trường chung ASEAN hình thành, không được hưởng mức thuế bảo hộ cao nữa, họ sẽ chuyển đầu tư sang nước ASEAN khác thuận lợi hơn về đầu tư, dung lượng thị trường và quy mô sản xuất.
Một bài học đã xảy ra trên thực tế là khi Việt Nam bỏ thuế với mặt hàng điện tử trong ASEAN, Sony đã dời nhà máy sang Thái Lan, Sony Việt Nam chỉ còn làm nhiệm vụ nhập khẩu. Từ đó có thể đánh giá những ngành hàng hiện nay đang được bảo hộ, sau khi bỏ thuế, hoạt động không hiệu quả sẽ đối diện với nguy cơ nhà đầu tư rút vốn sang các nước ASEAN khác.
“Về đầu tư, chúng ta không nên quá lạc quan với đánh giá môi trường đầu tư của ASEAN sẽ tốt lên, cạnh tranh với Trung Quốc, hút đầu tư từ Trung Quốc sang. Điều đó là có nhưng nguồn đầu tư ấy về đầu, về Việt Nam hay sang Thái Lan, Indonesia... phụ thuộc vào mức độ chúng ta cải cách môi trường đầu tư” - ông Nguyễn Sơn cảnh báo.
Trong khi đó, trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam dù đã cải thiện vị trí nhưng chưa bao giờ vượt qua được 6 nước thành viên cũ của ASEAN. Hiện nay, trong đánh giá khảo sát của các phòng thương mại về môi trường đầu tư kinh doanh của các nước ASEAN, Việt Nam vẫn bị thang điểm thấp nhất trong 3 lĩnh vực: minh bạch chính sách (bao gồm cả tình trạng tham nhũng), chính sách thuếvà hải quan.
Trước những thách thức AEC đặt ra, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết Chính phủ sẽ chú trọng xử lý với nhóm giải pháp chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thuận lợi hóa thương mại, giúp các DN rút ngắn thời gian giao dịch, giảm chi phí hành chính, qua đó cắt giảm chi phí đầu vào, nâng cao sức cạnh tranh.
Cụ thể là triển khai cơ chế một cửa quốc gia (tích hợp tất cả các thủ tục xuất nhập khẩu vào một đầu mối và điện tử hóa). Trong tương lai, khi DN xuất khẩu hay nhập khẩu sang một nước ASEAN, chỉ cần thông qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan, để làm tất cả thủ tục kê khai trên mạng, cấp phép, thông quan. Do phức tạp về mặt kỹ thuật và quản lý nên hiện Việt Nam mới chỉ kết nối thử với Malaysia.
Loại bỏ 7% dòng thuế nhạy cảm
Về thương mại hàng hóa, Việt Nam đã tận hưởng những lợi ích trong lĩnh vực này cách đây 5 năm. Từ năm 2010, 6 nước thành viên cũ của ASEAN hoàn thành việc loại bỏ thuế quan và từ đó đến nay, Việt Nam đã tiếp cận thị trường 6 nước này với thuế suất bằng 0 trong khi hiện Việt Nam mới loại bỏ khoảng 70% hạn ngạch thuế quan; 20% thuế quan đang ở mức 0%-5%.
Thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là từ nay đến năm 2018 phải loại bỏ nốt thuế quan đối với 7% dòng thuế nhạy cảm (khoảng 400 dòng thuế). Những dòng thuế này trước đây được xếp vào danh mục nhạy cảm cao, nghĩa là những mặt hàng Việt Nam có năng lực cạnh tranh thấp, muốn duy trì mức thuế bảo hộ cao để doanh nghiệp và các ngành sản xuất có thời gian nâng cao sức cạnh tranh. Qua quá trình tham gia AFTA từ năm 1998 đến nay, nhiều mặt hàng không còn nhạy cảm nữa do các doanh nghiệp đã nâng cao năng lực cạnh tranh, như mặt hàng đồ uống, bánh kẹo, sứ vệ sinh, kính xây dựng...
Tuy nhiên, có những mặt hàng được hưởng mức bảo hộ rất cao bằng cả biện pháp thuế và phi thuế nhưng không cải thiện được năng lực cạnh tranh sẽ đối mặt với khó khăn, thách thức, như ô tô, đường. Đáng lưu ý là mặt hàng đường được bảo hộ bằng thuế suất 80% và bảo hộ bằng hạn ngạch thuế quan, sẽ phải bỏ vào năm 2018.
Nguồn tin: Người Lao Động
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...