Trái độc đáo đón Tết

Thứ hai - 14/12/2015 03:22 - Đã xem: 856
Các nhà vườn, nghệ nhân ở ĐBSCL đang tất bật chuẩn bị những loại cây, trái “độc” để tung ra thị trường dịp Xuân

Được mệnh danh là “Vua bưởi hồ lô” nên mỗi khi ai muốn gặp ông Võ Trung Thành - Chủ nhiệm CLB Tạo hình trái cây xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang - thì phải hẹn trước. Chúng tôi cũng vậy.

Bưởi in hình quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

Đang tất bật ngoài vườn bên những trái bưởi tạo hình được gắn vào khuôn chuẩn bị cho thị trường Tết Bính Thân, ông Thành hồ hởi cho biết năm nay CLB do ông làm chủ nhiệm sẽ tung ra thị trường khoảng 10.000 trái bưởi hồ lô có in chữ “Tài - Lộc”. Riêng bưởi Cát Tường (hay còn gọi là bưởi bàn tay Phật) do thất thu mùa Tết năm rồi nên năm nay chỉ sản xuất khoảng 6.000 trái, giao cho một công ty ở Hà Nội để xuất khẩu.

Điều đó đồng nghĩa với việc Tết này sẽ vắng bóng bưởi Cát Tường ở thị trường nội địa. Thay vào đó, ông Thành “bật mí” rằng đây là năm đầu tiên CLB sẽ “cải tiến” trái bưởi năm roi bình thường thành 1.000 trái bưởi có in hình bản đồ Việt Nam, trong đó thấy rõ 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. “Do mới trồng thử nghiệm năm đầu nên bưởi có hình bản đồ chỉ đạt khoảng 40% năng suất” - ông Thành cho biết.

Quýt hồng trồng trong chậu để bán Tết Ảnh: Ngọc Trinh
Quýt hồng trồng trong chậu để bán Tết Ảnh: Ngọc Trinh

 

 

 

Bưởi có in hình bản đồ Việt Nam (trên) và in chữ “Tài - Lộc” (dưới) Ảnh: Công Tuấn
Bưởi có in hình bản đồ Việt Nam (trên) và in chữ “Tài - Lộc” (dưới) Ảnh: Công Tuấn

Về giá bán những loại trái “độc” này, ông Thành cho biết dù năm nay thời tiết không thuận lợi khiến năng suất đạt không như ý nhưng giá bán dự kiến không tăng so với năm rồi. Theo đó, bưởi có chữ “Tài - Lộc” giá bán từ 300.000-800.000 đồng/trái; bưởi có hình bản đồ Việt Nam khoảng 1,2 triệu đồng/trái.

Dưa hấu hình... thỏi vàng

Tết năm nay, ông Trần Thanh Liêm (ngụ phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) dự kiến đưa ra thị trường khoảng 600 cặp dưa hấu hình thỏi vàng và 200 cặp dưa hấu hình vuông. Ông vừa xuống giống ruộng dưa hấu mới, dự kiến thu hoạch trước Tết Nguyên đán 15 ngày. Có nhiều công ty đặt mua 2 sản phẩm trên với số lượng lớn nhưng ông không dám ký hợp đồng.

Những ngày qua, mưa nhiều nên ông sợ dưa hư, không đủ hàng cung cấp, chỉ dám nhận tiền cọc của khách lẻ đặt từ 15-20 cặp. “Làm hàng “độc” nếu xui gặp trời mưa thì rễ, lá bị hư không đậu trái hoặc cách 20 ngày trước Tết mà không có ai đặt hàng xem như tiền bạc, công sức đổ sông” - ông Liêm tâm sự.

Thông thường, 2 loại dưa hấu nói trên rất được ưa chuộng ở thị trường phía Bắc và TP HCM. Tuy nhiên, nhiều năm qua, ông Liêm thấy dưa hấu trái to bán rất khó nên năm nay, ông chủ động làm trái nhỏ hơn để dễ tiêu thụ cũng như di chuyển xa.

Vì vậy, giá mỗi cặp dưa cũng giảm khoảng 500.000 đồng so với năm rồi. Theo đó, dưa hấu thỏi vàng có in chữ nổi “Tài” hoặc “Lộc” trọng lượng từ 2-2,2 kg, giá bán khoảng 3 triệu đồng/cặp; trọng lượng từ 1,6-1,7 kg, giá bán 2,5 triệu đồng/cặp. Đối với dưa hấu vuông loại 1,7 kg có giá 1,1 triệu đồng/cặp.

Tất bật với kiểng... lạ

Giống như các loại trái cây “độc”, để chuẩn bị cho thị trường Tết, nhiều nhà vườn trồng quýt hồng trong chậu ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp đang tất bật tỉa cành, chỉnh trái... để kịp mùa vụ. Trong số những nhà vườn trồng quýt hồng trong chậu ở huyện Lai Vung, ông Lưu Văn Ràng (tên thường gọi Tư Ràng; ngụ ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới) là người có kinh nghiệm lâu năm nhất.

Bởi lẽ, từ cái Tết năm 2006, quýt hồng trong chậu của nhà vườn Tư Ràng đã tạo nên cơn sốt trên thị trường. Từ đó đến nay, năm nào ông cũng xuất ra thị trường khoảng 700 chậu. Riêng Tết năm nay, do thời tiết nắng nóng kéo dài khiến quýt bị rụng nhiều nên ông Tư Ràng chỉ trồng thành công 450 chậu. Giá bán mỗi chậu dự kiến từ 1,5-5 triệu đồng. “Hiện các thương lái đã đặt cọc hết số chậu quýt trên” - ông Tư Ràng khoe.

Cái Mơn - Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) cũng được xem là vùng đất nổi tiếng về cây ăn trái và hoa kiểng. Tại đây, nghệ nhân Nguyễn Văn Công (chủ cơ sở hoa Năm Công; ấp Phú Long, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách) được người dân gọi là “Vua kiểng thú”.

Ông là một trong những nghệ nhân đầu tiên của cả nước tạo ra kiểng thú mang hình hài của 12 con giáp để bán trong những dịp Tết. Với quy mô 3 ha trồng cây kiểng và khoảng 20 lao động thường xuyên, những tháng qua, cơ sở Năm Công lúc nào cũng tất bật với các công đoạn tạo hình kiểng thú.

Ngoài ra, nhiều địa phương khác trong khu vực ĐBSCL ký hợp đồng làm kiểng thú tại chỗ nên cơ sở Năm Công phải điều nhân công tới nơi thực hiện. Chính vì thế, linh vật của năm 2016 là kiểng khỉ mới được cơ sở Năm Công bắt tay vào làm được khoảng 10 cặp, giá bán dự kiến khoảng 2 triệu đồng/con.

 

CÔNG TUẤN - CA LINH

Nguồn tin: Người Lao Động

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây