Bẫy hàng dỏm khi du lịch nước ngoài

Chủ nhật - 07/09/2014 08:51 - Đã xem: 971
Du khách dễ rơi vào bẫy hàng giả, hàng kém chất lượng khi đi du lịch ở nước ngoài, thông qua sự tiếp tay của hướng dẫn viên.

 

 

Bẫy hàng dỏm khi du lịch nước ngoài
Quảng cáo bán hàng cho du khách dùng thử tại trung tâm thẩm mỹ ở Hàn Quốc - Ảnh: N.T.Tâm

 

Vỏ Nhật ruột Tàu

Nhiều du khách nghĩ rằng ở Nhật không có hàng dỏm là sai lầm. Ông Y., một doanh nhân người Nhật (đề nghị không nêu tên), tìm gặp phóng viên Thanh Niên với một giỏ xách hàng dỏm mang từ Nhật qua. Đây là những món hàng do một vài công ty không phải ở Nhật sản xuất rồi mang vào nước này để bán cho du khách nước ngoài. Là người có trách nhiệm, ông Y. không đành lòng thấy khách Việt mua phải hàng “vỏ Nhật, ruột Tàu” nên mong muốn thông qua báo chí để du khách khỏi rơi vào bẫy của những người kinh doanh không chân chính. Bày một đống hàng dỏm lên bàn, nào là viên dầu cá mập, tảo xoắn, viên collagen..., ông Y. khẳng định tất cả chúng đều giả hàng Nhật. “Rất dễ phân biệt đâu là hàng Nhật trong lĩnh vực sức khỏe, bởi chúng có hạn sử dụng rất ngắn, thường chỉ một tháng và số lượng viên trong hộp rất ít để tránh bị ẩm. Các công ty Nhật cũng không phô trương hình ảnh nhà máy lên bao bì như những hộp đồ giả có thời hạn sử dụng lên 3 tháng, đựng tới 300 viên này. Điều quan trọng, trên hộp hàng thật sản xuất ở Nhật bao giờ cũng ghi rõ địa chỉ công ty, số điện thoại bàn, số fax... Còn các hộp hàng giả họ chỉ ghi mỗi số điện thoại và không ghi địa chỉ công ty”, ông Y. phân tích.

Trên thực tế, khách Việt khi đến Nhật luôn tìm mua hàng sản xuất tại Nhật (Made in Japan). Lợi dụng tâm lý này, các công ty cung cấp hàng giả tiếp cận hướng dẫn viên (HDV) du lịch ở Nhật (đa số là người gốc Hoa nói được tiếng Việt) và trưởng đoàn (HDV từ VN qua) để cung cấp hàng. Khi khách muốn mua hàng, HDV sẽ liên lạc với người bán để giao cho khách ở trên xe hay tại khách sạn.

Anh Quân, người từng sống và làm HDV tiếng Việt ở Nhật, khẳng định những gì ông Y. nói là sự thật. Theo anh, nhiều đoàn khách Việt đến Nhật không có thời gian cho mua sắm, vì thế họ nhờ HDV giới thiệu cách mua một số mặt hàng về làm quà hoặc sử dụng, chủ yếu là thực phẩm bổ sung và mỹ phẩm. Những món hàng dỏm này khi nhập vào Nhật sẽ được đổi bao bì, thay bằng bao bì có ghi “Made in Japan” để đánh lừa khách và được bán với giá rất cao. Còn ông Y. chỉ rõ: “Có 12 công ty cung cấp hàng dỏm như vậy ở Nhật. Tôi đã xác minh và phát hiện các công ty này không hề tồn tại ở Nhật. Nếu khách gọi đến số điện thoại ghi trên bao bì, cuộc gọi tự động chuyển qua số di động. Công ty Nhật Bản không bao giờ chuyển cuộc gọi như vậy. Ở Nhật, quy định phải ghi thành phần sản phẩm trên bao bì rất nghiêm ngặt, nhưng hàng dỏm không ghi bất kỳ thứ gì”.

Anh Quân khuyên du khách Việt đi du lịch ở Nhật tuyệt đối không mua đồ trên xe do HDV giới thiệu mà không biết cửa hàng bán sản phẩm ở đâu. “Các công ty du lịch uy tín đều cấm HDV “làm cò”, nhưng khi ra nước ngoài không ai giám sát nên HDV dễ làm bậy. Vì thế, nếu muốn mua hàng, du khách nên vào các cửa hàng, các hệ thống bán đồ cho du khách”, anh Quân khuyến cáo.

Chặt chém ở các điểm mua sắm

Tại nhiều nước châu Á, du khách dễ rơi vào bẫy chặt chém. Ở Thái Lan, chị Nguyễn Thanh Phương (Q.5, TP.HCM) bất ngờ khi tài xế xe tuk tuk đề nghị miễn tiền xe cho chị nếu ghé vào các cửa hàng vàng bạc đá quý, mua hay không không quan trọng. Khi ghé một cửa hàng, chị tham khảo giá mới biết đắt gấp nhiều lần ở VN. “Tôi đề nghị giảm giá 40 - 50% nhiều mặt hàng và cũng được người bán gật đầu đồng ý”, chị Phương kể.

Nhiều công ty du lịch quảng cáo tour Thái Lan giá cực rẻ, 5 ngày 4 đêm chỉ dưới 5 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu khách đọc kỹ sẽ thấy chương trình dày đặc các điểm “tham quan” mua sắm và có hẳn một ngày tự do với chi phí tự trả. “Mới sáng sớm ngày thứ 2 ở Pattaya, khách đã phải xem xiếc cá sấu và có “cơ hội” mua các sản phẩm từ da cá sấu. Ngay sau đó, khách đến vườn bướm Saithip, nơi trưng bày sản phẩm 3 miền Thái Lan và du khách thưởng thức mật ong, phấn hoa, tổ yến... Đã ăn thử thì khó lòng từ chối mua một ít về làm quà, dù những món hàng này chẳng đặc sắc gì nhưng giá lại rất cao. Sau bữa cơm trưa, khách tham quan trung tâm vàng bạc đá quý lớn nhất Thái Lan và cửa hàng đặc sản. Sang ngày thứ ba, khách lại tự do mua sắm hoặc nếu không thì đăng ký đi chơi tự chọn, chi phí không bao gồm trong tour”, chị Phương kể lại sau khi tham gia tour giá rẻ.

Mua sắm ở Trung Quốc là nỗi ám ảnh với nhiều du khách. Tại rất nhiều điểm tham quan, công ty du lịch đưa khách vào nhà thuốc cổ truyền để khách bắt mạch, bốc thuốc. Các nhà thuốc đón tiếp khách Việt rất chu đáo, có cả người phiên dịch tiếng Việt. Sau khi làm các thủ tục khám chẩn bệnh xong, khách sẽ được mời mua đúng loại thuốc mà khách vừa được bác sĩ đoán bệnh. Hết nhà thuốc, khách còn phải qua cửa hàng ngọc trai, cũng được giới thiệu tỉ mỉ bằng tiếng Việt. Nhưng ngọc trai có thật và thuốc có hiệu nghiệm hay không thì chẳng ai chứng nhận. Hiện nay, Hàn Quốc cũng đang tận dụng khả năng tiêu tiền dễ dãi của khách Việt. Các tour đến Seoul thường đưa khách vào trung tâm thẩm mỹ, được đắp thử mặt nạ dưỡng da và mua mỹ phẩm tại chỗ.

Ông Trần Xuân Hùng, Giám đốc Công ty du lịch Viking, cho biết: “Các quốc gia có những điểm shopping bắt buộc, nhưng khách không nên mua vì đa phần giá trên trời. Nếu có mua thì chọn những vật độc đáo rẻ tiền. Những sản phẩm có giá trị lớn phải cân nhắc”.

N.Trần Tâm

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây