Thời gian qua, hoạt động của đội ngũ khuyến nông cơ sở ở hầu hết các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, từ đó, làm thay đổi tập quán canh tác của bà con nông dân, nhất là ở các xã khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thông qua đội ngũ khuyến nông viên, người nông dân đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, góp phần tăng năng suất, chất lượng trong sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2010 đến nay, ngành khuyến nông đã tổ chức được hơn 170 lớp tập huấn nâng cao năng lực, bồi dưỡng chuyên môn, thu hút 5.000 lượt khuyến nông viên, cộng tác viên khuyến nông tham gia.
Các khuyến nông viên ở Chư Jút tham gia buổi trình diễn về lúa lai do ngành nông nghiệp địa phương tổ chức |
Nói về vai trò của khuyến nông viên ở cơ sở, ông Đinh Văn Thế, ở thôn 2, xã Quảng Tâm (Tuy Đức) chia sẻ: “Trước đây khi chưa tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi của Trạm Khuyến nông, các loại cây trồng của gia đình thường xuyên bị sâu bệnh, kéo theo năng suất không như mong muốn. Thế nhưng, từ khi tham gia các buổi tập huấn do địa phương tổ chức, vườn cà phê hơn 1,2 ha luôn phát triển xanh tốt, đạt năng suất 3,6 tấn/ha vì được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật”.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, do nhiều hạn chế về chế độ phụ cấp, công tác đào tạo nên đội ngũ này chưa phát huy hết hiệu quả đối với hoạt động khuyến nông.
Ông Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Tuy Đức cho biết: “Đối với một địa phương mà dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số như Tuy Đức thì vai trò của đội ngũ khuyến nông viên, cộng tác viên khuyến nông cực kỳ quan trọng. Bởi vì, ngoài việc chuyển giao, đưa nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đội ngũ này còn từng bước làm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu của đồng bào. Địa hình xa xôi, cách trở, trong khi chế độ trợ cấp cho đội ngũ này lại quá ít. Do vậy, tôi mong rằng, tỉnh cần có chính sách để khuyến nông viên, cộng tác viên khuyến nông cơ sở được hưởng trợ cấp hàng tháng. Riêng đối với những cá nhân có năng lực, cống hiến lâu năm cần xét biên chế để họ yên tâm và cống hiến với nghề”.
Ông Nguyễn Ngọc Thoại, Phó Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Đắk Glong cho hay: “Thực tế hiện nay, chương trình tập huấn cho đội ngũ khuyến nông còn nặng về lý thuyết, ít rèn luyện kỹ năng nên chưa nâng cao hiệu quả của đội ngũ này. Vì thế, về công tác đào tạo, tập huấn, ngành nông nghiệp cần đào tạo theo hướng chuyên sâu, cụ thể từng ngành nghề, lĩnh vực, phù hợp với từng địa phương để phát huy tiềm năng, lợi thế trong sản xuất”.
Có thể nói, công tác khuyến nông, khuyến ngư có vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Vì thế, tỉnh cần sớm có cơ chế phù hợp để đội ngũ khuyến nông viên, cộng tác viên khuyến nông mới gắn bó lâu dài với nghề, từ đó, công tác khuyến nông mới thực sự có chiều sâu và hiệu quả cao hơn.
Bài, ảnh: Nguyễn Lương