Thực hiện Nghị quyết phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Thành công và trăn trở

Chủ nhật - 07/09/2014 09:33 - Đã xem: 865
Ngày 7/4/2010, Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU, về “Phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020”, với mục tiêu tổng quát là “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, có khả năng cạnh tranh dựa trên nền tảng của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa công nghệ cao, đảm bảo an ninh lương thực và vệ sinh môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu…”.

Đây được xem là một chủ trương lớn đầu tiên về phát triển nông nghiệp của địa phương; mở ra bước chuyển đột phá chiến lược đúng thời điểm khi tài nguyên đất đã đến mức tới hạn và các nhân tố gia tăng giá trị (năng suất, chất lượng, thương hiệu...) không phát huy tác dụng; Nghị quyết đã làm thay đổi nhận thức về tư duy phát triển nông nghiệp truyền thống sang phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) trong hệ thống chính trị, đặc biệt rất đậm nét trong nhân dân nên đã thúc đẩy Phong trào Toàn dân hưởng ứng công cuộc ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) trong sản xuất nông nghiệp, khơi dậy nhiều điểm sáng về mô hình NNUDCNC trong thực tiễn.

Mô hình trồng hoa ở tổ dân phố 4, phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa). Ảnh: Hồ Mai

Sau 3 năm triển khai, đến nay đã có hàng trăm mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng UDCNC được hình thành, nền nông nghiệp phát triển đã có sự thay đổi về chất, được thể hiện khá rõ qua chỉ tiêu tổng hợp giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt trên 59 triệu đồng/ha, vượt sớm hơn 2 năm so với Nghị quyết, tốc độ tăng trưởng vẫn tiếp tục duy trì cao hơn nhiều so với mục tiêu giai đoạn 2011 - 2015.

Song, để “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, có khả năng cạnh tranh dựa trên nền tảng của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa công nghệ cao” như Nghị quyết thì cách thức và con đường đi đến mục tiêu giai đoạn 2 dường như còn nhiều điều cần phải “phẫu thuật” xử lý.   

Một là, đa phần các mô hình NNUDCNC hình thành trong thực tiễn đều ở quy mô nhỏ, phân tán, hàm lượng KH-CN chưa cao, chủ yếu mới ở dạng mô hình thử nghiệm ở cả góc độ khoa học – kỹ thuật lẫn thị trường, do người dân tự tìm tòi, tự học hỏi về khoa học – kỹ thuật, tự đầu tư, tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ… mà chưa có sự tác động chủ động của các công cụ quản lý Nhà nước như là một động lực thúc đẩy nhanh sự phát triển.

Hai là, những yếu tố nền tảng của NNUDCNC chậm được hình thành và phát triển là thách thức lớn vẫn đang ở phía trước. Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 04 Tỉnh ủy ngày 8/7/2014, ông Lê Diễn, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã đề cập như là những trăn trở, lưu ý, yêu cầu tập trung nghiên cứu giải quyết. Theo đó, trọng tâm giai đoạn đầu nên hướng về phát triển hệ thống doanh nghiệp (DN) và vùng sản xuất NNCNC, đặc biệt là các DN đầu tàu kinh tế và KH-CN. Bởi, qua DN là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới đến với người dân hình thành vùng sản xuất NNUDCNC, phát triển công nghiệp chế biến, xây dựng thương hiệu và cũng là cửa ngõ duy nhất để  sản phẩm của nông dân tiếp cận với thị trường một cách hiệu quả nhất.

Ba là, chưa định dạng được mô hình sản xuất trong chuỗi giá trị, bài toán phát triển thị trường sản phẩm NNCNC vẫn còn bỏ ngỏ.

Hoa ly được trồng và chăm sóc trong nhà lồng. Ảnh: Hồng Thoan

Bốn là, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong quá trình triển khai Nghị quyết rất lỏng lẻo, thiếu tính hệ thống; nhất là ngành KH - CN với nông nghiệp; giữa Sở KH - CN với các huyện thị nên nhiều thành tựu, kết quả nghiên cứu ứng dụng không được chuyển giao cho các thành phần kinh tế. Do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, ngành KH - CN, nông nghiệp, công thương thật sự chưa trở thành những “lá Át chủ bài”, chỗ dựa vững chắc cho nông dân trong quá trình xây dựng và phát triển nền NNUDCNC theo hướng sản xuất hàng hóa.

Năm là, cần đánh giá lại sự tác động của hệ thống công cụ quản lý địa phương đến sự phát triển nền NNUDCNC trên cả 3 góc độ: hình thành và phát triển Vườn ươm tạo KH - CN, phát triển Hệ thống DN NNUDCNC và vùng sản xuất NNUDCNC. Đó là các công cụ: Chính sách thu hút đầu tư; Chính sách phát triển DN KHCN; Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch nông nghiệp; Chuyển giao tiến bộ KH-CN; Định hướng và hỗ trợ phát triển thị trường; Nghiên cứu, xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị; Quản lý, kiểm soát môi trường sản xuất kinh doanh (tranh mua, tranh bán, phân bón, thuốc BVTV, giống cây trồng vật nuôi...). Đồng thời, cũng cần đánh giá lại tính khả thi của công tác lập kế hoạch, chương trình thực hiện Nghị quyết.

Sáu là, với những ưu thế về KH-CN, thị trường tiêu thụ của một địa phương phát triển mạnh về NNUDCNC cũng như tính tương đồng tự nhiên, Lâm Đồng có thể coi là “đối tác chiến lược” của Đắk Nông trong quá trình thực hiện chuyển hướng chiến lược phát triển NNUDCNC. Do vậy, cần phân tích và vận dụng một cách khoa học mối quan hệ biện chứng cơ hội - thách thức về tính “đối tác chiến lược” cũng như đánh giá một cách nghiêm túc quá trình thực hiện Chương trình hợp tác giữa 2 địa phương do Tỉnh ủy Đắk Nông chủ động khởi xướng. Trong đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm NNUDCNC và thị truờng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới là 2 lĩnh vực trọng tâm trong “chiến lược đối tác” này. 

TH.S Trần Mạnh Dương
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Đắk Nông

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây